Trong một quả trứng vịt lộn cung cấp khoảng 182 kcal năng lượng, 13.6 g protein, 12.4 g lipit, 82 mg canxi, 212 mg phốtpho, 600 mg cholesterol…
Mục lục
Không chỉ vậy, trứng vịt lộn cũng chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe như vitamin A, B, C…Thậm chí, hàm lượng chất sắt trong trứng vịt lộn còn nhiều hơn trong trứng gà. Nhưng bà bầu nên lưu ý ăn với lượng vừa đủ bởi nếu ăn quá nhiều có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Thực hư lời đồn quanh việc bà bầu ăn trứng vịt lộn
“Ăn trứng vịt lộn khi mang thai sinh con nhiều tóc”, “ăn trứng vịt lộn khi mang thai, bé sinh ra chân dài” hay “ăn trứng vịt lộn khi mang thai con sinh ra da trắng” là những lời “đồn thổi” xung quanh chuyện bà bầu ăn trứng vịt lộn. Vậy thực hư những quan niệm này như thế nào?
Theo bác sĩ Lê Quang Hào – Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tất cả quan niệm trên chỉ đúng một phần nhỏ và các bà bầu cần cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng. Trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng nhưng ăn nhiều không phải là tốt.
(Ảnh minh họa)
“Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì 100 gram phần ăn được của trứng vịt lộn có 182 kcal năng lượng; 13,6g protein; 12,4g lipit; 82mg canxi; 212mg phốtpho;… Đặc biệt, có nhiều betacaroten (435µg); vitamin A (875µg) – đây là vitamin có thể gây nguy hiểm cho thai nhi nếu ăn nhiều.
Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Việt Nam thì bà bầu không được ăn quá 200 µg vitamin A mỗi ngày và trên thế giới, người ta không khuyến nghị bà bầu dùng vitamin này trong thai kỳ, đặc biệt 3 tháng đầu.”, bác sĩ Hào chia sẻ.
Lưu ý khi bà bầu ăn trứng vịt lộn
Mặc dù trứng vịt lộn giàu dinh dưỡng nhưng nếu lạm dụng ăn quá nhiều sẽ có thể dẫn đến nguy cơ cho bà bầu. Theo bác sĩ Lê Quang Hào chia sẻ, bà bầu có thể ăn một tuần một quả trứng vịt lộn trong thời kỳ mang thai. Ba tháng đầu thai kỳ, bà bầu không được lạm dụng ăn quá nhiều trứng vịt lộn có thể dẫn đến nguy cơ xấu cho thai nhi.
Ăn trứng vịt lộn nhiều khi mang thai sẽ dẫn đến nguy cơ nguy hiểm cho thai nhi. (Ảnh minh họa)
“Bà bầu ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ dẫn đến nguy cơ nguy hiểm cho thai nhi. Trong trứng vịt lộn hàm lượng vitamin A cao bởi vậy ăn nhiều và ăn thường xuyên sẽ khiến lượng vitamin A dư thừa, có thể gây ra những vấn đề cho thai nhi, ví dụ dị dạng thai nhi. Vì vậy, bà bầu có thể ăn trứng vịt lộn nhưng một tuần chỉ nên ăn một quả, cùng lắm là 2 quả, không được ăn nhiều đặc biệt trong 3 tháng đầu”.
Ngoài các chất trong dinh dưỡng hiện đại thì trong Đông y, trứng vịt lộn còn giúp làm tăng hoóc mon sinh dục, giúp sinh lý của nam giới cũng như nữ giới mạnh mẽ hơn. Vì vậy người ta thường sử dụng rau răm và gừng khi ăn trứng vịt lộn để cân bằng các yếu tố.
Bà bầu khi nào có thể ăn trứng vịt lộn
Tuy nhiên bà bầu nên ăn trứng vịt lộn với rau răm và gừng giai đoạn cuối thai kỳ sẽ tốt hơn. Thời gian đầu thai kỳ là giai đoạn thai nhi hình thành các bộ phận trong cơ thể nên việc lạm dụng trứng vịt lộn, có thành phần betacaroten, lượng vitamin A quá cao hay ăn cùng với rau răm có thể gây ảnh hưởng đến thai kỳ.”, bác sĩ Hào cho biết.
Cũng theo bác sĩ Hào tư vấn, bà bầu nên ăn cân đối và đa dạng các loại thức ăn, không nên ăn nhiều một loại bởi điều đó sẽ dẫn đến dư thừa chất hoặc thiếu chất. Bà bầu cần bổ sung đầy đủ các chất như canxi, kẽm, sắt, axit folic,… trong thời gian mang thai. Trứng vịt lộn là thức ăn tốt cho sức khỏe nhưng bà bầu cần ăn đúng để tránh dẫn đến nguy cơ về vấn đề cho thai nhi.
3 nguyên tắc cần nhớ về dinh dưỡng khi mang thai
Nên ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm và ăn theo nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn không cần phải ăn quá nhiều, chủ yếu bổ sung thêm các loại vitamin và chất khoáng như axit folic, vitamin A, canxi, sắt… Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, mỗi ngày nên tăng thêm khoảng 300 calo trong thực đơn dinh dưỡng.
Nên tránh xa các loại thực phẩm gây hại cho mẹ bầu như thực phẩm chưa nấu chín kỹ, các chất kích thích như rượu, bia, cà phê…