Để hạn chế sự rủi ro cho bệnh nhân khi điều trị bằng phương pháp cũ, Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) vừa phát triển một loại van tim nhân tạo có thể giúp bệnh nhân ít gặp rủi ro sau khi phẫu thuật tim mở.
Hàng năm, Singapore có khoảng 300 bệnh nhân được phẫu thuật để điều trị chứng bệnh van tim 2 lá nằm lệch tâm thất trái không đóng mở đúng cách. Tuy nhiên, có rất nhiều người không được điều trị vì họ hoặc quá già hoặc mắc nhiều bệnh mạn tính, và có thể gây rủi ro đến tính mạng nếu giải phẫu.
Suy nghĩ, trăn trở về vấn đề trên, tiến sĩ Jimmy Hon đến từ Khoa phẫu thuật Đại học Y Yong Loo Lin trực thuộc NUS cho biết “Van tim nhân tạo mới loé lên hy vọng dành cho nhóm bệnh nhân nêu trên thông qua thủ tục xâm lấn tối thiểu chỉ cần vết rạch rộng 5cm”. Van tim này có đường kính 32mm và chiều cao 30mm, được đưa thẳng vào tâm thất trái bằng cách sử dụng một loại ống thông, cũng do nhóm nghiên cứu van tim trên thiết kế ra.
Thủ thuật mới có thể giúp bệnh nhân giảm ½ thời gian lưu viện điều trị (khoảng 4 ngày), trong khi thời gian phục hồi ngoại viện chỉ kéo dài từ khoảng 2 tuần so 3 tháng đối với phẫu thuật tim mổ phanh lồng ngực.
Được biết, các nhà nghiên cứu hiện đang thử nghiệm loại van tim mới trên ở dạng tiền lâm sàn, và dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào năm 2017.
Hải Yến