Sau tết nguyên đán, miền bắc trời mưa phùn, độ ẩm thường ở mức 90% nên không khí ẩm ướt, gây khó khăn trong sinh hoạt và khiến cho nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển, nguy cơ gây bệnh cao.
Các bệnh thường gặp trong thời tiết nồm, ẩm
Tại Hà Nội, số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em đến khám tại các bệnh viện tăng 30% so với ngày thường, trong đó nổi bật là nhóm trẻ mắc các bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen…
Theo tư vấn của các bác sĩ, những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát. Vì vậy, cha mẹ cần tăng cường chăm sóc sức khỏe cho trẻ, bên cạnh đó cần hạn chế các nguy cơ khiến cho trẻ bị nhiễm bệnh.
Biện pháp phòng tránh bệnh mùa nồm, ẩm cho trẻ
- Đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà.
- Không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng các khăn cotton thấm hút nước tốt.
Vệ sinh nhà cửa, môi trưởng sạch sẽ khi thời tiết nồm ẩm
- Thay chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc ở chăn ga (có thể là dị nguyên gây bệnh cho trẻ).
- Cho trẻ ăn nhiều các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin, hạn chế đồ ăn béo.
- Đêm ngủ, nếu trẻ ra mồ hôi cần lau khô bằng khăn xô, tránh để lưng trẻ ướt trẻ sẽ bị nhiễm lạnh.
- Khi thấy trẻ ho tiếng nặng, sốt, hắt hơi liên tục…cần đưa trẻ đi khám ngay (lưu ý không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ).
- Cho trẻ nghỉ học ở nhà để tránh lây lan bệnh cho các bạn.
Ngoài ra thời tiết nồm ẩm còn sinh ra các bệnh về da như gây ngứa, nổi mề đay. Những người bị xương khớp thấy các khớp sưng đau, người mỏi mệt, ê ẩm…
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết mưa phùn, nồm ẩm sẽ tiếp tục kéo dài nên người dân cần giữ vệ sinh môi trường, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể thể bằng cách bổ sung nhiều vitamin C (có thể là thuốc hoặc từ các loại hoa quả). Đối với trẻ nhỏ cần vệ sinh cổ họng, răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối hàng ngày, người lớn cần tập thể dục thường xuyên…