Theo kết quả khảo sát mới được Hội Tim mạch VN công bố, số người trưởng thành ở VN được xác định là tăng huyết áp năm 2015 đã tăng lên mức 47%, cao hơn rất nhiều so với khảo sát năm 2008 là 25,1% và đứng ở mức cao trong khu vực Đông Nam Á.
Mục lục
Với kết quả này, ước tính có tới 20,8 triệu người trưởng thành ở VN (25 tuổi trở lên) được xác định là bị tăng huyết áp, trong khi trong những năm gần đây giới chuyên gia dự đoán con số này chỉ ở mức trên 10 triệu người.
Những yếu tố gây đột quỵ ở tuổi thiếu niên
Cuối tháng 6/2016, khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp 14 tuổi bị đột quỵ, chảy máu não do dị dạng mạch máu não bẩm sinh.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó người bệnh thường kêu đau đầu, chóng mặt nhưng chỉ uống thuốc giảm đau thông thường mà không đi khám. Sau một thời gian được bệnh viện điều trị, bệnh nhân đã ra viện.
GS.TS Phạm Minh Thông, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý mạch máu hiện nhiều hơn so với trước đây, một phần do thay đổi về ăn uống và thói quen vận động, một phần do khả năng và điều kiện phát hiện bệnh. Đột quỵ là căn bệnh trước đây chỉ gặp ở nhóm người cao tuổi, nhưng lại phát hiện cả ở tuổi trẻ do bệnh ở người trẻ phần lớn là từ dị dạng mạch máu bẩm sinh.
Ở góc độ khác, bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đau đầu là dấu hiệu đặc trưng của đột quỵ chảy máu não nhưng thường bị mọi người bỏ qua, không chú ý. “Phần lớn những cơn đau đầu là lành tính và có thể điều trị bằng các loại thuốc giảm đau thông thường, nhưng có khi đau đầu lại là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhất là khi xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội, đột ngột, đau đầu kèm theo sốt, cứng gáy, đau đầu tiến triển tăng dần hoặc đau kéo dài trong một vài ngày… thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, do đó cần đi thăm khám sớm nếu như xuất hiện các triệu chứng trên”.
Trước đây, khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận các trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu não ở độ tuổi 15-16, nguyên nhân là bị dị dạng mạch máu bẩm sinh nhưng bệnh nhân và gia đình không biết.
Một trường hợp bệnh nhân đột quỵ có tiền sử can thiệp tim mạch
Gần đây nhất, đầu tháng 8/2016, khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân 32 tuổi ở Vĩnh Phúc chuyển đến với chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não. Bệnh nhân có tiền sử rung nhĩ, hẹp van 2 lá, đã được nong van 2 lá năm 2012 nhưng không điều trị duy trì thuốc chống đông, trước khi đến bệnh viện bệnh nhân đột ngột nói ngọng, liệt mặt trái, liệt nửa người trái, ý thức xấu đi.
Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp đột quỵ ở người trẻ có yếu tố nguy cơ là rung nhĩ và hẹp van 2 lá, nếu được can thiệp sớm thì bệnh nhân có cơ hội sống, thậm chí hồi phục. Nhưng điều đó cũng cảnh báo lứa tuổi trẻ hoàn toàn có thể bị đột quỵ nhồi máu não giống như người lớn tuổi.
GS Phạm Minh Thông cũng cho hay chứng viêm mạch và sau đó tắc mạch chưa rõ nguyên nhân cũng là nguyên nhân làm xuất hiện các bệnh lý mạch máu ở nhóm người trẻ tuổi. Đây cũng được coi là bệnh lý bẩm sinh và trước đây do chưa đủ thiết bị để chẩn đoán nên chậm phát hiện bệnh lý này.
Khuyến cáo từ các chuyên gia
Từ các trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo những người trẻ tuổi luôn tự tin về sức khỏe cần sớm thay đổi lối sống bằng thay đổi chế độ ăn nhiều rau xanh, giảm đường ngọt, giảm chất béo và muối, đồng thời duy trì thời gian rèn luyện thể lực để phòng các bệnh lý tim mạch và nhiều bệnh lý mãn tính khác.
Cuối cùng, giáo sư Thông kết luận “Bệnh nhân cao huyết áp được điều trị và dự phòng hợp lý, thay đổi về chế độ ăn uống và tập luyện cũng duy trì được sức khỏe và tuổi thọ không kém so với những người khác. Người có rối loạn chuyển hóa, thừa cân hoặc béo phì cần phải duy trì khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm các chỉ số sức khỏe để dự phòng bệnh sớm. Phát hiện bệnh sớm thì kể cả ung thư hiệu quả điều trị cũng cao hơn rất nhiều”.
Benh.vn (Tổng hợp)