Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lý cấp tính cực kỳ nguy hiểm do siêu vi trùng Dengue với trung gian là muỗi gây ra. Hàng năm, có hàng chục nghìn người chết vì căn bệnh này, trong đó có cả trẻ em. Trang bị những kiến thức cơ bản về sốt xuất huyết là cách tốt nhất để kiểm soát, phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Mục lục
Vậy sốt xuất huyết là gì? Đâu là nguyên nhân gây sốt xuất hiện. Dấu hiệu nhân biết căn bệnh này và cách điều trị ra sao. Phòng ngừa bệnh như thế nào hiệu quả. Hãy cùng benh.vn tìm hiểu ngay!
Sốt xuất huyết – Bệnh lý truyền nhiễm theo mùa, dễ bùng phát thành dịch bệnh nguy hiểm
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm có tính chất mùa vụ cực kỳ phổ biến tại Việt Nam. Đây có thể coi là bệnh virus truyền qua muỗi thường gặp nhất ở nước ra.
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết Dengue hay còn được gọi là sốt xuất huyết. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue truyền qua muỗi vằn Asdes gây bệnh. Bệnh đặc trưng bởi các đợt sốt cao, phát ban da và tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue được mô tả lần đầu tiên vào năm 1764. Phải đến tận 1904 Ashburn và Graig mới phát hiện được nguyên nhân do virus Dengue gây ra. Bệnh lan truyền mạnh mẽ ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới như Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Năm 1964, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đặt tên cho bệnh truyền nhiễm này là Sốt xuất huyết Dengue. Hiện nay, bệnh lý này phổ biến trên toàn thế giới và được coi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm.
Sốt xuất huyết có tính chất theo mùa
Sốt xuất huyết Dengue có thể diễn ra quanh năm nhưng bùng dịch theo mùa. Thời điểm bùng phát dịch thường từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiều vũng nước đọng và nhiệt độ thích hợp là điều kiện muỗi sinh sản liên tục và truyền bệnh.
Ở Việt Nam, dịch sốt xuất huyết có 2 mốc cao điểm: Từ tháng 3 đến tháng 4 và đợt 2 từ tháng 7 đến tháng 11.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Vì sao sốt xuất huyết phổ biến
Virus Dengue có 4 chủng khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Các chủng virus dengue có thể tạo miễn dịch chéo nhau. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm virus nào lại chỉ có thể tạo miễn dịch suốt đời với virus đó. Chính vì vậy, người bệnh có thể mắc sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần trong đời.
Những người sống cùng trong 1 khu vực, môi trường có thể bị mắc sốt xuất huyết do cùng 1 nguồn lây nhiễm với số lượng lớn. Điều này khiến bùng dịch nhanh chóng, dễ dàng trở thành đại dịch khó kiểm soát.
Sốt xuất huyết thường gặp ở đối tượng nào
Sốt xuất huyết có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phần lớn là trẻ em. Trung bình mỗi năm, tại Việt nam, ghi nhận 500,000 trường hợp sốt xuất huyết Dengue nhập viện. Tỷ lệ tử vong của bệnh này là 2.5%.
Trẻ nhỏ bị bệnh có độ tuổi từ 2-9 tuổi.
Các giai đoạn sốt và triệu chứng bệnh sốt xuất huyết dengue
Sốt xuất huyết Dengue có tính chất cấp tính, diễn biến nhanh chóng và đột ngột từ nhẹ đến nặng. Diễn biến bệnh thường trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn 1: Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết
Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 7 ngày
Triệu chứng: Không có triệu chứng rõ rệt của bệnh, thân nhiệt bình thường. Đây là thời gian virus Dengue nhân lên trong cơ thể người bệnh. Giai đoạn này kết thúc khi virus nhân lên số lượng đủ lớn và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sốt Dengue
Giai đoạn 2: Sốt Dengue
Thời gian sốt từ 1 đến 2 ngày
Triệu chứng: Các triệu chứng của hội chứng nhiễm Virus
- Sốt cao đột ngột 39 – 40oC hoặc sốt thành 2 pha
- Người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau vùng hốc mắt, đau cơ
- Đau vùng thượng vị
- Rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa
- Xuất hiện xuất huyết nhé ở da và viêm mạc mắt
- Xuất hiện ban ngứa đa hình thái
Giai đoạn 3: Sốt xuất huyết dengue
Thời gian: Sau 3 đến 5 ngày kể từ khi bắt đầu sốt hoặc là khi bắt đầu hạ sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng thứ phát
Triệu chứng:
- Giảm tiểu cầu <100.000/mm2, cô đặc máu. Giảm tiểu cầu diễn ra trước cô đặc máu.
- Có hoặc không có xuất huyết. Xuất huyết thường là xuất huyết dưới da tự phát hoặc sau tiêm chích, chảy máu chân răng, chảy máu mũi và xuất huyết tiêu hóa.
- Ở trẻ em, gan to, đau nhức vùng gan là biểu hiện nổi trội và thường gặp. Gan to là biểu hiện của thể bệnh nặng
- Lá lách thường không to
Hiện tượng cô đặc máu xảy ra do tính thấm mao mạch tăng, huyết tương thoát ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn. Cô đặc máu diễn ra sau hiện tượng giảm tiểu cầu. Khi bệnh nhân có cả 2 dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được coi là sốt xuất huyết Dengue.
