Từ xa xưa, dân gian ta đã có câu “thấp khớp đớp vào tim”, tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều bệnh liên quan tới khớp nhưng chỉ có 1 bệnh về khớp có thể làm biến đổi ở các van tim, đó là bệnh thấp khớp cấp.
Mục lục
Vậy, làm sao phân biệt được bệnh thấp khớp cấp với các loại bệnh khớp khác? Bệnh khớp cấp gây nguy hiểm tới tim như thế nào?
Bệnh thấp khớp là gì?
Bệnh thấp khớp là bệnh gây ảnh hưởng đến các khớp xương. Bệnh thường xảy ra ở nhiều khớp và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể.
Bệnh gây đau, sưng và cứng khớp. Nếu một đầu gối hoặc bàn tay bị thấp khớp, thông thường đầu gối hoặc bàn tay còn lại cũng bị bệnh. Những người mắc bệnh này có thể cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi và thỉnh thoảng bị sốt.
Bệnh thấp khớp cấp
Thấp khớp cấp là biến chứng của viêm họng do nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng bệnh thấp khớp cấp
- Khởi bệnh thường là cấp tính với sốt, đau-viêm họng, đau viêm khớp.
- Vị trí đau bắt đầu thường ở các khớp lớn (khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân).
- Sưng nóng đỏ đau, khớp lớn, không hoặc ít đối xứng, có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ.
- Viêm họng sốt cao, mệt mỏi, đau rát họng, nuốt khó, ho khan hoặc có đờm.
- Di chuyển từ khớp này sang khớp khác, khi chuyển sang khớp mới, khớp cũ hết đau, không để lại di chứng tại khớp .
Viêm khớp cấp do viêm họng nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A biến chứng (Ảnh minh họa)
Đối tượng mắc bệnh thấp khớp cấp
- Tỷ lệ mắc bệnh là: 0,5 – 0,6 % dân số trẻ em, rất ít gặp ở người lớn.
- Gặp đều ở cả hai giới (Nữ = Nam)
- Bệnh thường mắc ở trẻ em lứa tuổi đến trường (thường từ 5 – 15 tuổi)
Sự nguy hiểm của thấp khớp cấp tới tim
Thấp khớp có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các van tim đưa đến suy tim, chính vì vậy người ta xếp thấp khớp vào nhóm bệnh tim mạch và gọi là thấp tim. Biến chứng tim hay não có thể muộn hơn 10 đến 20 năm.
Các triệu chứng thấp tim khởi đầu khoảng hai tuần sau khi nhiễm trùng họng bao gồm sốt, đau mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay hoặc cổ tay, di chuyển từ khớp này sang khớp khác, sưng đỏ nóng đau, nổi nốt dưới da, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, chuyển động giật rung tay chân và khuôn mặt.
Thấp khớp cấp có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các van tim đưa đến suy tim, Bệnh có nhiều tên gọi khác như viêm khớp cấp do thấp, sốt thấp, thấp tim.
Phòng bệnh thấp khớp cấp
- Dự phòng gồm phòng thấp ban đầu và phòng thấp tái phát. Phòng thấp ban đầu áp dụng cho trẻ chưa bao giờ bị thấp tim.
- Trẻ cần thực hiện vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng đánh răng, xúc họng, ngậm họng bằng nước muối.
Trẻ cần vệ sinh răng miệng hàng ngày, ngâm họng nước muối…(Ảnh minh họa)
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị viêm nhiễm đường hô hấp trên.
- Khi phát hiện trẻ bị viêm họng, sưng khớp cần phải cho trẻ đi khám bệnh, làm xét nghiệm để phát hiện, điều trị sớm, đúng cách.
Điều trị viêm khớp cấp và chế độ sinh hoạt, ăn uống cho bệnh nhân
Thấp khớp cấp được điều trị bằng các loại thuốc giảm viêm, chống đau, kháng sinh diệt liên cầu. Ngoài ra cần chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Thuốc điều trị thấp khớp cấp
Sử dụng các loại thuốc bao gồm:
- Giảm đau, cải thiện chức năng và ngăn ngừa tổn thương khớp gia tăng.
