Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh hay gặp, nhất là ở người cao tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam. Đây là nguyên nhân hàng đầu trong nhóm bệnh lý khớp viêm gây tàn phế, mất khả năng vận động và tăng nguy cơ tử vong ở người cao tuổi. Do vậy, ngoài việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt và lao động hợp lý để cải thiện tình trạng bệnh tật, thích nghi tốt hơn với cuộc sống hàng ngày.
Mục lục
Các động tác cần tránh và động tác cần làm khi bị VKDT
Ưu tiên hàng đầu là sự tiện lợi.
Cần tránh các động tác có hại đối với khớp và thay thế bằng các động tác giữ gìn khớp.
Tránh một số động tác cầm đồ vật (ngay cả khi có thể thực hiện dễ dàng) vì về lâu dài có thể gây biến dạng bàn tay.
Hạn chế hay tránh làm những động tác có thể có hại cho khớp.
Cố gắng giữ được trục khớp bàn tay (đi qua ngón tay thứ ba) khi kéo dài trục của cẳng tay.
Không nên cử động cổ tay mà làm bàn tay bị lệch sang một bên.
Đặc biệt chú ý khi viết.
Cần chọn những đồ vật to để dễ dàng cầm nắm khi các khớp ngón tay bị cứng.
Tuy nhiên, không nên dừng việc khâu vá hay đan lát nếu đó là công việc yêu thích của bạn. Ngón cái và ngón trỏ là hai ngón tay làm việc nhiều nhất. Do vậy, hãy làm việc với cả các ngón tay khác bằng cách thay kéo chuyên dụng.
Không nên cố vặn mở nắp nút chai hay lọ mà hãy dùng dụng cụ mở nút chai.
Tránh ấn nút bằng ngón tay mà hãy dùng lòng bàn tay.
Không mang đồ vật bằng cách nắm các ngón tay lại. Ví dụ không nên mang chảo bằng cách cầm cán chảo mà nên nhấc cả chảo lên.
Người viêm khớp dạng thấp nên sinh hoạt thế nào?
Người bệnh nên có chế độ sinh hoạt hợp lý hằng ngày
Bệnh nhân nên cố gắng duy trì ở hoạt động hàng ngày bằng cách thay đổi môi trường xung quanh thích hợp hơn để giảm bớt sự gắng sức của bản thân. Tốt nhất là sử dụng trợ giúp kỹ thuật. Đó là các dụng cụ giúp bệnh nhân trong các sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh, mặc quần áo, hoạt động dọn dẹp nhà cửa và nghề nghiệp.
Việc chọn lựa kỹ càng các máy móc điện gia dụng hay vòi nước sẽ giúp công việc dọn dẹp nhà cửa trở nên dễ dàng hơn.
Bệnh nhân cũng cần mua thêm các dụng cụ nhà bếp đơn giản giúp tránh được các động tác thừa như mở nút chai điện tử hay kéo lò xo.
Trong VKDT, bàn chân thường hay bị tổn thương nên cần phải chọn giày thích hợp cũng như chăm sóc thích hợp để tránh kích thích da chân. Nên chọn giày mềm, nhẹ bằng da chẳng hạn, giày mũi tròn, tránh các đường khâu bên trên. Gót giày cao khoảng 3cm, có trường hợp cần đặt riêng giày cho các ngón chân bị biến dạng. Có cả các loại giày chỉnh hình biến dạng do nhiệt thích hợp với tất cả các biến dạng khớp. Nên mang lót giày chỉnh hình ngay từ khi bắt đầu bị bệnh. Chuyên gia phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân sử dụng các dụng cụ và thao tác hợp lý.
Tập thể dục, thể thao và lao động phù hợp giúp duy trì vận động và sự mềm dẻo của khớp
Nếu đau xuất hiện mỗi khi vận động thì không nên nản chí. Người bệnh chỉ cần mang dụng cụ giúp đỡ và thay đổi một số động tác là có thể tiếp tục hoạt động được. Có thể tập tĩnh, tức là chỉ cần tập luyện cơ lực có đối kháng thay vì vận động, hay tập luyện những bài tập thể dục ngắn tại nhà. Các bài tập thể dục cho bàn tay giúp duy trì sự mềm dẻo khớp cổ tay và ngón tay.
Các bài tập cho chân giúp cho đứng vững và đi lại tốt hơn. Bệnh nhân cần duy trì hoạt động thể lực đầy đủ và tiếp tục các sinh hoạt hàng ngày, nhưng cần tránh các hoạt động không cần thiết. Người bệnh cần thường xuyên đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội theo khả năng của mình. Nếu tập được thể thao thì vẫn nên tiếp tục. Tuyệt đối không được tác động cột sống khi đau cổ vì các tổn thương cột sống có thể nặng lên sau khi làm thủ thuật này và có các biến chứng là tai biến mạch máu não, di chứng thần kinh không phục hồi được.
Ngoài ra, lao động cũng là một phương pháp điều trị VKDT bằng cách sử dụng các động tác. Người bệnh nên biết cách sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, cách thích nghi để làm tốt các công việc sinh hoạt hàng ngày, giữ gìn các khớp bị tổn thương. Tiết kiệm khớp là liệu pháp giúp cho bệnh nhân có thể dễ dàng thực hiện công việc dọn dẹp nhà cửa, hoạt động nghề nghiệp và nghỉ ngơi giải trí với sự trợ giúp kỹ thuật thích hợp.