Phân độ sốt xuất huyết Dengue theo WHO gồm 4 độ:
Độ I: giảm tiểu cầu kèm cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát. Triệu chứng kèm sốt đột ngột kéo dài 2-7 ngày, kèm nổi hạch, đau nhức, huyết áp bình thường, nghiệm pháp dây thắt dương tính lacet (lacet+)
Độ II: Triệu chứng như độ 1 kèm theo chảy máu tự phát (xuất huyết dưới da, niêm mạc)
Độ III: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, tay chân lạnh, tinh thần lú lẫn, huyết động không ổn định: mạch lăn tăn, huyết áp kẹp (hiệu số huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương < 20 mm Hg). Xảy ra hiện tượng tiền sốc.
Giai đoạn 4: Giai đoạn phục hồi
Ở giai đoạn phục hồi, bệnh nhân hết sốt và thể trạng tốt lên. Bệnh nhân bắt đầu có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định. Các xét nghiệm tiểu cầu tăng lên đến mức bình thường. Bệnh nhân đi tiểu nhiều.
Điều trị sốt xuất huyết
Do tính chất đột ngột, diễn biến nhanh của bệnh, việc điều trị cần diễn ra khẩn trương. Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết Dengue gồm:
- Bổ sung dịch sớm và đủ tuỳ mức độ
- Hạ nhiệt khi sốt cao trên 40oC và an thần
- Xử trí ngay mọi xuất huyết. Truyền máu khi xuất huyết nội tạng nặng và hematocrid thấp. (Hematocrid là tỷ lệ thể tích khối hồng cầu trên máu toàn phần)
- Kiểm soát việc giảm tiểu cầu. Nếu xuất huyết giảm tiểu cầu xuống dưới 50,000/mm3, cần truyền tĩnh mạch tiểu cầu để bù.
- Phát hiện và xử lý sớm sốc
Khi nào bệnh nhân cần nhập viện
Ngay khi có các biểu hiện sốt cao, sốt không hạ, mệt mỏi, có thể có phát ban, người bệnh nên đi khám để chẩn đoán chính xác nguyên nhân sốt. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sỹ sẽ cân nhắc tình trạng nặng nhẹ để yêu cầu nhập viện.
Tốt nhất, nếu không trong đợt cao điểm, hãy nhập viện điều trị sốt xuất huyết để đảm bảo chế độ chăm sóc và theo dõi bệnh tốt nhất. Trong đợt cao điểm, các bệnh viện đều quá tải, người sốt xuất huyết nhẹ có thể nằm tại nhà nhưng thường xuyên đến bệnh viện (ngày 1 lần) để theo dõi diễn biến bệnh.
Thuốc điều trị sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc đặc hiệu. Hạ sốt và bù điện giải có ý nghĩa quan trọng trong điều trị.
- Bổ sung điện giải: Bổ sung điện giải góp phần giảm sốt và bù nước chống cô đặc máu. Oresol thường được sử dụng để bù nước và điện giải. Pha oresol theo hướng dẫn trên nhãn và uống thay nước. Nên uống tối thiểu 2 lít mỗi ngày. Ngoài oresol, người bệnh cần bổ sung thêm Vitamin C (tổng hợp hoặc từ các loại trái cây), ăn hoa quả…
- Hạ sốt: Hạ sốt bằng các loại thuốc thông thường như Paracetamol (uống hoặc truyền). Lưu ý, khi sử dụng paracetamol đường uống cần chú ý thời gian và liều lượng. Ở người trưởng thành, lượng paracetamol tối đa là 2g/ngày. Mỗi lần uống 1 viên 500mg. Giữa các lần uống nên cách nhau ít nhất 4-6h.
- Truyền tiểu cầu: Xuất huyết giảm tiểu cầu xuống dưới 50,000/mm3 cần được chỉ định truyền tiểu cầu để bù. Tiểu cầu diễn ra trước cô đặc máu. Nếu kiểm soát được cả 2 yếu tố này có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ sốc ở bệnh nhân sốt xuất huyết
- Các thuốc khác có thể có: Khi xuất hiện sốc do sốt xuất huyết, một số thuốc sẽ được sử dụng để xử trí nhanh sốc tránh biến chứng nguy hiểm. Các thuốc được đưa vào qua đường tĩnh mạch để đảm bảo tác dụng ngay tức thì.
-
- Ringer lactat.
- Ringer acetate trong trường hợp có tổn thương gan nặng hoặc suy gan cấp
- Dung dịch mặn đẳng trương (NaCl 0,9%).
- Dung dịch cao phân tử (dextran 40 hoặc 70, hydroxyethyl starch (HES 200.000 dalton)).
- Dung dịch Albumin
- Thở oxy qua gọng mũi 1-6 lít/phút
- Bù dịch nhanh
Các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết
Nhiều biện pháp nên áp dụng để phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.
