Tại sao con mắt bỗng dưng trở thành cận thị. Cận thị tại sao lại xảy ra với người này mà lại không với người kia. Để trả lời câu hỏi này người ta đã cố gắng tìm hiểu: những con mắt thế nào sẽ chắc chắn bị cận thị
Mục lục
Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Chắc chắn cận thị có yếu tố di truyền(do gen qui định) thế nhưng những yếu tố địa lý, xã hội, môi trường sống, chủng tộc, dinh dưỡng …cũng vai trò của nó và đan xen phức tạp. Một lần nữa chúng ta lại phải ngậm ngùi mà nói rằng: cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng, dẫn đến điều trị thụ động, các biện pháp phòng ngừa mang tính bao trùm và khó thực thi. Tuy nhiên dưới quan điểm của các nhà dịch tễ, đạo đức học trong y tế thì vẫn nên “ chấm dứt sự bóc lột đôi mắt trẻ thơ”.
Các hãng kính thuốc, máy móc phẫu thuật, dược phẩm đã thu được hàng tỷ tỷ đô-la rồi. Chúng ta hãy cùng nhau dốc sức nghiên cứu và thực hiện phòng bệnh ngay từ bây giờ. Với quan điểm đó tôi xin mạnh dạn đưa ra những quan điểm phòng bệnh mới nhất đối với cận thị.
Hãy giữ khoảng cách làm việc bằng cách xa nhất có thể
Quan điểm này đã có gần 200 năm nay. Làm việc bằng mắt ở cự ly gần, cường độ cao sẽ là nguyên nhân chủ yếu gây ra cận thị. Học hành càng cao, một số ngành nghề đặc biệt dùng vi tính hay máy sinh hiển vi sẽ là bạn đồng hành với cận thị không sớm thì muộn. Xem ra thoát khỏi công việc hay thói quen dùng mắt trong cự ly gần không phải là dễ. Đôi khi đó là miếng cơm manh áo, thăng tiến, học lực.
Thế nhưng chúng ta cũng nên chủ động quyết định cuộc đời mình, với các em nhỏ thì cha mẹ hay thầy cô phải bảo vệ mắt cho con em mình. Đừng làm việc nhiều với cự ly nhỏ hơn 35 cm. Các nghiên cứu cho rằng việc đồng từ co khi nhìn gần, cơ thể mi cũng bị co thắt kéo theo việc tăng sản xuất thủy dịch, làm tăng nhãn áp, gây giãn lồi ra phía trước của mắt. Hệ lụy là việc trục nhãn cầu dài ra cùng với phát sinh cận thị trục.
Độ sáng đóng vai trò quan trọng
Suy luận một cách lô-gíc thì chiếu sáng tốt sẽ giúp chúng ta không phải nhìn gần vào tài liệu, đồng tử co vừa phải, thể mi không bị co quắp quá đáng. Vô hình chung cận thị do việc nhìn gần thái quá đã bị ngăn chặn nếu ta thực hiện tốt khâu này. Đèn vàng hay đèn quả lê hoặc đèn com-pắc xem ra có vẻ không quan trọng nữa. Đơn giản chỉ là chiếu sáng tốt mà thôi.
Nguồn sáng cho trẻ ở nhà nên để ở phía sau và trên cao. Nếu không thì cũng không nên để trực diện dễ gây chói lóa và sinh nhiệt. Ngoài công suất chiếu sáng(đơn vị là lux) thì độ rọi foot candle cũng rất quan trọng. Độ rọi tối thiểu Emc là khái niệm quen dùng của các nhà thiết kế hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng trong lớp học thích hợp là 320-400 lux. Bóng đèn huỳnh quang mắc song song với hệ thống của sổ, balad điện tử được khuyến cáo cho chiếu sáng lớp học, tuy nhiên cũng nên tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời.
Thời gian học tập và làm việc
Vẫn từ điều I nếu mắt bị bóc lột quá đáng, ngoài việc gây mỏi và nhức còn là việc phát sinh cận thị. Cơ thể mi từ chỗ có thể co giãn dẫn đến co quắp(giả cận thị) rồi đến cận thị thực sự là cả một quá trình. Thế nhưng không phải ai cũng biết dừng lại đúng lúc hay được can thiệp đúng lúc để thoát khỏi cận thị. Không phải các nhà giáo dục đồng tình với quan điểm học 45 phút nghỉ 5 phút mà các nhà nhãn khoa cũng vậy. 5 phút nghỉ ngơi cho mắt, ra sân chơi đùa là hình thức giảm stress rất tốt cho mắt.
