Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta được nghe những thông tin về vụ việc tẩy trắng mực bằng oxy già. Thế những, với sự phát triển ngày càng nghiêm trọng, loại thực phẩm sử dụng chất cấm này vẫn “ngang nhiên” tồn tại và ngày càng mạnh mẽ đi vào đời sống, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở chế biến thuỷ hải sản, kinh doanh thực phẩm dùng oxy già để tẩy trắng mực đã quá hạn sử dụng, không chỉ đánh lừa mà hành vi này còn phải gọi là đầu độc người tiêu dùng…
Từ mực đen tắm trắng…
Giữa năm 2014, Đội Cảnh sát môi trường – Công an quận Ba Đình (Hà Nội) bất ngờ kiểm tra khu vực buôn bán buôn thủy sản tại chợ Long Biên (Hà Nội) và phát hiện tại kho G2, Vũ Mạnh Cầm (quê Hưng Yên) đang đổ số lượng lớn mực ôi thối, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn chứa hóa chất công nghiệp. Làm việc với cảnh sát, Cầm khai làm thuê cho bà Ngô Thị Nụ (trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng).
Toàn cảnh quy trình tẩy trắng mực bằng oxy già công nghiệp.
Tiếp tục kiểm tra kho, lực lượng chức năng phát hiện thêm khoảng 750kg mực ống bốc mùi, trong đó 150 kg đang được ngâm tẩm hóa chất. Cũng theo Vũ Mạnh Cầm, để làm trắng mực chỉ cần hòa 300 ml oxy già công nghiệp vào thùng phuy nước, rồi đổ mực ôi thối vào ngâm chừng 30 phút, dùng gậy sắt ngoáy đều tới khi mực trắng, hết mùi thối thì vớt lên, đem ra chợ bán.
Sau khi bị mời lên làm việc, bà Nụ thừa nhận đã sử dụng “công nghệ” tẩy trắng mực bằng hóa chất rồi đem bán kiếm lời. Để không bị phát hiện, bà chủ ki-ốt chỉ đạo nhân viên hạ cửa cuốn nhà kho khi thực hiện công đoạn ngâm, tẩy mực.
Theo một cán bộ công an quận Ba Đình, mực ống đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài theo đường biển về Hải Phòng, Quảng Ninh. Mực rã đông thường nhũn, nhớt, bốc mùi thối… nhưng sau khi được “phù phép” sẽ giòn, trắng và khá sạch mùi. Mực kém chất lượng đổ buôn với giá 12.000 đồng/kg tại chợ Long Biên nhưng sau khi tẩy trắng, chủ hàng bán ra thị trường với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg.
Mực bốc mùi hôi thối la liệt khắp sàn xi-măng chờ được sơ chế.
Những ngày vừa qua, theo thông tin tìm hiểu từ khu chợ Long Biên, chúng ta lại một lần nữa thấy được sự nguy cấp của việc tẩy trắng mực bằng oxy già. “Ở cái chợ này, chả có ai buôn mực mà không dùng oxy già, vấn đề là dùng nhiều hay dùng ít, dùng oxy già sạch hay oxy già công nghiệp mà thôi”, bà D – chủ một cửa hàng bán mực tại chợ Long Biên (Hà Nội) – cho biết.
Nhiều năm kinh doanh mực ống đông lạnh nên cửa hàng của bà D lúc nào cũng đông khách. Bà D cho biết, có ngày bà bán ra thị trường được gần 2 tấn mực đã tẩy trắng. Ngoài ngâm tẩy trắng tại chợ, bà D còn vận chuyển mực đông lạnh về nhà để tẩy, rồi đóng vào thùng xốp vận chuyển lên chợ Long Biên tiêu thụ. “Lô hàng nào mực ngon thì dùng ít oxy già, ôi, hư hỏng nhiều quá thì dùng nhiều oxy già để tẩy, nói chung là thích thế nào đổ vào thế ấy chứ cũng không ai đong đếm gì” – bà D tiết lộ.
Theo bà D, oxy già công nghiệp có giá rẻ nên được rất nhiều tiểu thương mua về dùng để tẩy trắng mực. Sau khi tẩy, mực thường có mùi hăng hắc, rất khó chịu. Vì vậy, trước khi chế biến mực, nên dùng nước dấm pha với nước lạnh, nước chanh, hoặc ngâm thêm với rượu vài giờ đồng hồ cho hết mùi oxy già. “Đổ càng nhiều dấm, nhiều rượu thì mực càng sạch, nếu không rửa sạch hết oxy già lúc ăn sẽ có vị nhận đắng, hăng, lờm lợm, mà dễ bị ngộ độc. Khách họ yêu cầu thì mới kỳ công mà rửa như thế còn không thì kệ họ, rửa qua nước lạnh với chút muối là được” – bà D thẳng thắn.
…đến sức khỏe người tiêu dùng
Những con mực sau khi tắm trắng được bày bán rộng rãi tại các khu chợ, đặc biệt là chợ Long Biên.
Được biết, oxy già có tính oxy hóa mạnh, có khả năng tẩy trắng và sát khuẩn, việc dùng oxy già để tẩy trắng phải tuân theo các tiêu chuẩn rất khắt khe. Oxy già dùng trong y tế phải đạt các tiêu chuẩn dược dụng, tức là phải tinh khiết. Còn oxy già dùng tẩy trắng thực phẩm thường không tinh khiết, vì điều chế từ hoá chất công nghiệp cho rẻ, chẳng hạn dùng các muối persulfat cho vào nước. Các loại này chứa nhiều tạp chất, độc chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng.
Nếu sử dụng loại ôxy già công nghiệp để tẩy trắng mực sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng vì trong oxy già công nghiệp có các tạp chất, tuỳ theo các tạp chất trong oxy già là chất gì mà gây nên các bệnh khác nhau như các bệnh về đường ruột, thần kinh, niêm mạc… Muốn biết chỉ có cách mang đi xét nghiệm, bằng mắt thường khó phát hiện được.
Theo quy định của bộ Y tế, oxy già không được phép cho vào thực phẩm. Có thể dùng chất tẩy trắng trong thực phẩm nhưng phải tuân theo các tiêu chuẩn hết sức khắt khe.
Về cách nhận diện cá mực bị tẩy trắng bằng oxy già, PGS. TS. Lê Đức Mạnh – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) cho rằng, mực đã được tẩy trắng bằng oxy già thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, nhìn rất bắt mắt. Đối với mực ống, người tiêu dùng nên chọn con to, có thịt hơi hồng, đầu dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ, đó là mực ống tươi. Mực nang, nên chọn con to, thịt chắc, không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều toàn thân. Mực ôi là mực có mầu xanh nhạt, thịt nhão, đầu không dính với thân.
“Người tiêu dùng cần hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng thực phẩm đã qua xử lý bằng hóa chất. Việc rửa bằng dấm, nước muối cũng chỉ loại được một phần chứ không thể loại triệt để vì hóa chất trong oxy già công nghiệp đã ngấm sâu vào cá mực. Dùng lâu dài cá mực bị tẩy trắng bằng oxy già công nghiệp sẽ rất nguy hiểm đến sức khoẻ và sinh ra nhiều bệnh tật”, PGS TS Lê Đức Mạnh nói.