Cơn co giật là những cơn co cứng thường xảy ra nhanh và ngắn trong thời gian trẻ sốt cao trên 380C (nhiệt độ đo ở nách). Co giật xảy ra ở cả hai tay, hai chân và sau đó tự hết. Lúc xuất hiện co giật là thời điểm quan trọng để xử lý tránh những biến chứng nguy hiểm.
Co giật sốt tuy là bệnh cấp cứu nhưng lành tính, nếu biết xử trí tốt lúc đầu sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển thần kinh của trẻ.
Qua kinh nghiệm xử lý hồi sức cấp cứu, các bác sĩ cho biết rất nhiều cha mẹ mất bình tĩnh khi trẻ sốt cao co giật, nhiều người vội vàng bế con chạy vào bệnh viện trong tình trạng trẻ đang co giật mà không xử lý gì; nhiều người xử lý nhầm gây nguy hiểm cho trẻ.
Vậy phải làm gì khi trẻ sốt cao co giật
Cần thực hiện 3 bước sơ cứu quan trọng sau để giúp trẻ qua cơn nguy hiểm
– Đặt trẻ nằm nghiêng 1 bên để đờm dãi dễ chảy ra ngoài, hút đờm nhớt nếu có dụng cụ nhằm làm thông thoáng đường thở, không gây tắc đường thở khi trẻ đang co giật.
– Nhanh chóng cởi quần áo, đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn của trẻ (đặt đầu nhọn của viên thuốc vào trước và bóp 2 mép hậu môn lại trong vài giây). Chỉ nên sử dụng paracetamol liều 10mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ. Tuyệt đối không được sử dụng aspirine, không nên cùng vừa cho uống vừa đặt thuốc hạ sốt vì có thể gây quá liều.
– Lau mát hạ sốt: Đây là thao tác vô cùng quan trọng trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, việc chườm liên tục vào bẹn, nách, sau tai, trán sẽ giúp nhiệt độ của trẻ không lên quá cao.
Cách chườm như sau: Nhúng khăn vào nước ấm (như nước tắm bé) hoặc nước thường, vắt ráo. Đặt ở nách, bẹn và lau khắp người. Thêm nước ấm nếu nước nguội. Thay khăn mỗi 2-3 phút. Ngưng lau khi nhiệt độ nách dưới 380C.
Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, trong tủ thuốc của gia đình cần có sẵn nhiệt kế, có thuốc hạ sốt dạng uống và dạng nhét hậu môn (bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh). Phải theo dõi sát nhiệt độ của trẻ khi có sốt bằng nhiệt kế cặp nách. Khi trẻ sốt cao, dùng thuốc nhét hậu môn ngay để phòng sốt cao và gây co giật.
3 sai lầm phổ biến dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho trẻ khi sốt co giật
– Không đổ thuốc vào miệng khi đang co giật gây hít sặc, ngạt thở.
– Không quấn kín, ủ ấm làm nhiệt độ tăng cao và co giật kéo dài mặc dù con bạn đang rất rét. Rất nhiều bậc cha mẹ, khi thấy con co giật là vội vàng bế chặt hoặc tìm cách giữ sao cho con đừng giật. Đó là việc làm hết sức sai lầm. Khi trẻ nên cơn co cứng, tuyệt đối không được giới hạn cử động của trẻ, không cho vào miệng bất cứ thứ gì, kể cả thuốc.
– Không lau mát bằng nước đá vì ít hiệu quả hoặc bằng rượu vì rượu có thẻ ngấm qua da gây ngộ độc co trẻ.
Benh.vn