Phụ nữ được tạo hóa ban cho thiên chức làm mẹ, điều đó thật thiêng liêng và đáng tự hào. Nhưng kèm theo thiên chức đó là những bệnh lý gặp phải liên quan đến thời kỳ sinh đẻ. Một trong những bệnh lý đó là bệnh trầm cảm sau khi sinh, chiếm tỉ lệ khoảng 13% các bà mẹ sau sinh con.
Mục lục
Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của mẹ mà còn ảnh hưởng lên sự phát triển của bé
“Chị H. được gia đình đưa đến khám bác sĩ sau khi sinh con được một tháng với những biểu hiện mất ngủ, không muốn tiếp xúc với mọi người, thờ ơ, không quan tâm chăm sóc đến con, buồn chán, bi quan, sợ những điều không hay xảy ra với mình và con của mình. Chị đó được bác sĩ chẩn đoán là trầm cảm sau sinh”.
Sau khi sinh, cơ thể có một sự thay đổi lớn về tâm, sinh lý. Người mẹ trải qua một thời gian ở trong tâm trạng mong chờ con ra đời, vui mừng đón chào thiên thần bé nhỏ nhưng có một tỉ lệ khoảng 85% các bà mẹ có những cảm giác buồn thoáng qua, còn gọi là “baby blues” với những biểu hiện như có tâm trạng buồn và chán, khó khăn trong giấc ngủ, dễ bị kích thích, sự ngon miệng thay đổi, có vấn đề về sự tập trung chú ý. Những biểu hiện này thường gặp trong một vài ngày đầu sau khi sinh và tối đa kéo dài hai tuần do có sự thay đổi về hormon ngay sau sinh. Nhưng nếu những biểu hiện này kéo dài hơn hai tuần, bạn đã mắc một căn bệnh đó là trầm cảm sau sinh.
Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh?
Ngay sau khi sinh, một sự thay đổi nhanh chóng nồng độ hormon trong máu, đó là sự giảm đi của nồng độ estrogen và progestergon, nồng độ hormon tuyến giáp thyroid cũng giảm, dẫn đến mệt mỏi, trầm cảm. Sự suy giảm về nồng độ hormon cùng với sự thay đổi về huyết áp, chức năng của hệ miễn dịch và những biến đổi về chuyển hoá mà bà mẹ sau sinh phải trải qua là một phần trong căn nguyên gây trầm cảm.
Sau khi sinh, người phụ nữ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về cơ thể lẫn tâm lý. Những đau đớn phải trải qua do quá trình sinh con, thậm chí phải mổ đẻ có thể kéo dài một vài tuần sau sinh. Những vấn đề về tâm lý như khi con ra đời, cơ thể mất đi một trọng lượng đáng kể, các bà mẹ thường cảm thấy người mình trở nên xấu xí và không còn sự hấp dẫn nữa. Họ thường phải thay đổi về cách sống để chăm sóc con, đặc biệt đối với những người lần đầu làm mẹ. Họ thường quá lo lắng về trách nhiệm làm mẹ của mình.
Những yếu tố nguy cơ của trầm cảm sau sinh là những người có tiền sử bị trầm cảm thì bệnh thường dễ tái phát sau sinh, những sự kiện stress trong quá trình mang thai hoặc trong quá trình sinh con như là khó khăn trong khi sinh, con khi sinh ra gặp phải những vấn đề về sức khỏe, đẻ non, hoặc ốm trong quá trình mang thai. Những phụ nữ có những cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc không có sự giúp đỡ của gia đình, xã hội thì nguy cơ trầm cảm cao.
Biểu hiện của bệnh
Nếu bạn thấy những biểu hiện của trạng thái buồn chán sau sinh kéo dài trên hai tuần cùng với những biểu hiện:
- Bạn không còn cảm thấy thích thú với con của mình nữa.
- Có những cảm xúc tiêu cực đối với con bạn như chán ghét con, không yêu con nữa…
- Lo lắng là bạn sẽ làm gì đó có hại cho con bạn.
- Không còn quan tâm chăm sóc bản thân.
- Không có sự hài lòng trong cuộc sống.
