Đôi khi nước mũi bạn trở nên rất đặc, dính như chất keo, có mầu xanh hay vàng, chảy ra nhiều làm bạn thấy khó chịu, khó thở, nghẹt mũi. Hoặc đôi lúc khi nằm, những mũi dãi này rơi vào cổ họng làm bạn bị ho sặc. Đó là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng khoang mũi.
Đặc điểm và nguyên nhân gây nhiễm trùng khoang mũi
Đặc điểm khoang mũi
Khoang mũi là các buồng trống trong sọ, thường nằm hai bên mũi và quanh mắt. Không khí khi vào lỗ mũi sẽ phải đi qua các buồng trống này trước khi đến phổi. Nhiệm vụ của các buồng này là làm cho không khí trở nên ấm áp khi vào đến phổi.
Nguyên nhân nhiễm trùng khoang mũi
Nếu vì một lý do nào đó mà đường hô hấp qua các khoang mũi bị nghẽn lại (do các tế bào hình lông trong đó bị đờm dính keo lại, do bệnh cảm hay cúm, do dị ứng làm phía trong mũi bị sưng, nhỏ lại, làm nghẽn đường ra vào của không khí…), bạn bị nghẹt mũi, các vi khuẩn có dịp sinh sôi nẩy nở… và gây nhiễm trùng khoang mũi.
Nếu bạn thường xuyên bị nghẹt mũi, các tế bào trong đường hô hấp này có thể biến dạng và dẫn đến bệnh nghẹt mũi kinh niên.
Phương pháp giúp thông mũi
Hãy giữ ẩm không khí vào mũi
Đôi khi không khí quá khô làm nước mũi khô lại, trở thành một dạng keo đặc. Lớp keo này làm các tế bào hình sợi trong khoang mũi dính lại với nhau, tạo nên nhiều biến chứng khó chịu trong mũi.
Phương pháp:
Để tránh đờm và nước mũi bị đặc lại, bạn nên xông mũi bằng nước nóng mỗi ngày một hai lần.
– Có thể đứng hít thở không khí trong phòng tắm lúc hơi nước nóng bốc lên làm mờ kính.
– Hoặc khum mặt xuống gần một chậu nước nóng đang bốc hơi với một chiếc khăn lớn chùm cả đầu và chậu nước.
Hít thở không khí ẩm trong đó. Làm như vậy có thể giải tỏa cơn nghẹt mũi trong một vài phút.
Đắp nước nóng
Bạn có thể làm thông mũi bằng cách đắp một khăn thấm nước thật ấm che ngang hai mắt xuống đến gò má. Hơi nóng và ẩm này làm máu lưu thông dễ dàng hơn cũng như làm khoang mũi ấm hơn.
Xông hơi nóng
Nếu bạn không sợ nước, phương pháp tốt nhất là kết hợp cả hai việc đắp nước nóng và xông hơi nóng. Trong lúc tắm, hãy để hoa sen nước thật ấm xịt vào phần mặt chỗ giữa hai mắt.
Nếu sợ nước chảy vào mũi, bạn có thể há miệng ra và hít thở bằng cả miệng lẫn mũi. Đứng như vậy chừng vài phút, mũi sẽ thông suốt. Nên làm mỗi ngày trong khi tắm.
Rửa mũi bằng nước muối
Rửa mũi bằng nước muối pha nửa thìa cà phê muối ăn vào 1/4 lít nước. Bạn có thể dùng dụng cụ nhỏ giọt hoặc một chai thuốc nhỏ mũi đã hết, cho nước muối vào đó, ngửa mặt lên nhỏ vào mũi. Nhớ hít nhẹ vào để giúp nước muối vào mũi sâu hơn.
Nước muối với nồng độ này hoàn toàn không làm cho bạn khó chịu. Nếu nhà có bột nổi (baking soda), hãy trộn thêm một chút xíu (khoảng bằng đầu đũa), sẽ có tác dụng hơn (Theo phương pháp của bác sĩ Bruce, giáo sư đại học tại Denver).
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước có thể làm nước mũi loãng ra.
Uống trà
Bạn có thể uống các loại trà tiêu đờm có bán trong hiệu thuốc Bắc để tăng thêm hiệu quả.
Dùng thuốc uống hoặc thuốc xịt
Các loại thuốc bán tự do dưới các tên
+ Nasal decongestant (thuốc trị nghẹt mũi),
+ Antihistamine (thuốc trị dị ứng – thường có công dụng làm mũi ngưng chảy nước ra).
Lưu ý:
Nếu bạn bị nghẹt mũi, không nên dùng antihistamine vì thuốc này càng làm mũi khô hơn. Ngoài ra, thuốc antihistamine có thể gây triệu chứng buồn ngủ, bần thần. Không nên uống lúc lái xe hoặc điều khiển máy móc nguy hiểm.
Thuốc decongestant loại xịt hay nhỏ vào mũi chỉ có thể dùng tối đa 3 ngày, dùng lâu hơn có thể gây biến chứng và thường làm mũi bị bịt kín lại. Loại thuốc viên decongestant có thể dùng tối đa 7 ngày. Nên xem kỹ chỉ dẫn trên nhãn thuốc.
Với chất kẽm (zinc), có thể dùng bao nhiêu lâu cũng được với liều 50 mg/ngày. Chỉ cần một viên 50 mg/ngày là có thể làm thông mũi. Việc uống đều đặn có thể làm hết chứng nghẹt mũi kinh niên. Có 3 loại là Zinc-Oxide, Zinc-Sulfate, và Zinc-Gluconate. Chỉ nên mua loại Zinc-Gluconate hoặc các loại có đề chữ “Chetated”. Các loại khác thường làm cơ thể bị thiếu chất sắt và các kim loại cần thiết khác.
Lời kết
Nếu đã thử tất cả những cách trên nhiều lần mà vẫn không chữa được chứng nghẹt mũi kinh niên, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa về tai, mũi, họng. Bác sĩ này có thể chụp X-quang mũi bạn để tìm ra nguyên nhân gây bệnh (vi khuẩn, dị ứng, dị dạng, các khối u…).
Benh.vn