Khi gặp tai biến, nghịch cảnh ảnh hưởng sâu xa đến đời sống, phản ứng đầu tiên của con người là “shock”, sau đó là buồn rầu, phẫn chí… Những phản ứng này là những phản ứng tự nhiên, chuyện phải có. Thí dụ: buôn bán thua lỗ đưa đến việc phá sản, mất việc làm vì công ty thải người, đau ốm hoặc tai nạn gây tàn tật, tình duyên hôn nhân tan vỡ, mất người yêu quý … là những tai biến lớn trong cuộc sống con người.
Những tai biến ảnh hưởng đến tinh thần lẫn vật chất và nếp sống của một cá nhân hay cả một gia đình. Dĩ nhiên là người gặp tai ương sẽ buồn rầu, đau khổ vì những mất mát quá lớn này. Tuy nhiên, không phải mọi người gặp tai biến lớn đều bị chứng trầm cảm. Những người có lối thoát (được giúp đỡ về mặt tinh thần đôi khi cả vật chất…) sẽ ra khỏi sự buồn rầu, phẫn chí sau một thời gian.
Những người tìm ra lối thoát bằng sự chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh sống mới cũng bớt buồn rầu và đau khổ sau một thời gian.. Những người không có lối thoát, hoặc không tìm ra lối thoát sẽ tiếp tục buồn rầu đau khổ. Sự phẫn chí lâu dài có thể đưa đến chán nản, tuyệt vọng và chứng trầm cảm. Không nỗi đau khổ nào giống nhau, và ta cũng không thể so sánh được nỗi đau khổ nào “lớn” hơn… vì “phản ứng” của con người trước nghịch cảnh không giống nhau.
Có những dấu hiệu rất “âm thầm” về chứng trầm cảm, người tinh tế bén nhạy có thể nhận biết, như sự thay đổi về cách làm việc, phong thái, cách ứng xử… Người bệnh tìm lối thoát, tìm “quên” bằng nhiều cách. Chẳng hạn như lao đầu vào công việc bất kể ngày đêm sau một nghịch cảnh / tai biến rất lớn xảy ra trong cuộc sống; không cho phép mình buồn rầu đau khổ hay tiếc nuối sự mất mát đã qua (mourning process), một thời gian cần thiết để hồi phục (chữa lành vết thương).
Sự “bận rộn” được xã hội cổ võ “ham công tiếc việc” là một điều tốt nên người này tiếp tục, và vết thương Tâm Thần không có cơ hội lành lặn. Một “lối thoát”, cách “tìm quên” khác là quên chăm sóc bản thân mình: Bỏ thói quen ăn uống điều độ, bỏ thuốc men đang sử dụng trước khi gặp tai biến, thí dụ, người bị chứng động kinh ngừng uống thuốc ngăn kinh phong nên lên cơn làm kinh (dù đã biết trước) và gây ra tai nạn xe cộ; một loại hành động “tự hủy” một cách thụ động (passive self- destruction) bởi vì với người này, cuộc sống không còn đáng sống. Đại loại, những ứng xử có tính cách tự hủy.
Với nhóm bệnh nhân này, chỉ có thân nhân, những người thương yêu họ thật sự và được bệnh nhân tín cẩn, có thể góp những ý kiến chính xác, khách quan và thực tế như một mảnh gương để bệnh nhân “nhìn” thấy mình. Với lòng kiên nhẫn và tình thương của thân nhân, bệnh nhân có thể sẽ hồi phục. Nhóm bệnh nhân này có khả năng làm việc rất cao (high level of function) và có thể “che dấu” chứng trầm cảm của mình rất lâu (qua nhiều năm).
Khi nhận ra dấu hiệu của chứng trầm cảm, điều quan trọng nhất là việc giúp người bệnh tìm ra chứng bệnh, được chẩn bệnh và chữa trị đúng mức, không phải người nào buồn rầu, phẫn chí cũng bị chứng trầm cảm.
Nên khuyến khích người bệnh tiếp tục việc chữa trị dù kết quả rất chậm. Khi không thấy kết quả (sau 7-8 tuần), nên khuyến khích người bệnh tìm kiếm cách chữa trị khác. Đôi khi, cần đưa người bệnh đi gặp bác sĩ và ngay cả việc giúp bệnh nhân theo dõi bệnh trạng của họ.
Thứ nhì, sự cảm thông, kiên nhẫn, hỗ trợ và tình thương của thân nhân giúp bệnh nhân lành bệnh nhanh hơn. Khuyến khích bệnh nhân nói về nỗi đau khổ của họ, lắng nghe cẩn thận; chớ chê cười diễu cợt sự đau khổ hay những ý nghĩ bi quan yếm thế, nên đưa ra những điều thực tế và gây niềm hy vọng.
Không bao giờ bỏ qua những câu nói về ý tưởng muốn tự tử. Tìm hiểu thêm và báo cho bác sĩ điều trị biết. Rủ người bệnh tham dự những hoạt động bên ngoài như đi cine, bát phố, xem triển lãm… Đừng bao giờ cho rằng người bệnh “giả bệnh”, “lười biếng”, hoặc “thích được chú ý” và muốn họ “khỏi bệnh” sau một vài lần tập thể thao hay vài chầu cine. Thời gian, sự kiên nhẫn và lòng yêu thương sẽ giúp bệnh nhân lành bệnh.
Benh.vn (theo Bs. TLL)