Hàng loạt thông tin về thuốc cảm cúm chứa tiền chất gây nghiện khiến người tiêu dùng hoang mang, nhiều người không dám cho con dùng thuốc cảm.
Lọ mọ tìm thuốc nam thay thuốc tây
Được mọi người trên mạng mách nước, chị Phạm Thanh (Đại La, HN) mò mẫm lên tận Sóc Sơn để lấy thuốc xông chữa cảm cúm cho con. Chị bảo, từ ngày đọc được thông tin trên báo về thuốc cảm chứa tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp, chị không dám mua thuốc cho cả nhà dùng nữa. Nhà có người bị cảm là chị lại tìm mua thuốc lá về xông, chữa cảm theo bài thuốc dân gian.
“Lâu nay không biết gì nên mình vẫn vô tư dùng, giờ biết rồi thì phải cảnh giác. Người lớn mình không sao chứ trẻ con sức đề kháng kém, ít nhiều gì cũng bị ảnh hưởng. May mà con mình từ nhỏ đến giờ ít ốm đau, chứ tháng dùng thuốc mấy lần có khi cũng bị nghiện thật”, chị Thanh lo lắng.
Chị Thanh cho biết, dùng thuốc thì lo con bị nghiện, không dùng thì lại thương con vì chữa bằng thuốc dân gian lâu khỏi. Có lần con sụt sịt sổ mũi cả tuần, uống đủ các loại thuốc lá mà con không đỡ, chị lại đành phải mua “thuốc Tây” về cho con uống.
“Nói gì thì nói thuốc Tây vẫn nhạy hơn, chữa thuốc lá thì lành thật nhưng hơi lâu, đợi con khỏi thì cháu đã gầy rộc đi rồi. Chả biết có loại thuốc cảm nào không chứa cái chất gây nghiện kia không”, chị Thanh băn khoăn.
Mới đây cơ quan công an đã thu giữ nhiều loại thuốc cảm cúm có chứa tiền chất gây nghiện pseudoephedrine (PSE). Việc này lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trong việc sử dụng thuốc chứa tiền chất gây nghiện. Theo tìm hiểu của PV, phần lớn người tiêu dùng đều cảm thấy hoang mang, lo ngại khi thông tin về tiền chất gây nghiện có trong thuốc cảm vẫn đang nhập nhằng. Đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ.
Chị Vân Anh (Mỹ Đình, HN) chia sẻ: “Tôi lo lắm, trẻ nhỏ hay ốm đau, thường xuyên phải dùng thuốc. Giờ thuốc lại có chứa chất gây nghiện khác nào đầu độc con. Tôi phải nhờ người quen trên tận Lào Cai gửi thuốc lá từ trên đó về dùng dần. Nhưng có vẻ không hợp thuốc nên hầu như lần nào cu Tí nhà tôi cũng phải cúm gần tuần mới khỏi”.
Lựa chọn thông minh để tự bảo vệ mình
Hiện nay, một số doanh nghiệp dược đã sử dụng chất thay thế PSE bằng dược chất tương đương. Một số hãng dùng Phenylephrine (PE) như Panadol. Một số hãng lại chuyển qua dùng chất khác như Dextromethorphan Hbr.
Các chuyên gia khuyến cáo, chất Dextromethorphan Hbr, một chất dẫn xuất của morphine vẫn có thể gây nghiện và bị lạm dụng. Vì thế PE được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là chất thay thế PSE tốt nhất trong thành phần các loại thuốc cảm thông thường. Vì PE có cơ chế tác dụng và hiệu quả tương tự như PSE, nhưng điều quan trọng là không thể dùng để điều chế methamphetamine (ma túy tổng hợp) được.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ (một quốc gia luôn có những kiểm duyệt nghiêm ngặt và chính xác nhất trong ngành công nghiệp dược chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh) không còn sản xuất thuốc cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang chứa tiền chất PSE mà đã thay bằng PE có tác dụng điều trị tương tự.
Trong khi các doanh nghiệp dược đang đùa với tử thần, người tiêu dùng cần có lựa chọn sáng suốt để tự bảo vệ mình.
“Bây giờ mua thuốc là phải đọc kỹ thành phần, thành phần nào không rõ là phải hỏi kỹ dược sĩ mới dám dùng. Chứ dùng thuốc đã hại người rồi, dùng phải thuốc giả thuốc độc thì còn hại nữa”, chị Vân Anh (Mỹ Đình, HN) bày tỏ.
Benh.vn (Theo VietNamnet)