Hệ vi sinh vật đường ruột là một “bộ phận cơ thể” hết sức thú vị. Nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cộng đồng và giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy hệ gen vi sinh vật đường ruột này thậm chí còn có thể giúp điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ.
Hệ vi sinh vật đường ruột hay microbiota là tập hợp vô vàn vi sinh vật sống bên trong cơ thể chúng ta. Các nhà khoa học đã ước tính có hàng chục tỷ vi sinh vật, với hơn 3 triệu gen khác nhau bên trong đường ruột của mỗi người.
Hệ gen của những vi sinh vật đường ruột này rất quan trọng với hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể của mỗi người. Nó như một hàng rào ngăn chặn các vi sinh vật gây hại và còn giúp chúng ta tiêu hoa thức ăn, tổng hợp một số loại vitamin cho cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã gợi ý rằng cấu trúc hệ gen vi sinh vật có ảnh hưởng tới sự phát triển của một số bệnh cụ thể, như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, béo phì,..
Một vài nghiên cứu đã tìm kiếm mối liên hệ giữa cấu trúc, tính đa dạng của hệ gen vi sinh vật đường ruột với Hội chứng Rối loạn Phổ Tự kỷ (Autism Spectrum Disorders).
Hội chứng Rối loạn Phổ Tự kỷ là một khiếm khuyết phát triển và cứ 1 trong 68 trẻ ở Mỹ sẽ mắc phải căn bệnh này (số liệu theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Mỹ).
Nghiên cứu mới đây đăng tải trên tạp chí Microbiome đã tiến hành phân tích các cách cải thiện hệ gen vi sinh vật đường ruột để điều trị bệnh tự kỷ.
Cải thiện hệ gen vi sinh vật đường ruột ở bệnh nhân tự kỷ
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nhãn mở (không “mù”) này là một dự án chung của các nhà khoa học từ Đại học Bang Arizona, Đại học Bang Ohio và Đại học Minnesota. Nhóm nghiên cứu được điều phối bởi Giáo sư James Adams, chuyên gia về kỹ thuật và khoa học vật liệu, cùng hai đồng điều phối khác là giáo sư Rosa Krajmalnik-Brown và Dae-Wook Kang, Đại học Bang Arizona.
Nhóm nghiên cứu đã tập hợp 18 bệnh nhân bị Rối loạn Phổ Tự kỷ, 7 tới 16 tuổi để điều trị bằng kháng sinh, súc rửa ruột và được cấy phân vi sinh vật trong 10 tuần.
Đặc biệt, các bệnh nhân được dùng kháng sinh, súc rửa ruột và cấy phân vi sinh ở liều lượng cao hơn trong 2 tuần đầu. Ở 8 tuần sau đó, liều lượng được giảm đi.
Cấy phân vi sinh là phương pháp có hiệu quả trong điều trị nhiễm khuẩn Clostridium difficile. Mẫu phân được lựa chọn kỹ càng từ những người hiến tặng khỏe mạnh, sau đó được cấy vào đại tràng của bệnh nhân bằng nhiều phương pháp, như sử dụng viên nhộng dùng đường uống, nội soi đại tràng.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng hệ vi sinh vật đường ruột hiến tặng chứa 1,000 chủng vi khuẩn khác nhau và lựa chọn liệu trình đã chứng minh được hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn do C.difficile.
Bệnh nhân tự kỷ tham gia nghiên cứu có 14 ngày điều trị bằng vancomycin, tiếp theo là 12-24 giờ để súc rửa ruột. Sau đó, hệ vi sinh vật đường ruột của các bệnh nhi này được tái hồi phục bằng cách uống hoặc đưa vào từ trực tràng một liều vi sinh vật người tiêu chuẩn (standardized human gut microbiota). Cuối cùng, bệnh nhân được nhận những liều vi sinh vật người thấp hơn hằng ngày, cùng thuốc chống tiết acid dạ dày trong 7-8 tuần.
