Bọ cạp, đặc biệt là bọ cạp đen được các quý ông săn lùng để thể hiện bản lĩnh “phòng the”…Ngoài ra, một trào lưu mới xuất hiện lại cho rằng, bọ cạp đen có tác dụng chữa ung thư. Vậy thực hư câu chuyện này là như thế nào?
Mục lục
Tìm hiểu về loài bọ cạp
Bọ cạp còn gọi là toàn trùng, yết tử, yết vĩ, toàn yết. Tên khoa học Buthus sp. Nếu dùng cả con bọ cạp làm thuốc thì gọi là toàn yết, nếu chỉ dùng đuôi không thì gọi là yết vĩ.
Nguồn gốc các loại bọ cạp
Việt Nam có nhiều loài bọ cạp xuất hiện nhiều ở các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh…Tuy nhiên, chung ta vẫn phải nhập bọ cạp ở nước ngoài về làm thuốc.Bọ cạp ở nước ta được xác định thuộc chi Buthiurus hoặc chi Heteronetrus.
Toàn yết dùng làm thuốc thuộc loài Buthus martensii Karsch, thuộc họ bọ cạp Buthidae. Ðây là một loài có đốt, thường sống ở dưới những hòn đá hoặc khe vách; đầu và ngực ngắn; bụng tương đối dài hơn, phía dưới của bụng thót lại và dài, cuối cùng có ngòi mang nọc độc.
Sử dụng bọ cạp như thế nào
Thường người ta bắt bọ cạp vào mùa xuân và mùa hạ. Nọc của bọ cạp được pha chế để làm thuốc chữa bệnh.
Khi bắt được bọ cạp cho ngay vào chậu hay nồi nước trong hoặc nước có pha thêm muối ăn (mỗi kilogam bọ cạp cho thêm 300-500g muối ăn). Ðậy vung lại và đun từ 3-4 giờ cho đến khi cạn nước; lấy bọ cạp ra phơi mát cho khô (không nên phơi nắng, vì nếu phơi nắng, muối có thể kết tinh). Khi dùng lại phải ngâm nước để rửa sạch hết muối đi.
Do nhu cầu lấy nọc bọ cạp để điều trị những rối loạn của hệ thần kinh, một số nước đã nuôi bọ cạp lấy nọc làm thuốc. Muốn có 1g nọc bọ cạp cần lấy ở 8.000 con một lần. Có thể dùng xung điện để bắt bọ cạp tiết nọc nhiều lần. Nọc bọ cạp đắt hơn nọc rắn.
Bọ cạp có tác dụng gì?
Bọ cọp là một vị thuốc được dùng trong Ðông y làm thuốc trấn kinh, chữa trẻ em kinh phong, uốn ván. Ngoài ra, bọ cạp còn dùng làm thuốc kích thích thần kinh, bán thân bất toại, bị cảm mồm miệng méo xệch…
Theo tài liệu cổ, toàn yết có vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc, vào kinh can. Có tác dụng khu phong, trấn kinh. Dùng chữa kinh giản, phá thương phong, cảm mồm méo, mắt xếch, bán thân bất toại.
Tuy nhiên cần lưu ý: Người huyết hư sinh phong không dùng được, người bệnh không tự ý sử dụng mà phải theo sự chỉ định của bác sỹ.
Bọ cạp có chữa được bệnh ung thư?
Với các tin đồn thổi cho rằng bọ cạp chữa bệnh ung thư là hoàn toàn không có cơ sở. Theo các chuyên gia y tế, bác sỹ, lương y, bọ cạp là một loại sinh vật có nọc độc rất nguy hiểm. Đặc biệt, vào mùa hè, trời nắng, nóng độc tố của loài này càng nguy hiểm hơn. Do đó, nếu không biết cách sử dụng hoặc chế biến bọ cạp không đúng cách có thể bị ngộ độc, nguy hại đến sức khỏe.
Liên quan đến khả năng chữa bệnh ung thư của bọ cạp, các chuyên gia y tế cho rằng, đây là khả năng chưa được kiểm chứng.
Lương y Hư Đan, chủ biên trang mạng “Thuốc vườn nhà” cho biết:
“Bọ cạp đã được sử dụng làm thuốc từ hàng ngàn năm nay. Tây y chủ yếu sử dụng nọc độc bọ cạp làm thuốc kích thích thần kinh, đông y thì dùng bọ cạp để chữa một số chứng phong như co giật, hôn mê, đau nhức,… Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, toàn yết (có tác dụng an thần, giảm đau, chống co giật, tăng lưu thông máu qua động mạch vành tim và thúc đẩy tuần hoàn ngoại vi, kích thích chức năng hệ miễn dịch, chống ung thư”.
“Việc chống ung thư phải có sự can thiệp của khoa học hiện đại chứ không thể sử dụng một cách tùy tiện được. Sử dụng như vậy, không những không đem lại kết quả mà còn nguy hiểm đến tính mạng”.
Tiến sỹ, bác sỹ Lê Thúy Tươi, chuyên gia y tế cao cấp tại TP.HCM:
“Hiện, trên thế giới chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định bọ cạp có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư.
Ngoài việc thị trường xuất hiện các loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư được chiết xuất từ nọc độc bọ cạp đen thì y học chưa có tài liệu nào cho thấy ăn bọ cạp có thể chống chọi, đẩy lùi ung thư. Do đó, người dân cần cẩn trọng và không nên tùy tiện trong việc sử dụng bọ cạp để làm thuốc, thức ăn, tránh rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang”.
Benh.vn