Nghiên cứu hiệu quả phối hợp thận nhân tạo và hấp phụ máu HA 130 để điều trị các biến chứng suy thận mạn.
Mục lục
Tóm tắt
Mục tiêu
Đánh giá tác dụng giảm một số chất ở trong máu bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thân nhân tạo chu kỳ như photphate, axit uric, PTH, β2M và theo dõi các biến chứng xảy ra khi phối hợp hai phương pháp HD và HP .
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
25 bệnh nhân lọc máu chu kỳ (13 nam và 12 nữ) từ 21 đến 72 tuổi lọc máu tuần 3 lần (2 lần HD và 1 lần HD + HP dùng quả HA 130) kéo dài 3 tuần liên tục.
Phương pháp
Mô tả cắt ngang, tiến cứu.
Kết quả nghiên cứu
Trước và sau điều trị, nồng độ trung bình của các chất thay đổi như sau: phospho 1.78 ± 0.54 giảm xuống 0.82 ± 0.22 (p < 0.001), axit uric 476 ± 104.37 giảm xuống 154.71 ± 52.10 (p < 0.001), PTH 49.01 ± 53.10 giảm xuống 32.44 ± 70.04 (µmol/l) (p < 0.001), β2M 44.76 ± 14.50 giảm 41.91 ± 16.26 mg/l (p < 0.05).
Về đông máu tiểu cầu giảm 13.38%, PT tiamr 15.04%, APTT tăng 69.71%. Không xuất hiện các biểu hiện dị ứng nhanh và chậm, huyết áp trước điều trị 149.6/87.5 mmHg sau 150.2/88.5 mmHg, tần số tim 75.8 và 77.3 lần/ph.
Kết luận
Kết hợp HD + HP đào thải rất có ý nghĩa thống kê PTH, axit uric, photpho, tác dụng hấp phụ β2M có xu hướng giảm chậm hơn và sử dụng quả lọc HA 130 an toàn.
I. Đặt vấn đề
Hấp phụ máu (Haemoperfusion HP) có khả năng hấp phụ có chọn lọc các độc tố của hội chứng urê máu cao, các chất có trọng lượng phân tử trung bình và trọng lượng phân tử cao sinh ra trong quá trình điều trị thận nhân tạo (Hemodialysis HD) kéo dài ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.
Điều trị phối hợp giữa thận nhân tạo (HD) và hấp phụ máu (HP) có thể loại bỏ nhiều loại độc tố urê máu ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, làm giảm các biến chứng nắn hạn hoặc dài hạn, kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân lọc máu.
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, nếu chỉ thực hiện kỹ thuật thận nhân tạo đơn thuần thì các biến chứng trung và dài hạn sẽ xuất hiện do không đào thải hoặc đào thải kém các độc tố urê máu có trọng lượng phân tử trung bình và phân tử cao. Tháng 1 năm 2007, Bệnh viện Xinhua ở Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng một thiết bị hấp phụ máu, sử dụng nhựa trung tính, lỗ to có tên gọi là HA 130.
Khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai
Cột nhựa hấp phụ HA 130 do Jafron Zhuhai Lizhu Group, Biological Material Co.Ltd, Quảng Đông, Trung Quốc sản xuất. Có 51 bệnh nhân tự nguyện đã sử dụng điều trị thận nhân tạo phối hợp với hấp phụ đem lại kết quả tốt, giải quyết những biến chứng dài hạn trên bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ.
Đến nay, rất nhiều bệnh viện ở Trung quốc đã sử dụng kỹ thuật lọc máu kết hợp với quả lọc hấp phụ để điều trị những biến chứng của bệnh nhân suy thận mạn lọc máu chu kỳ. tại Việt Nam lần đầu tiên khoa Thận nhân tạo áp dụng điều trị phối hợp thận nhân tạo (HD) và hấp phụ máu (HP) với mục tiêu nghiên cứu là:
1. Đánh giá tác dụng giảm một số chất ở trong máu bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo chu kỳ như phosphate, axit ric, parathyroid hormon (PTH), Beta 2 microglobuline (β2M).