Những bệnh nhân tham gia tiếp tục được theo dõi lâm sàng trong vòng 8 tuần sau khi ngừng điều trị, nhằm kiểm tra xem hiệu quả của liệu pháp chỉ là tạm thời hay được lâu dài.
Ảnh minh họa: Uống viên nhộng là một trong các phương pháp cấy phân được sử dụng trong nghiên cứu
Liệu pháp điều trị rất triển vọng và có hiệu quả lâu dài
Kết quả thu được rất “hấp dẫn” và “đầy triển vọng”.
Đặc biệt, việc điều trị cho thấy sự suy giảm tới 80% triệu chứng dạ dày ruột trước đó ở các bệnh nhân tự kỷ, cũng như cải thiện những triệu chứng hành vi của bệnh như thói quen ngủ và kỹ năng xã hội.
Táo bón, tiêu chảy, khó tiêu và đau bụng đều giảm đi trong thời gian điều trị, cũng như trong 8 tuần sau khi ngừng điều trị. Tương tự, cải thiện hành vi cũng được duy trì trong 8 tuần sau điều trị ở các bệnh nhân tự kỷ.
Nhìn chung, nhờ việc cấy phân vi sinh vật, tính đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột trên các bệnh nhân đã cải thiện, cùng với sự xuất hiện nhiều hơn của các chi Bifidobacterium, Prevotella, và Desulfovibrio trong đường ruột của những bệnh nhân này.
Đồng điều phối dự án, giáo sư Dae-Wook Kang giải thích: “Tính đa dạng vi sinh vật đường ruột ở bệnh nhân đã tăng lên rất nhiều. Các chi vi khuẩn, đặc biệt là Prevotella cũng tăng số lượng. Trong nghiên cứu trước đây của chúng tôi, chi vi khuẩn Prevotella này có ít hơn ở các trẻ bị tự kỷ.”
Giáo sư Krajmalnik-Brown thông tin thêm “Kết quả này rất hấp dẫn, bởi chúng tôi không chỉ cung cấp thêm lợi khuẩn, mà bản thân các vi sinh vật được bổ sung còn thay đổi môi trường bên trong ruột theo hướng giúp vật chủ có thêm nhiều vi sinh vật có lợi và cho phép chúng sinh sôi tốt hơn.”
Mặc dù kết quả rất hứa hẹn, nhưng nhóm tác giả nhấn mạnh họ vẫn cần tiến hành những thử nghiệm ở quy mô lớn hơn.
Giáo sư James Adams nói “Chúng tôi đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng pha I. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này. Tuy nhiên, để đề xuất và thương mại hóa phương pháp điều trị như vậy cần phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng pha II và III. Chúng tôi kỳ vọng sẽ được tiến hành thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với cỡ mẫu lớn hơn trong tương lai.”
Các nhà khoa học cũng cảnh báo phụ huynh và trẻ em đừng tự ý bắt chước và áp dụng phương pháp điều trị này.
“Mặc dù chúng tôi thấy tiềm năng trong liệu pháp này, phụ huynh và trẻ em vẫn phải tham khảo ý kiến bác sỹ điều trị của họ. Kỹ thuật không chính xác có thể dẫn tới nhiễm trùng đường tiêu hóa nghiêm trọng.”
Xem thêm: Nguy cơ bị tự kỷ ở những trẻ bị suy giảm đa dạng vi sinh vật đường ruột
AnAn đã bình luận
Thông tin trong bài viết này quả thực rất hữu ích. Tuy nhiên, bài viết đã từ năm 2019, vậy là có thể đến nay, pha 2 và 3 có thể đã được tiến hành. Vậy, rất mong quý tòa soạn cập nhật thêm thông tin.
Xin chân thành cảm ơn quý báo.
Admin đã bình luận
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã gửi phản hồi về nhóm quản trị. Hiện tại thông tin được cập nhật và dịch bởi các nhóm chuyên môn nên có bị gián đoạn trong thời gian dịch bệnh.
Chúng tôi sẽ cập nhật sớm nhất tới độc giả.
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe,