Các ông bố bà mẹ thường có vô vàn những điều hay lẽ phải muốn truyền dạy và nhắc nhở cho con mình như: không vứt lung tung đồ đạc, không được ăn vặt trước bữa tối, phải nói lời xin lỗi khi làm điều xấu hổ… Thế nhưng, chính cha mẹ đôi khi cũng mắc phải sai lầm ấy.
Mục lục
1. Nói những từ không nên nói
Bạn đã dặn các con rằng chúng ta không nên nói những từ như “điên”, “ngu ngốc” hay “căm ghét”… Nhưng trong rất nhiều tình huống, bạn sẽ không thể kiềm chế được mà vô tình thốt lên những câu có chứa những từ đó.
2. Mặc đồ ngủ ra đường
Bạn thường nhắc các con không được ăn mặc lôi thôi ra đường, nhưng trong những lúc quá bận rộn, bạn sẽ diện nguyên xi bộ đồ ngủ phóng ra đường để đi chợ, đi gội đầu hay thậm chí là đi đón con.
3. Ăn vặt trước bữa tối
Bố mẹ nào cũng nói với con là không được ăn kẹo, bánh hoặc bất cứ đồ ăn vặt nào trước thời gian bữa tối vì như thế sẽ khiến bụng đầy và không còn chỗ dành cho các món ăn ngon lành buổi tối. Trong khi đó, đôi khi bạn cũng rất thích “lai rai” một vài món nào đó ngay trước bữa tối vì quá thèm chẳng hạn.
4. Vứt lung tung những món đồ con tặng
Ngày nào các bố mẹ cũng nhận được những món quà nho nhỏ của các con nhưng gần như các vị phụ huynh không thể giữ được tất cả chúng và sẽ để lung tung chỗ nọ chỗ kia. Bố mẹ hẳn đã có lần rất bối rối khi các con tìm thấy “kiệt tác” của chúng bị bố mẹ vứt ở những nơi không mong muốn…
5. Không ăn sáng
Cha mẹ luôn muốn con ăn đầy đủ tất cả các bữa trong ngày, nhưng cha mẹ lại chính là những người ăn uống lung tung nhất. Nhiều cha mẹ còn không có thói quen ăn sáng. Thử nghĩ xem, bạn sẽ trả lời sao nếu con hỏi: “Bố mẹ không ăn sáng sao cứ bắt con ăn?”.
6. Thở dài
Các bé thường thở dài thật lớn khi tỏ thái độ khó chịu với cái gì đó, và bạn dạy con không nên làm thế vì đó là một thói quen xấu. Tuy nhiên, người thở dài nhiều nhất trong nhà có lẽ lại chính là các bà mẹ bởi vô vàn những thứ phức tạp diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
7. Không phải lúc nào cũng nói “xin lỗi”
Phụ huynh nào cũng dạy các con rằng sau khi ợ hơi hoặc xì hơi, hành động phải phép tiếp theo là nói: “Xin lỗi”. Tất nhiên, các con luôn lắng nghe và làm theo rất tốt lời được dạy. Vậy mà khi các bạn chẳng may làm như thế, dù đã cố gắng kín đáo ở nơi công cộng, thì các con vẫn la lên: “Mẹ vừa ợ hơi. Mẹ phải xin lỗi đi chứ!”
8. Để lộ những điều “thần tiên”
Vào những dịp đặc biệt, bố mẹ thường đóng giả làm một nhân vật nào đó như ông già Noel, siêu nhân hay nàng tiên… để giúp các con vui vẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cũng rất dễ bị lộ “tung tích” của mình nếu không cẩn thận và không có gì lạ nếu như con hỏi: “Mẹ ơi, mẹ chính là ông già Noel đúng không?” hay “Mẹ ơi, tại sao chữ ông già Noel viết giống hệt chữ mẹ?”.
9. “Buôn chuyện” về người khác
Cha mẹ nào cũng đều cố gắng không “buôn chuyện”, đặc biệt là trước mặt con cái họ. Nhưng điều đó quả thực hơi khó. Nếu bạn đề cập đến trang phục mới của hàng xóm (ngay cả khi đó là một lời khen), các con bạn sẽ hỏi rằng: “Như thế có phải là nói xấu sau lưng không mẹ?” bởi các bé vẫn chưa ý thức được điều gì là xấu hay tốt mà chỉ biết, khi bạn nhắc đến tên một người nào đó hiện không có mặt, đấy nghĩa là “nói xấu”.
10. Đứng chống nạnh
Có thể bạn thấy việc một đứa trẻ đặt tay lên hông và đứng chống nạnh là rất hỗn xược. Đó là điều nhiều người dạy con không nên làm, dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Ấy thế mà, không ít bà mẹ phải giật mình sửa sai khi các con phát hiện ra mẹ chúng cũng mắc lỗi y như mình vậy…
Cha mẹ đôi khi cũng không kiểm soát được lời nói và hành động của mình. Đó là điều hoàn toàn dễ thông cảm. Tuy nhiên bạn hãy nhớ, nếu bạn muốn con mình thực hiện theo những nguyên tắc mà bạn đã dạy, bạn hãy là người làm gương cho chúng trước và hạn chế đến mức tối thiểu những tình huống khó xử mà bạn có thể gặp phải. Bởi thực tế, trẻ con có khả năng tiếp thu rất nhanh những điều diễn ra trong cuộc sống hàng ngày và người mà chúng học theo nhiều nhất chính là cha mẹ – những người gần gũi và luôn ở bên chúng nhiều nhất.
(Theo Mask Online)