2. Theo dõi các biến chứng xảy ra khi phối hợp hai phương pháp HD và HP.
II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Từ tháng 4 năm 2012, đã có 25 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tự nguyện tham gia nghiên cứu phối hợp HD + HP trong đố có 13 nam và 12 nữ, tuổi từ 21 đến 72.
Các tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân bao gồm: bệnh nhân đã ổn định về mặt lâm sàng thời gian thận nhân tạo trên 6 tháng, thể tích nước tiểu tồn dư < 500ml/24h, đường vào mạch máu: AVF, không có các chống chỉ định hấp phụ máu, không có các bệnh lý ác tính.
2.2. Phương pháp nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang, tiến cứu.
Các bệnh nhân được lọc máu 3 lần 1 tuần: trong đó 2 lần HD và một lần còn lại được điều trị bằng phối hợp HD + HP. Phác đồ này kéo dài trong 3 tuần liên tục
2.2.1 Thu thập dữ liệu lâm sàng
– Thu thập các dữ liệu: tuổi, giới, chẩn đoán và thời gian lọc máu
– Theo dõi: huyết áp, nhịp tim, các biểu hiện dị ứng trước, trong và sau mỗi lần HD + HP.
2.3. Phân tích số liệu: các phân tích đều được thực hiện nhờ sử dụng phần mềm SPSS.
III. Kết quả nghiên cứu
3.1 Đặc điểm đối tượng nghiên cứu:
– Giới tính: 13 nam (52%) và 12 nữ (48%)
– Tuổi: tuổi của bệnh nhân từ 21 đến 72 trong đó nhiều nhất là từ 51 – 60 tuổi (8 bệnh nhân). Tuổi trung bình: 50,2 tuổi.
– Năm lọc máu: thời gian lọc máu củ bệnh nhân tham gia nghiên cứu từ 1-3 năm chiếm 52%. Năm lọc máu trung bình 4,2 năm.
– Nguyên nhân gây suy thận mạn giai đoạn cuối: Viêm cầu thận mạn: 15, THA, 5, VTBT mạn tính: 2, Lupus ban đỏ hệ thống 2, ĐTĐ: 1 trường hợp.
– tình trạng bệnh nhân trước và sau lọc máu: 92% bệnh nhaann sau lọc máu tình trạng bình thường, thoải mái, 2 bệnh nhân cảm giác mệt sau lọc, 4 bệnh nhân có giảm ngứa nhưng không hết. Không có dị ứng và xuất huyết.
– Tình trạng quả lọc sau lọc: 90,68% là quả lọc trắng; 6,66% có một vài sợi đông 2,66% có nhiều sợi đông. Không có đông quả lọc và quả hấp phụ.
– Huyết áp: trước điều trị là 149.6/87.5 mmHg, sau điều trị là 150.2/88.5 mmHg. Tần số tim trung bình trước điều trị là 75.8 lần/ph, sau điều trị 77.3 lần/ph.
– Không thấy xuất hiện các biểu hiện dị ứng chậm, dị ứng nhanh hay các dấu hiệu xuất huyết ở 25 bệnh nhân điều trị HD + HP.