- Bạn cảm thấy không còn sức lực và không có động cơ trong cuộc sống.
- Cảm thấy không có giá trị và có tội lỗi.
- Ăn không ngon miệng hoặc sút cân.
- Ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.
- Thường có ý nghĩ đến cái chết hoặc tự sát.
Ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh với con?
Những trẻ có mẹ bị trầm cảm sau sinh có thể có những ảnh hưởng sau:
- Những vấn đề về hành vi: Những trẻ này có xu hướng có những hành vi bất thường, ví dụ như những vấn đề về giấc ngủ, hành vi dễ bùng nổ, kích động và tăng hoạt động.
- Chậm trong việc phát triển nhận thức: Những trẻ này thường có sự chậm trong phát triển về nhận thức, chậm nói, chậm đi hơn những trẻ khác. Chúng cũng có thể gặp những khó khăn trong học tập, có cả những vấn đề khó khăn khi ở trường.
- Những vấn đề về xã hội: Trẻ thường có khó khăn trong các mối quan hệ tại trường học, với bạn bè cùng lứa tuổi, trẻ thường thu rút những mối quan hệ xã hội hoặc có những cách cư xử bất bình thường.
- Những vấn đề về cảm xúc: Những trẻ này thường có lòng tự tin thấp, dễ lo âu và sợ hãi, bị động hơn những trẻ khác, thường hay phụ thuộc và có nhiều nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Điều trị trầm cảm sau sinh
Để điều trị trầm cảm, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau: liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormon, thuốc chống trầm cảm.
- Liệu pháp tâm lý bao gồm tâm lý cá nhân hoặc tâm lý nhóm là một phương pháp điều trị có hiệu quả. Đây là liệu pháp được chọn lựa đầu tiên vì không cần sử dụng đến thuốc, không sợ ảnh hưởng đến trẻ nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
Sử dụng liệu pháp tâm lý điều trị trầm cảm sau sinh (ảnh minh họa)
- Liệu pháp hormon bao gồm sử dụng estrogen thay thế đôi khi có hiệu quả đối với trầm cảm sau sinh. Hormon estrogen được sử dụng kết hợp với thuốc chống trầm cảm.
- Đối với những trường hợp nặng, bà mẹ không thể chăm sóc được bản thân mình và con thì cần sử dụng thuốc chống trầm cảm nhưng cần phải lưu ý nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì cần phải có sự cân nhắc giữa lợi ích của việc dùng thuốc điều trị với tác dụng phụ nếu tiếp tục cho con bú và phải có sự theo dõi sát của bác sĩ chuyên khoa.
Làm thế nào để tránh bị trầm cảm sau sinh?
Các nhà chuyên khoa về tâm thần học khuyên bạn cần phải được nghỉ ngơi đầy đủ, đi ra ngoài ánh sáng mặt trời, không nên ở mãi trong phòng theo những phong tục tập quán cổ hủ ngày xưa và ăn uống đủ chất, không được kiêng khem dẫn đến thiếu dinh dưỡng. Bạn cần phải có thời gian nghỉ ngơi cần thiết và có những lúc phải không suy nghĩ gì đến nhiệm vụ làm mẹ của mình để tự giải phóng mình. Bạn nên làm những việc sau đây:
- Có thể tâm sự với một ai đó về những cảm xúc của mình.
- Tìm người giúp đỡ để chăm sóc con bạn, làm việc nhà và những việc vặt để bạn có thể nghỉ ngơi.
- Bạn cần dành thời gian để thư giãn hàng ngày, mỗi ngày ít nhất là 15 phút.
- Bạn cũng nên nhớ một điều là không ai có thể trở thành một bà mẹ hoàn hảo ngay từ những lần sinh con đầu tiên.
- Bạn hãy thể hiện những gì mình còn chưa biết và đừng ngại ngùng hỏi người khác về kinh nghiệm chăm sóc con.
- Bạn có thể tham gia vào những câu lạc bộ để cùng trao đổi và học hỏi.
- Bạn nên nghĩ rằng có những lúc bạn cũng rất thành công chứ không phải lúc nào cũng tự trách mình.
Benh.vn (theo skđs)