Nhìn về khía cạnh tâm thần học, thất tình có nhiều triệu chứng của bệnh trầm cảm và ám ảnh. Người thất tình thường ủ rũ, buồn bã, mất hết thích thú trong cuộc sống, người thờ thẫn, nhức đầu hay đau nhức mình mẩy, mất ăn, mất ngủ, người bứt rứt, hay cau có, đầu óc bi quan, thiếu tự tin, có ý nghĩ tuyệt vọng và thậm chí là bỏ việc, nằm co ro trong phòng, cảm thấy không có ai có thể giúp mình thoát khỏi tâm trạng buồn bã này. Người thất tình còn có những suy nghĩ nhớ nhung người yêu đã bỏ mình, họ muốn xua chúng đi nhưng chúng cứ lẩn quẩn trong đầu như một loại ám ảnh. Những ám ảnh này thường xảy ra buổi tối và khiến họ mất ngủ…
Thế nhưng, một nghiên cứu mới nhất của Đại học London đối với hơn 30.000 người Anh đã chỉ ra nguy cơ bị bệnh tim hoặc đột quỵ của một người sẽ tăng lên gấp đôi trong tháng đầu tiên sau khi họ mất đi “một nửa” của mình. Phát hiện này đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy, việc mất người yêu hay thất tình không chỉ gia tăng nguy cơ trầm cảm hoặc lo âu mà còn có thể làm suy yếu các hệ thống phòng thủ của cơ thể trước đủ loại bệnh tật, từ cảm lạnh thông thường cho tới ung thư.
Nghiên cứu gọi đây là hội chứng “trái tim tan vỡ” và bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị chết ngay trong năm vừa mất đi người yêu thương cao gấp 6 lần so với bất kỳ thời điểm nào khác. Hiện tượng này đã giúp lý giải tại sao nhiều quả phụ và đàn ông góa vợ đã chết trong vòng vài tháng sau người bạn đời của mình.
Trong báo cáo, các tác giả đã trích dẫn ví dụ về một số cái chết của những người nổi tiếng tiếp sau sự ra đi của vợ/chồng họ. Chẳng hạn như năm 2005, cựu Thủ tướng Anh James Callaghan qua đời vì bệnh viêm phổi ở tuổi 92, chỉ 11 ngày sau cái chết của vợ – bà Audrey, 67 tuổi. Năm 2003, ca sĩ Johnny Cash cũng không qua khỏi các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, chỉ 4 tháng sau sự ra đi của người bạn đời…
Có nhiều nguyên nhân phức tạp dẫn tới hội chứng “trái tim tan vỡ”, nhưng sự sản sinh cortisol được cho là một trong những căn nguyên lớn nhất. Cortisol là một chất hóa học do tuyến thượng thận giải phóng ra như một phần phản ứng “đương đầu hoặc bỏ chạy” của chúng ta trước nguy hiểm. Sự bùng nổ sản sinh cortisol làm gia tăng lượng đường trong máu khiến các cơ của chúng ta hoạt động nhanh hơn. Điều đó mang đến nhiều năng lượng hơn cho não bộ và đẩy nhanh sự hồi phục của các vết thương.
Xét về mặt tiến hóa, điều này rất tốt, nhưng sẽ kém hữu ích hơn khi chủ nhân đối mặt với những nỗi đau khổ vì tình cảm dài hạn. Khi đó, hormone này có thể tích tụ cao tới mức nguy hiểm trong máu, ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể, dẫn tới tình trạng rụng tóc, huyết áp cao, tiểu đường, hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị nhiễm trùng, mắc các bệnh cảm thông thường, hen suyễn, đau tim, đột quỵ hay ung thư…
An Nguyên – Benh.vn