Bảng 1. Thay đổi về huyết học trước và sau điều trị HD + HP
n = 25 x 3 | Trước điều trị
X (1+2+3) |
Sau điều trị
X (1+2+3) |
P | Tỷ lệ % |
Hồng cầu (T/1) | 3.73 ± 0.50 | 4.51 ± 5.51 | < 0,05 | 17.29 ↑ |
Hemoglobin (g/l) (Hb) | 107.84 ± 13.90 | 110.42 ± 15.97 | < 0,01 | 2.33 ↑ |
Hematocrit (Hct) | 0.338 ± 0.08 | 0.344 ± 0.05 | < 0,01 | 2.94 ↑ |
Bạch cầu (G/l) | 6.797 ± 2.262 | 7.212 ± 2.900 | < 0,01 | 5.68 ↑ |
Tiểu cầu (G/l) | 191.98 ± 33.66 | 166.28 ± 45.26 | < 0,01 | ↓13.38 |
Nhận xét: Hồng cầu, Hemoglobin, Hematocrit, Bạch cầu tăng, Sau lọc có ý nghĩa thống kê do máu cô đặc. Tiểu cầu giảm. Có ý nghĩa thống kê do hấp phụ (P < 0,01)
3.3 Các thay đổi về đông máu
Bảng 2. Thay đổi về đông máu trước và sau điều trị HD + HP
Trước điều trị | Sau điều trị | p | Tỷ lệ % | |
Prothrombin % | 88.78 ± 11.92 | 75.43 ± 17.42 | < 0,01 | ¯15.04 |
APTT (giây) | 29.96 ± 11.15 | 98.93 ± 35.31 | < 0,01 | 69.71 |
APTT bệnh/chứng | 1.091 ± 0.389 | 3.404 ± 1.191 | < 0,01 | 67.95 |
Fibrinogen (g/l) | 3.80 ± 0.97 | 4.08 ± 1.45 | < 0,01 | 6.86 |
Nhận xét: Tỷ lệ Prothrombin giảm từ 88.78% xuống 75.43%, rất có ý nghĩa thống kê, p < 0.01. APTT và APTT bệnh/chứng tăng tới 69.71% và 67.95% với p rất có ý nghĩa. Fibrinogen tăng 6.86%, p < 0.001.
3.4 Các thay đổi về sinh hoá
Bảng 3: Thay đổi về sinh hoá
Thông số xét nghiệm | Trước điều trị | Sau điều trị
x |
p | Tỷ lệ % |
Ure (mmol/l) | 22.48 ± 6.04 | 8.99 ± 3.38 | 0.001 | ¯60.0 |
Creatinin (µmol/l) | 872.02 ± 198.45 | 388.32 ± 135.68 | 0.001 | ¯55.47 |
Acid Uric (µmol/l) | 476.14 ± 104.37 | 154.71 ± 52.10 | 0.001 | ¯67.51 |
Protein toàn phần (g/l) | 74.90 ± 5.43 | 76.33±6.86 | ↑<0.01 | 1.90↑ |
Albumin (g/l) | 39.74 ± 3.21 | 39.69 ± 3.27 | >0.05 | ¯0.12 |
Natri (mmol/l) | 138.60 ± 4.52 | 139.71 ± 17.83 | 0.57 | 0.79 |
Kali (mmol/l) | 4.41 ± 0.65 | 3.64 ± 3.59 | 0.734 | ¯17.46 |
Clo (mmol/l) | 98.22 ± 3.86 | 99.06 ± 2.54 | 0.01 | 0.84 |
Canxi (mmol/l) | 2.25 ± 0.21 | 2.55 ± 0.21 | 0.030 | 11.76 |
Canxi ion (mmol/l) | 1.01 ± 0.13 | 1.09 ± 0.15 | 0.593 | 7.33 |
Photpho (mmol/l) | 1.78 ± 0.54 | 0.82 ± 0.22 | 0.001 | ¯54.28 |
Nhận xét:. Acid uric: trước lọc là 476.14 ± 104.37 µmol/l sau điều trị là 154.71 µmol/l ± 52.10(p<0.001). Photpho: Trước 1.78 ± 0.54, Sau điều trị là 0.82 mmol/l ± 0.23 (p < 0.001). Protein máu sau điều trị tăng lên 1.90%, (p<0.01 ) nhưng albumin máu lại giảm xuống 0.12%.
3.5 Các chất có trọng lượng phân tử trung bình (bảng 6)
Bảng 4: Các chất có trọng lượng phân tử trung bình
lần 1 | lần 2 | lần 3 | So sánh
trước lọc 1 và sau lọc 3 |
|
X1 | X2 | X3 | P (X1 – X3) | |
Beta2 trước lọc | 44.76 ± 14.50 | 42.28 ± 13.51 | 42.63 ± 16.26 | |
Beta2 sau lọc | 46.89 ± 16.35 | 47.76 ± 13.86 | 41.91 ± 16.26 | < 0.05 |
PTH trước lọc | 47.70 ± 46.84 | 45.27 ± 52.08 | 43.23 ± 61.33 | |
PTH sau lọc | 26.68 ±33.86 | 25.00 ± 54.94 | 20.68 ± 53.20 | < 0.001 |
Nhận xét: PTH thay đổi trước lọc và sau lọc rất có ý nghĩa thống kê (P < ,001). β2M trước lọc và sau lọc, lần 1 và lần 2 tăng, lần 3 bắt đầu giảm. Nếu so sánh trước lọc lần 1 và lần 3 sự giảm có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).
