Nhiễm trùng cơ hội là một trong số các nguyên nhân khiến bệnh HIV/AIDS trở nên cực kỳ nguy hiểm: nhiễm trùng cơ hội nặng, tổn thương các cơ quan quan trọng của cơ thể như: Hệ thống thần kinh (viêm não do Toxoplasma, củ lao ở trong não, áp xe não, viêm não do Herpes, u não, bệnh lý não trắng đa ổ tiến triển, bệnh lý não do HIV, lao màng não, viêm màng não do nấm Cryptococcus neoformans, viêm màng não mủ, viêm màng não do virus, viêm màng não do ký sinh trùng); hệ thống hô hấp (viêm phổi do Pneumocystis jiroveci, viêm phổi do vi khuẩn, lao phổi, nấm phổi, viêm mủ màng phổi v.v….); các đợt viêm gan bùng phát cấp tính và nặng, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan….
Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong. Tư vấn dùng ARV để bệnh nhân tuân thủ điều trị và kế hoạch hỗ trợ tuân thủ điều trị cũng như xử trí các vấn đề nảy sinh trong quá trình điều trị như quên thuốc, tác dụng phụ,…là vô cùng cần thiết.
Hiện nay nhu cầu bệnh nhân HIV/AIDS cần được điều trị ARV rất lớn trong khi nguồn thuốc còn hạn chế. Mặt khác ARV là loại thuốc có nhiều tác dụng phụ vì vậy cần lưu ý một số điểm sau trong điều trị bằng ARV:
Chỉ dùng cho bệnh nhân “Có chỉ định” vì không phải tất cả mọi người có HIV đều có chỉ định điều trị bằng ARV. Chỉ định điều trị phải dựa vào giai đoạn lâm sàng hoặc số tế bào lympho, CD4 hoặc đề điều trị dự phòng phơi nhiễm, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Một số tác dụng phụ hay gặp khi dùng ARV và cách hạn chế tác dụng phụ
Đau đầu: có thể gặp khi trong phác đồ điều trị có các loại thuốc như: ZDV, lamivudin (3TC), IDV, SQV, LPV. Có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol để giảm bớt đau đầu cho người bệnh.
Buồn nôn: hay gặp khi dùng các thuốc: zidovudin (ZDV), stavudin (d4T); didanosin (ddI); abacavir (ABC); tenofovir (TDF); indinavir (IDV); saquinavir (SQV); lopinavir (LPV); ritonavir (RTV). Để hạn chế tác dụng phụ này, có thể cho uống thuốc trong bữa ăn. Tuy nhiên, IDV và ddI không nên dùng trong bữa ăn vì ảnh hưởng tới hấp thu và chuyển hóa thuốc.
Đau bụng, khó chịu ở bụng: thường gặp khi dùng các loại thuốc sau: ddI, ABC, SQV cần theo dõi kỹ, nếu đau liên tục cần tới cơ sở y tế nơi cấp thuốc để được hướng dẫn thêm, thậm chí phải thay thế thuốc khác hoặc đổi phác đồ.
Tiêu chảy: thường gặp khi dùng các thuốc: TDF, SQV, LPV, RTV. Khi bị tiêu chảy cần bù nước điện giải đầy đủ bằng đường uống (oresol) hoặc đường truyền nếu nặng. Có thể phải dùng các thuốc chống tiêu chảy để hạn chế tiêu chảy tạm thời.
Rối loạn giấc ngủ, ác mộng: hay gặp biểu hiện này khi dùng các thuốc sau: EFV, 3TC. Nên dùng vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Các triệu chứng này thường không kéo dài. Có thể dùng các loại thuốc an thần, thuốc hỗ trợ để ngủ tốt hơn.
Nổi ban đỏ, ngứa: các loại thuốc như ddI, 3TC, ABC, EFV, NVP, LPV có thể gây dị ứng. Nhẹ thì có biểu hiện ban đỏ rải rác, ngứa… hết khi điều trị bằng kháng histamin; nhưng cũng có thể bị dị ứng nặng như hội chứng Stevens Johnson, Lyell có thể đe dọa tính mạng (có thể gặp khi dùng các thuốc: EFV, NVP). Khi bị dị ứng thuốc nặng cần ngừng thuốc ngay và điều trị tích cực tại các trung tâm y tế có đủ điều kiện.
Một số độc tính, tác dụng phụ khác của thuốc ARV có thể gặp khi điều trị
Bệnh lý thần kinh ngoại vi: biểu hiện rối loạn cảm giác ngoại vi, chủ yếu đầu chi, đi lại khó khăn. Thường gặp khi dùng d4T, ddI, các thuốc kháng retrovirus non-nucleosid. Cần dùng vitamin B liều cao, nếu nặng phải thay thế thuốc.
Độc với thần kinh trung ương: EFV biểu hiện lẫn lộn, rối loạn tâm thần, trầm cảm. Cần dừng và thay thế thuốc khi bệnh nhân có vấn đề về tâm thần kinh.
Viêm tụy: gặp khi dùng ddI, d4T. Cần dừng ngay thuốc và thay bằng ZDV.
Độc cho gan: NPV, EFV, ZDV và thuốc ức chế protease rất độc với gan, gây hủy hoại tế bào gan, tăng men gan. Cần ngừng thuốc nếu có tăng men gan gấp 5 lần bình thường.
Phân bố lại mỡ: khi dùng ddI, thuốc ức chế protease. Biểu hiện tăng tích tụ mỡ ở ngực, bụng, lưng, gáy; teo mô mỡ ở cánh tay, cẳng chân, mông, má.
Benh.vn (Theo BV Bạch Mai)