Trước tình trạng thời tiết thay đổi thất thường và thực tế nhập viện liên tiếp vì viêm phổi như hiện nay, cha mẹ cần chú ý theo dõi con chặt chẽ và cẩn trọng hơn .Dưới đây là một vài hướng dẫn giúp cha mẹ sớm nhận biết các dấu hiệu viêm phổi ở trẻ và cách phòng bệnh đúng đắn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Mục lục
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi
Trẻ quấy khóc hay có dấu hiệu bất thường trong ăn uống và giấc ngủ rất có thể đã bị nhiễm viêm phổi.
Trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi là đối tượng dễ bị viêm phổi nhất. Bởi, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có sức đề kháng kém nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ lớn. Hơn nữa, viêm phổi ở trẻ nhỏ cũng không biểu hiện rõ ràng như ở trẻ lớn (sốt, ho, khó thở…) mà ít có dấu hiệu điển hình, có những trẻ thậm chí còn không sốt, không ho nên việc nhận biết dấu hiệu là rất khó khăn.
Vì thế, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh cần quan sát trẻ rất kỹ. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú, có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường) hay quấy khóc… thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ hơn.
Trẻ sơ sinh
Với bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần chú ý dấu hiệu quan trọng để nhận biết là trẻ thở nông và thở gấp. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở bình thường khoảng dưới 60 lần/phút. Ở trẻ từ 2-11 tháng tuổi, nhịp thở bình thường khoảng dưới 50 lần/phút…
Nếu trẻ sơ sinh có nhịp thở nhanh hơn mức này thì cần nghĩ tới triệu chứng viêm phổi và nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Một triệu chứng khác là trẻ bị rút lõm lồng ngực, nếu quan sát thấy phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm xuống một cách rõ rệt (lõm sâu) khi trẻ hít vào thì khả năng đã chuyển sang giai đoạn viêm phổi nặng.
Cách đếm nhịp thở đơn giản nhất là cho trẻ nằm yên, không cho bú và tốt nhất là khi bé ngủ. Người lớn đặt tay trên ngực bé hoặc quan sát bằng mắt. Mỗi lần ngực trẻ phình lên được tính là một nhịp. Trẻ nhỏ khi đang bị bệnh, mẹ hãy quan sát nhịp thở của con ngày ít nhất 3 lần.
Phòng bệnh đúng cách
Cần giữ ấm đúng cách…
Đa phần, trẻ nhỏ mắc viêm phổi là do bị nhiễm lạnh. Những ngày này thường lạnh về sáng và đêm, các bà mẹ hãy vẫn duy trì thói quen mặc ấm cho trẻ. Buổi trưa trời nắng và ấm lên nhiều nhưng người lớn lại không chú ý cởi bớt đồ cho trẻ, khiến trẻ bị nóng, đổ mồ hôi thấm ngược trở lại khiến trẻ nhiễm lạnh.
Do đó, bác sĩ khuyên những ngày này trẻ cần được giữ ấm đúng cách: giữ ấm cho trẻ vào sáng và đêm, mặc thoáng mát vào buổi trưa. Với trẻ nhỏ học mầm non, cha mẹ nên mặc ấm cho trẻ bằng nhiều lớp áo, để trưa có thể nhờ các cô giáo, người trông trẻ cởi bỏ bớt áo, tránh để trẻ nhiễm lạnh do đổ mồ hôi.
Bên cạnh đó, thời điểm giao mùa này cha mẹ không nên đóng kín cửa cả ngày, nhà cửa cần phải mở cửa để lưu thông khí; tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá và bếp than. Trẻ cần được tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước để tăng sức đề kháng.
Khuyến cáo phòng tránh các bệnh hô hấp ở trẻ
Ngoài ra, các bác sỹ nhi khoa cũng khuyến cáo, để phòng và hạn chế tái phát các bệnh đường hô hấp ở trẻ, trong đó có viêm phổi, các mẹ cần bảo đảm cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh càng sớm càng tốt, cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi
Trẻ sau 6 tháng có thể cho ăn dặm thêm và phải cho trẻ ăn đủ chất nhưng lưu ý không nên ép trẻ ăn để trẻ nôn, trớ vì sẽ sặc lên mũi và gây các bệnh đường hô hấp; vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, không nên đun bếp hoặc hút thuốc trong phòng; giữ ấm cho trẻ nhất là khi trời lạnh và thay đổi thời tiết; tiêm phòng cho trẻ đẩy đủ và đúng lịch; phát hiện sớm các biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp để trẻ được điều trị kịp thời.
…và đảm bảo cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi để hạn chế nguy cơ nhiễm phổi ở trẻ.
Khi trẻ cần được khám và điều trị tại bệnh viện, cha mẹ nên nghiêm túc tuân thủ y lệnh, điều trị dứt điểm… chứ không tự ý dùng thuốc. Để tránh bệnh tái phát, cần có chế độ chăm sóc tích cực để tăng cường thể lực và củng cố hệ miễn dịch cho trẻ.
An Nguyên – Benh.vn