IV. BÀN LUẬN
Với 25 bệnh nhân được điều trị phối hợp HD+HP, tuần 1 lần, kéo dài 3 tuần liên tục, kết quả thu được cho thấy:
4.1 Về độ an toàn của quả hấp phụ HA130
Không thấy có những thay đổi về mạch, huyết áp, cũng như các phản ứng dị ứng chậm và dị ứng nhanh.
Khi sử dụng phương pháp hấp phụ với quả hấp phụ HA130 có nguy cơ chảy máu tăng lên thể hiện bằng tỷ lệ prothrombine giảm thấp, APTT và APTT bệnh/chứng tăng cao, số lượng tiểu cầu giảm thấp (Bảng 1+2)
Theo Shun-Jie Chen và cộng sự, 2011 [3], trên 51 bệnh nhân điều trị phối hợp HD + HP trong 2 năm, mỗi tuần 1 lần, sử dụng quả HA130 thấy lúc mới bắt đầu điều trị bằng phối hợp HD + HP có 3 bệnh nhân huyết áp giảm thấp, 2 bệnh nhân bị ngứa và phát ban toàn thân phải sử dụng dexamethasone 5mg tĩnh mạch, có 2 bệnh nhân xuất hiện các chấm xuất huyết ở mặt trong cẳng tay; không thấy giảm bạch cầu hoặc tiểu cầu xuống mức có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu này.
4.2 Về tác dụng điều trị
4.2.1 Khi phối hợp HD và HP với quả hấp phụ HA130 thấy parathyroidhormon PTH) giảm rất có ý nghĩa thống kê, 33,81%; acid uric giảm 67,51%; photpho cũng giảm rất có ý nghĩa thống kê, tới 54,28% (Bảng 3+4).
Đây là điều mà phương pháp thận nhân tạo đơn thuần không đạt được. Theo Shun-Jie Chen và cộng sự năm 2011 [14] nghiên cứu trên hai nhóm bệnh nhân:
– Nhóm 1 có 51 bệnh nhân được sử dụng kết hợp HD và HP, hấp phụ máu sử dụng quả HA130 của Zhuhai Li Zhu Group., Guangdong, China. Tuần 1 lần HD + HP, 2 lần còn lại trong tuần chỉ HD đơn thuần bằng quả lọc Rexeed 15L.
– Nhóm 2 có 49 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, tuần HD 3 lần, mỗi lần 4 giờ bằng quả lọc Rexeed 15L.
Sau 2 năm theo dõi:
– Kết quả thu nhận được ở nhóm dùng HD + HP iPTH giảm tới 12,77%, β2M giảm 13,88%; trong khi đó ở nhóm 2 là nhóm chỉ HD đơn thuần thì iPTH tăng 12,67% và β2M tăng 8,32%.
– Ngoài làm giảm iPTH và β2M, ở nhóm 1 (HD + HP) còn thấy leptin giảm 31,34%, CRP giảm 20,58%, IL-6 giảm 13,47% và TNF-α giảm 12,56%; trong khi các chất có trọng lượng phân tử trung bình và trọng lượng phân tử cao ở nhóm 2 đều tăng lên, với p < 0,01.
– Trong nghiên cứu của chúng tôi, PTH giảm rõ rệt sau mỗi lần lọc (P < 0,001). Còn β2M sau mỗi lần lọc, lần 1 và lần 2 tăng lên. Nhưng đến lần 3 bắt đầu giảm. Nếu so sánh β2M trước lọc lần 1 và sau lọc lần 3 có xu hướng giảm rõ rệt (P< 0,05) [Bảng 4].