Các giáo viên có sáng kiến đổi chỗ luân phiên cho học sinh thiết nghĩ cũng là sáng kiến hay để trẻ thay đổi cự ly học tập và cường độ điều tiết cho mắt. Đừng nên làm việc bằng máy tính hay chơi game quá 5h một ngày. Nếu bạn không để tâm đến lời khuyên này thì cận thị hay tăng số kính cận sẽ tìm đến với bạn với xác xuất lớn hơn 80%. Singapore là nước rất thành công trong việc giảm trẻ em bị cận thị. Bí quyết của họ là giảm giờ học, tăng giờ chơi, tăng thời gian sinh hoạt ngoại khóa.
Nếu trẻ đã bị cận thị thì nên khuyến khích trẻ không đeo kính khi học đọc ở nhà. Làm như vậy sẽ giúp các em duy trì được năng lực điều tiết vốn có của mình. Nhìn ra xa vô cực( trên 5 m) cũng giúp cho mắt giãn được điều tiết, giảm hình thành hay tăng số cận thị.
Tư thế ngồi học
Tư thế ngồi học phụ thuộc nhiều vào hệ thống bàn ghế và chiếu sáng. Nhìn chung nên để mặt trẻ cách sách vở khoảng 35-40cm, mặt bàn nên có độ vát khoảng 15-20 độ so với phương nằm ngang để cho trẻ khỏi cúi gằm. Tư thế tốt còn làm trẻ học đỡ mệt mỏi, tránh gù vẹo cột sống sau này.
Di truyền và những yếu tố khác
Một nghiên cứu 1114 trường hợp cận thị ở Mỹ cũng cho thấy một vài điều thú vị. Di truyền lại được nhắc đến. Tuy nhiên di truyền thì không thể thay đổi được, vốn chúng ta không thể lựa chọn ai sẽ sinh ra mình? Trên qui mô quần thể thì người da trắng bị cận thị nhiều hơn da màu, nữ bị nhiều hơn nam. Với vùng Nam Á như Việt Nam thì có vẻ như là một ngoại lệ: người da mầu đeo kính cận tăng nhanh chóng. Người ta giải thích quá trình đô thị hóa chóng mặt và chuyển đổi kinh tế là nguyên nhân thay đổi lối sống cho một bộ phận dân cư nơi đây, kèm theo là sự gia tăng cận thị. Tuổi sinh đẻ cao, mẹ nghiện thuốc lá, sinh non … dễ gây cận thị cho con cái hơn.
Mặc dù đã mất công sức lưu tâm đến: học vị của cha mẹ, bệnh tật của mẹ, phát triển thể chất của con trong bụng mẹ và sau sinh, chỉ số phát triển khác của cơ thể… song nghiên cứu trên không đưa thêm được một khuyến cáo nào có sức mạnh đáng kể.
Chế độ dinh dưỡng
Có quá nhiều yếu tố dinh dưỡng được coi là để giúp đề phòng hay giảm tăng số cận. Các vitamin được khuyên dùng là A-C-E-B2-D. Các khoáng vi lượng kẽm, selene, brôm, magne, canxi..cũng được coi là có vai trò nhất định trong giảm cận thị. Thế nhưng đa phần các nghiên cứu đều nhắc đến vai trò quan trọng của vitamin E, vitamin C và selene.
Các vitamine và khoáng chất này nên được dùng hàng ngày như hình thức bổ sung vào thức ăn với liều nhỏ, dùng lâu dài. Do còn có lợi cho phát triển tim mạch, não bộ của trẻ đang lớn nên quan điểm dùng thực phẩm chức năng hay thực phẩm bổ xung là khá cởi mở. Các bậc cha mẹ nên quan tâm đến điều này bởi dùng thực đơn cưỡng bức đối với trẻ là điểu rất phức tạp và khó thực hiện. Trong khi đó thực phẩm chức năng lại làm chúng ta nhàn hạ hơn nhiều.
Rất có thể ai đó sẽ than phiền rằng tôi đã làm đủ những điều trên mà con tôi vẫn cận thị. Tôi chỉ biết trả lời rằng chúng ta vẫn chưa làm đủ vì đã không biết đủ thế nào là cận thị. Thế nhưng ít ra con cái bạn sẽ cận nhẹ hơn, ít tăng số hơn, ít biến chứng hơn là điều tôi dám chắc chắn.
Bs Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương