Trẻ nhỏ thường chưa ý thức được những việc mình làm nên đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe thậm trí tính mạng của bé như uống nhầm thuốc sâu, thuốc diệt chuột… Vì vậy gia đình có trẻ nhỏ cần giám sát con thật chặt chẽ.
Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi bị viêm phổi nặng do uống dầu máy khâu phải đưa lên cấp cứu tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai do sự tắc trắc của người lớn.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, mẹ bé làm thợ may. Hàng ngày, ống dầu máy khâu vẫn được để ngay trên bàn để thỉnh thoảng chị tra dầu vào máy. Hôm đó, bé cầm ống dầu chơi, cho vào miệng nhưng cũng chẳng ho hắng gì.
Vì gia đình không biết con ngậm, nuốt phải dầu máy khâu nên đến khi thấy con sốt, ho ngày càng nhiều, đưa vào viện thì đã ở trong tình trạng viêm phổi rất nặng. Điều trị tại bệnh viện địa phương mấy ngày không đỡ, bệnh nhi đã được chuyển lên khoa Nhi BV Bạch Mai. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân viêm phổi rất nặng, co rút lồng ngực và phải trải qua 2 tuần điều trị, tình trạng mới ổn định.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo
“Thời gian qua khoa tiếp nhận nhiều trường hợp viêm phổi do uống nhầm hóa chất. Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi bị viêm phổi nặng do uống dầu máy khâu. Các trường hợp viêm phổi do uống xăng, dầu hỏa, dầu máy các loại rất nguy hiểm nhưng lại gặp khá phổ biến, vì thói quen chứa những chất này trong các chai, lọ thực phẩm như chai nước lọc, trà xanh nên trẻ nhầm tưởng là đồ uống được.
Những bệnh nhi viêm phổi do uống nhầm hóa chất, xăng dầu thường phải nằm điều trị hàng tuần, hơn nữa, việc điều trị rất khó khăn
Xăng, dầu đều là những chất bay hơi nên khi uống phải, trẻ thường bị biến chứng viêm phổi do hít phải hơi xăng dầu. Cũng có trẻ, khi uống nhầm, sặc, gây nôn ọe khiến trẻ hít phải thức ăn trào ngược từ dạ dày gây viêm phổi. Đặc biệt với dầu máy khâu, dầu luyn rất nguy hiểm bởi dầu là chất nhờn, quánh, không lỏng như xăng.
Một vài giọt dầu chui vào trong phổi có thể bít tắc các nhánh phế quản nhỏ, gây xẹp phổi, hoại tử từng vùng. Những bệnh nhi viêm phổi do uống nhầm hóa chất, xăng dầu thường phải nằm điều trị hàng tuần, hơn nữa, việc điều trị rất khó khăn.
Vì vậy, khi thấy con uống nhầm, bố mẹ tuyệt đối không gây nôn vì trẻ hít phải chất nôn rất nguy hiểm.
Lời kết
Để phòng nguy cơ ngộ độc xảy ra với trẻ, người lớn cần bỏ thói quen tận dụng chai lọ đựng thực phẩm để hóa chất, dung dịch nguy hiểm. Lưu ý, những dung dịch này cũng phải cất kỹ và để xa tầm với của trẻ.
Đối với các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Benh.vn