4.2.2. Ure, Creatinin, Kali máu giảm theo qui luật của thận nhân tạo.. Ure giảm 60%, creatinine giảm 55,47% và kali giảm 17,46% . Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,001) (Bảng 3).
4.2.3. Albumine không có sự thay đổi trước và sau lọc (P > 0,05) (Bảng 3). Trong đó Protein máu lại tăng lên, có lẽ do sau lọc máu bị cô lại. Điều đó rõ ràng quả hấp phụ không ảnh hưởng Protein và Albumin nhiều.
4.2.4. Beta 2 microglobuline trước lọc và sau lọc, lần 1 và lần 2 tăng nhẹ, từ lần 3 bắt đầu giảm. Nếu so sánh trước lọc lần 1 và sau lọc lần 3 sự giảm có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) (Bảng 4).
Điều đó phù hợp với các tác giả S.J. Chen và cộng sự năm 2011 [3]. Sau 2 năm nghiên cứu thì Beta 2 microglobulin ở nhóm sử dụng phương pháp HD + HP đã giảm 13,88%, còn ở nhóm chỉ sử dụng phương pháp HD đơn thuần thì β2M lại tăng lên 8,32%, cụ thể ở nhóm HD + HP sau 2 năm β2M là 58,3 ± 7,0 mg/l, còn nhóm HP đơn thuần β2M là 70,3 ± 10,1 mg/l, với p < 0,01.
Ngoài việc giảm thấp các chất có trọng lượng phân tử trung bình và cao nói trên, nghiên cứu của tác giả S.J Chen [3] còn cho thấy về lâm sàng chỉ số huyết áp, nhịp tim, mức Hb, chỉ số khối lượng thất trái (LVMI), phân số tống máu (EF), chỉ số khối lượng thân thể (BMI)… cũng tốt hơn ở nhóm kết hợp HD và HP so với nhóm chỉ HD đơn thuần.
Theo Bộ Y tế, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2010 [11] thì hấp phụ máu có 6 chỉ định điều trị:
– Ngộ độc thuốc hay chất độc cấp tính.
– Hội chứng ure máu cao đặc biệt với nổi mày đay và tăng huyết áp.
– Viêm gan nặng, đặc biệt bệnh lý gan – não và tăng bilirubine máu do suy gan nặng.
– Hội chứng nhiễm trùng hay viêm hệ thống.
– Các bệnh tự miễn.
– Các bệnh lý khác như: tâm thần phân liệt, cơn cường giáp…
Chống chỉ định sử dụng kỹ thuật hấp phụ máu khi bệnh nhân nhạy cảm với điều trị HP hay các vật liệu liên quan.
V. KẾT LUẬN
Với 25 bệnh nhân gồm 13 nam và 12 nữ, tuổi từ 21 đến 72, thời gian lọc máu trung bình là 50,56 tháng. Mỗi tuần được điều trị HD + HP 1 lần, 2 lần còn lại sử dụng thận nhân tạo, kéo dài trong 3 tuần liên tục, chúng tôi có những kết luận sau:
1. Sử dụng quả hấp phụ HA130 an toàn, bệnh nhân dung nạp tốt.
2. Quả hấp phụ HA 130 đào thải rất có ý nghĩa thống kê đối với:
Parathyroid hormon (PTH) (47,70 pmol/l – 20,68 pmol/l) (P < 0,001),
Acid uric (476,14 mmol/l – 154,71 mmol/l) (P < 0,001)
Phospho (1,785 mmol/l – 0,816 mmol/l) (P < 0,001)
Ure (22,48 mmol/l – 8,99 mmol/l) (P < 0,001)
Creatinin (872,02 μmol/l – 388,32 μmol/l(P < 0,001).
3. Tác dụng hấp phụ với Beta 2 Microglobulin có xu hướng giảm chậm.
Sau lần lọc thứ 3 mới đạt được kết quả giảm, có ý nghĩa thống kê (P(T1 44,76 mg/l – S3 41,91 mg/l) < 0,05).
Benh.vn