- Chống nhiễm khuẩn nhằm loại bỏ liên cầu khuẩn (thường dùng các chế phẩm Penicillin).
- Chống viêm (nhóm không Steroid như Aspirin, nhóm không Steroid như Prednisolon), điều trị triệu chứng như suy tim (nếu có).
- Khi đã được chẩn đoán thấp khớp thì cần phải được điều trị dự phòng cấp I, nếu bệnh đã vào tim thì phải được dự phòng cấp II (có thể kéo dài 5,10 năm hoặc suốt đời)
Chế độ sinh hoạt của bệnh nhân thấp khớp cấp
- Bệnh nhân thấp khớp cấp cần chú trọng nồng độ cholesterol (trong máu), huyết áp.
- Tránh giữ cơ thể ở một vị trí quá lâu hay những chuyển động làm cho các khớp thêm căng thẳng dẫn đến đau các khớp.
- Bôi kem chống viêm phủ kín chỗ khớp đau.
- Giảm cân nếu người bệnh đang thừa cân.
- Duy trì lối sống khỏe mạnh.
Chế độ ăn uống của bệnh nhân thấp khớp cấp
- Đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các loại: trái cây và rau quả có chứa các vitamin và khoáng chất quan trọng, đặc biệt là vitamin E.
- Ăn thức ăn giàu a xít béo omega-3 như cá nước lạnh (cá hồi, cá thu, cá trích), hạt lanh, hạt cải dầu (canola), đậu nành, dầu đậu nành, hạt bí ngô, quả óc chó…
Ý kiến của chuyên gia về thấp khớp cấp
Bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Khoa Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược
“Bệnh khớp không chỉ “đớp” tim như lâu nay chúng ta vẫn hiểu. Biến chứng của nó còn nặng nề hơn nhiều nếu không được quan tâm và điều trị đúng mức.
Không phải bệnh khớp nào cũng gây ảnh hưởng đến tim. Ngược lại, không phải bệnh thấp tim nào cũng có đau sưng khớp. Thấp khớp thường hay gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên và biến chứng tim hay não của nó có thể muộn hơn 10 đến 20 năm.
Bệnh thường biểu hiện mở đầu bằng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do liên cầu trùng tan huyết nhóm A: sốt ho, đau họng, nổi các hạch ở dưới hàm và hai bên cơ ức, đòn chũm trong khoảng 5-7 ngày. Sau đó là hiện tượng viêm sưng đau các khớp to, di chuyển nhanh, kèm sốt 38-39 độ, đôi khi có nổi ban đỏ, có bờ ở dưới da, có co giật ở tứ chi, ở các cơ mặt, lưỡi hoặc sờ thấy các hạt thấp ở dưới da. Nếu nghe nhịp tim lúc này, bác sĩ sẽ nhận thấy tạp âm bệnh lý.
Thấp tim là bệnh cực kỳ nguy hiểm nhưng có thể dự phòng hiệu quả. Chỉ cần tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị dự phòng. Nếu phát hiện sớm những trường hợp cần nong hoặc thay van tim thì mới có thể kiểm soát được bệnh.”
Lời kết
Thấp khớp cấp là một bệnh có thể phòng có hiệu quả nếu chúng ta quan tâm đúng mức. Đối tượng mắc bệnh thấp khớp cấp thường là trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 5 đến 15 tuổi).
Vì vậy, khi trẻ mắc các bệnh mãn tính vùng hầu, họng cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị một cách triệt để, đề phòng viêm họng do nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A gây nên những biến chứng chạy vào tim, não…
Ngoài ra cần cải thiện điều kiện sống, đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ rau xanh, dưỡng chất… để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho trẻ.
Xem thêm: Chẩn đoán, điều trị bệnh thấp tim