Tại Hòa Bình nhóm học sinh lấy củi nấu cơm chẳng may đụng phải một tổ ong vò vẽ và đã bị ong đốt. Trong số các học sinh cùng bị ong đốt, Trang là người bị nặng nhất với 115 nốt đốt trên toàn thân.
Mục lục
Sự việc không may xảy ra với nhóm trẻ
Trưa ngày 2/11/2015, sau khi tan học, Lý Quỳng Trang (sinh năm 2002) người dân tộc Dao ở bản Nánh, Tân Mai, Mai Châu, Hòa Bình và các bạn học sinh lớp 7 (trường THCS Tân Mai) cùng lớp rủ nhau đi lấy củi để nấu cơm. Nhóm học sinh chẳng may đụng phải một tổ ong vò vẽ và đã bị ong đốt. Trong số các học sinh cùng bị ong đốt, Trang là người bị nặng nhất với 115 nốt đốt trên toàn thân.
Mọi người lập tức đưa cháu Trang đến bệnh viện cơ sở sơ cứu ban đầu và chuyển thẳng xuống Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vào tối muộn ngày 4/11.
Chia sẻ về sự nguy hiểm của ong vò vẽ
BS Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đối với những người bình thường nếu bị ong vò vẽ đốt trên 10 nốt là đã ở trong tình trạng nguy hiểm và cần phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu ngay lập tức. “Đây là loại ong độc, trong nọc của chúng có chất gây dị ứng làm người bệnh bị sốc phản vệ, ngoài ra khi bị loại ong này đốt có thể gây suy thận cấp, nếu không cấp cứu lọc máu kịp thời thì rất dễ tử vong”, BS Dũng nói.
Bé Lý Quỳnh Trang (sinh năm 2002) bị ong đốt 115 nốt
Tình trạng của bệnh nhân khi nhập viện
Khi nhập viện bệnh nhân Trang đã ở trong tình trạng sốc, huyết áp tụt, suy thận không đái được. “Chúng tôi phải tiến hành cấp cứu ngay lập tức, phải dùng máy siêu lọc mới có thể cứu được bệnh nhân, nếu dùng máy lọc thông thường e rằng bệnh nhân không đáp ứng được”, bs Dũng cho biết. Ngay sau khi dùng máu siêu lọc, bệnh nhân đã đi tiểu được, nhưng nước tiểu đặc sánh và đen kịt, điều này cho thấy các tế bào máu trong cơ thể bệnh nhi đã bị phá vỡ rất nhiều.
Hiện nay bệnh nhân Trang đã tạm qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải theo dõi. Theo Bác sỹ Dũng, với một bệnh nhi bị 115 nốt ong vò vẽ đốt qua khỏi thì đó là một kỳ tích. BS Dũng cũng khuyến cáo thêm, khi bị ong đốt mọi người có thể bôi thuốc kháng histamin dạng mỡ vào vết đốt, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế để có can thiệp kịp thời. Đặc biệt, với những trường hợp dưới 10 nốt đốt thì có thể cấp cứu tại chỗ bằng cách rửa sạch vết đốt, bôi thuốc chống dị ứng, kháng sinh tại chỗ để giảm đau, giảm triệu chứng, theo dõi ở tuyến dưới. Còn trên 10 nốt thì phải chuyển ngay lên tuyến trên để được chăm sóc y tế hiệu quả và giảm thiểu nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Benh.vn