Chúng ta thường cho rằng sự phát triển của trẻ sinh thường và trẻ sinh mổ (hay còn được gọi là mổ lấy thai) không có gì khác biệt. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây tại Phần Lan cho thấy cách trẻ sinh ra ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ miễn dịch ở trẻ. So với trẻ sinh thường, trẻ sinh mổ bị thiệt thòi do hệ vi sinh đường ruột phát triển chậm hơn.
Hệ vi khuẩn chí đóng vai trò quan trọng
Các nhà nghiên cứu tin rằng, quá trình chuyển dạ “đánh thức” hệ miễn dịch của bé. Trẻ khi sinh ra, trong quá trình chui qua ống sinh của mẹ, đã được tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể mẹ và qua đó, kích thích sự khu trú các vi khuẩn tốt trong ruột của bé. Càng có nhiều vi khuẩn tốt trong ruột, hệ miễn dịch của bé càng được kích hoạt và huấn luyện sớm giúp bé mạnh khỏe.
Trẻ sinh bằng phương pháp sinh mổ sẽ không trải qua sự tiếp xúc này, và phần lớn trẻ phải cần tới 6 tháng để đạt được số lượng vi khuẩn tốt mà trẻ sinh mổ chỉ cần mất 10 ngày đã có được. Bên cạnh đó, với trẻ đẻ mổ, các vi khuẩn mà trẻ tiếp nhận được không phải là vi khuẩn từ âm đạo của bà mẹ mà có nguy cơ tiếp nhận những loại vi khuẩn có hại, các vi khuẩn không thực sự thân thiện với trẻ. Đó có thể là lý do vì sao trẻ sinh mổ thường dễ bị các bệnh nhiễm trùng và dị ứng hơn những trẻ được sinh thường.
Tăng cường bảo vệ miễn dịch cho trẻ nhờ nguồn sữa mẹ
Tạo hóa luôn cung cấp giải pháp tuyệt với và sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ không những chứa hỗn hợp hoàn hảo các chất đạm, các vitamin và khoáng chất cho nhu cầu phát triển của trẻ.
Theo nghiên cứu năm 2007 của tác giả Perez và cộng sự, sữa mẹ còn chứa một lượng các vi khuẩn tốt như bifidobacteria và lactobacillii có lợi cho tăng cường bảo vệ miễn dịch cho trẻ. Những vi khuẩn này qua sữa mẹ vào cơ thể bé trực tiếp, từ đó giúp kích hoạt bảo vệ miễn dịch sau sinh cho trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa các oligosaccharides và các yếu tố khác giúp tăng cường sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột ở trẻ nhỏ.
Vì thế, sữa mẹ là tốt nhất cho tất cả các trẻ kể cả trẻ sinh thường và sinh mổ. Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ có thể bị thiệt thòi vì thiếu hụt các vi khuẩn có lợi này.
ThS.Bs Đỗ Thị Lan Hương