Mặc dù quy định về sinh con bằng kỹ thuật thữ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã bắt đầu có hiệu lực nhưng trên thực tế lại có muôn những vàn rắc rối xảy ra. Chẳng hạn như việc ai sẽ là mẹ đích thực của đứa trẻ, người mang thai hộ cần đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe ra sao, trường hợp không nhận con thì giải quyết thế nào… Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.
Cơ quan chức năng khó kiểm soát
Bộ Tư pháp cho biết, hoàn toàn cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Bộ Y tế tán thành quan điểm này vì cho rằng, cấm nhờ người mang thai hộ sẽ thiếu tính nhân văn, còn nếu cho phép thì sẽ tạo điều kiện giúp những người phụ nữ không có khả năng mang thai được toại nguyện ước mơ làm mẹ. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã đề xuất, chỉ cho phép một số trường hợp được mang thai hộ và phải bảo đảm một số điều kiện, trong đó không vì mục đích thương mại (nghiêm cấm đẻ thuê); chỉ cho phép với những người cùng trong dòng họ…
Thế nhưng, nhiều ý kiến lo ngại cho phép mang thai hộ sẽ bị lợi dụng để mua bán. Bởi trong trường hợp này, việc chứng minh vì mục đích thương mại hay nhân đạo là rất khó khăn. Thậm chí từ nhân đạo đến thương mại cũng rất dễ bị biến tướng do các cơ quan chức năng không kiểm soát nổi.
Điều kiện đối với người mang thai hộ
Theo quy định, điều kiện để được nhờ mang thai hộ là hai vợ chồng không có con chung, phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Trong khi đó, người mang thai hộ phải đủ các điều kiện: là thân thích cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và phải có xác nhận của tổ chức y tế thẩm quyền. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Ngoài ra, khi đã có được người mang thai hộ rồi, còn phải có chế độ chăm sóc cho họ. Chi phí này, với thu nhập trung bình, ít người có thể trang trải được. Tiếp đó, những cặp vợ chồng này cũng sẽ vấp phải một chướng ngại nữa là về mặt pháp lý. Rất nhiều giấy tờ, chứng nhận phải lo để có thể đến được bước cuối cùng là chuyển phôi của bố mẹ vào tử cung người đồng ý mang thai hộ.
Các chuyên gia cho rằng, nếu các thỏa thuận mang thai hộ không rõ ràng ngay từ đầu thì không loại trừ khả năng mục đích nhân đạo đó lại trở thành gánh nặng cho các gia đình hiếm muộn. Bởi quá trình mang thai hộ là quá trình diễn ra rất lâu dài và trong quá trình ấy cũng tiềm ẩn những rủi ro, những phát sinh mà các bên không thể hình dung hết được. Nếu đôi khi quan hệ thân thích làm cho người ta ngại va chạm, ngại những ràng buộc về mặt pháp lý thì càng khó khi xảy ra các vấn đề tranh chấp và nhiều hệ quả khác…
Cho phép mang thai hộ thực chất là một quy định thể hiện tính nhân đạo, nhân văn cao cả. Tuy nhiên, để việc cho phép mang thai hộ thực sự trở thành tin vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn thì nên nới nỏng quy định về việc ai là người được phép mang thai hộ. Có thể không nhất thiết phải là họ hàng nhưng các quy định về sức khỏe, những điều khoản cam kết, quy định về mặt trách nhiệm phải thật rõ ràng, chặt chẽ. Khi đó, chúng ta sẽ đảm bảo được tất cả các cặp vợ chồng có nhu cầu đều có thể tìm được người mang thai hộ cho mình.
An Nguyên – Benh.vn