Đục thủy tinh thể là bệnh thường gặp ở người già và là nguyên nhân phổ biến gây bệnh mù lòa trên thế giới. Hiện, Việt Nam sử dụng phương pháp mổ Phaco bằng sóng siêu âm có nhiều ưu điểm nhưng vẫn tồn tại biến chứng, bởi vậy kỹ thuật Phaco mới trong điều trị đục thủy tinh thể đã được giới thiệu.
Đục thủy tinh thể hay còn gọi là cườm khô, cườm đá thường gặp ở người cao tuổi và hiện đang có xu hướng trẻ hóa do tác động của môi trường. Đục thủy tinh thể ở dạng nhẹ có thể đeo kính, dùng thuốc, nặng thì phải mổ. Bên cạnh phương pháp cũ, các chuyên gia nhãn khoa Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nâng cao tay nghề, nghiên cứu những kĩ thuật bổ trợ mới nhằm điều trị tốt hơn bệnh lí này.
Tại hội nghị Nhãn khoa toàn quốc diễn ra tại thành phố Cần Thơ, phương pháp Phaco mới đã được giới thiệu. Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp bệnh nặng với thời gian phẫu thuật được rút ngắn hơn nữa. Đặc biệt, biến chứng sau mổ thấp, chỉ 0,3%, hiệu quả và an toàn hơn.
Qua đó, để phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể, các chuyên gia khuyến cáo:
– Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở giai đoạn sớm nhất.
– Tránh ánh sáng tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể, vì vậy, cần đeo kính mát chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời.
– Phát hiện và điều trị suy giáp, đái tháo đường, rối loạn nước và điện giải, tăng cholesterol sẽ phòng ngừa đục thuỷ tinh thể.
– Nếu làm việc trong phòng có máy lạnh, phải giành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, mỗi giờ nên nhắm mắt khoảng 2 phút, ra ngoài hít thở khí trời. Trong văn phòng, nên có cây xanh để không khí được lọc trong lành…