Vắc xin dự phòng sốt xuất huyết
Hiện nay chỉ có 1 loại Vắc xin sốt xuất huyết duy nhất là Dengvaxia của Sanofi được FDA (Mỹ) cấp phép lưu hành (T5/2019). Vắc xin Dengvaxia được chỉ định để phòng bệnh sốt xuất huyết do cả 4 tuýp huyết thanh của virus Dengue gây ra. Vắc xin này đã được nghiên cứu hơn 20 năm và được cấp phép tại 54 quốc gia trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, toàn bộ trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin đều an toàn, không xảy ra tai biến. Tuy nhiên, vắc xin này vẫn chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam do chưa được thông qua hội đồng đạo đức (Bộ Y tế)
Sử dụng màn mùng
Tại Châu Phi, hàng chục nghìn trẻ em tử vong mỗi năm do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tỷ lệ sốt xuất huyết và tử vong do SXH giảm đáng kể sau khi các tổ chức phi chính phủ tài trợ màn chống muỗi cho các quốc gia ở Châu lục này.
Các chuyên gia y tế cộng đồng cũng khuyến cáo nên sử dụng màn mùng chống muỗi. Đặc biệt, trong đợt cao điểm dịch, sử dụng màn mùng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm chéo rất hiệu quả
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
Muỗi thích những nơi ẩm thấp, bóng tối, nơi có nhiều ngóc ngách. Hãy đảm bảo giữ nhà cửa gọn gàng, thoáng đãng để tránh muỗi trú ngụ trong nhà.
Các vũng nước đọng, bình chứa nước mưa là nơi đẻ trứng của muỗi, và là nơi sinh sống của loăng quăng. Cần triệt để loại bỏ các vũng nước đọng, ao tù.
Các phương pháp đuổi muỗi tự nhiên
Giữ nhà cửa sạch sẽ thôi vẫn là chưa đủ để đảm bảo muỗi không bay vào nhà. Chính vì thế, cần áp dụng thêm các phương pháp đuổi muỗi tự nhiên. Bằng cách sử dụng các nguyên liệu có sẵn tại nhà, bạn có thể chế tạo các bẫy bắt muối hoặc tạo mùi hương đuổi muỗi hiệu quả. Một số phương pháp phổ biến như: Dùng tinh dầu, xông tinh dầu, dùng vỏ cam quýt, dùng bia…
Xem thêm về Các 20+ đuổi muỗi tự nhiên từ nguyên liệu sẵn có trong nhà
Ngoài ra, các dụng cụ vợt muỗi, máy bắt muỗi cũng có thể sử dụng hỗ trợ trong mùa nhiều muỗi. Các thời điểm nhiểu muỗi như thời điểm giao mùa Xuân – hè, Hè – thu, Đông – Xuân.
Sử dụng các sản phẩm bôi da chống muỗi
Khi ra ngoài, bạn gặp nhiều nguy cơ bị muỗi đốt từ nhiều nguồn lây và làm gia tăng khả năng sốt xuất huyết. Điều này đặc biệt xảy ra ở trẻ em (ở trường học, khu vui chơi, sân vườn, công viên…). Vì vậy, đừng quên sử dụng các loại kem bôi da chống muỗi.
Các loại kem bôi da hoăc xịt da chống muỗi hiện nay thường dùng tinh dầu xả chanh và tràm gió để chống muỗi và đều cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, cần dùng liên tục, 1-2 h có thể bôi 1 lần do tinh dầu bay hơi rất nhanh. Tuy hơi phiền phức nhưng hãy cố gắng tuân thủ chặt chẽ.
Xem thêm: Những nghiên cứu mới về sốt xuất huyết
Kết luận:
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus Dengue gây ra với 4 tuýp huyết thanh khác nhau: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người mắc sốt xuất huyết dengue chủng nào thì chỉ có miễn dịch suốt đời với chỉ chủng đó.
Bệnh phát triển qua 4 giai đoạn: Ủ bệnh, sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue và giai đoạn phục hồi. Cẩn trọng các biến chứng tại giai đoạn sốt xuất huyết Dengue.
Điều trị sốt xuất huyết Dengue là điều trị triệu chứng, trong đó hạ sốt và bù điện giải là nguyên tắc sống còn. Tuỳ vào tình trạng bệnh cùng các biến chứng cụ thể, bệnh nhân có thể cần truyền tiểu cầu, hoặc các thuốc điều trị sốc.
Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết tên Dengsavia của Sanofi. Vắc xin được cấp phép lưu hành trên 54 quốc gia. Tại Việt Nam, các thử nghiệm đã được tiến hành nhưng còn chờ sự thông qua của hội đồng đạo đức (Bộ Y tế)
Cần áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết như: vệ sinh nhà cửa, sử dụng màn mùng, áp dụng các phương pháp đuổi muỗi và sử dụng kem chống muỗi.
Hi vọng, quý bạn đọc đã có những thông tin đầy đủ nhất về bệnh lý sốt xuất huyết. Đây là thông tin quan trọng giúp quý vị tự phòng ngừa và kiểm soát bệnh hiệu quả, đặc biệt khi mùa dịch đã tới gần. Hãy áp dụng ngay nhé.