Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội vừa phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện tổ chức đợt kiểm tra vệ sinh bể bơi trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá chung của Trung tâm, còn một số điểm chưa đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng dịch vụ.
Nếu nước bể bơi không được khử trùng tốt làm gia tăng lây nhiễm các bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp, bệnh ngoài da (Ảnh minh họa)
Trong 33 bể bơi được kiểm tra đợt này, các bể bơi được xây dựng ngoài trời, có mặt bằng thoáng rộng, có hệ thống cây xanh hoặc mái che nắng, không có rác tồn đọng xung quanh, hệ thống cống rãnh thông thoáng và đảm bảo sạch sẽ. Các bể bơi đều có cơ sở vật chất đầy đủ như phòng thay đồ, nơi tắm cho nam nữ riêng biệt, có hệ thống tắm cưỡng bức trước khi xuống bể, chế độ trực cấp cứu liên tục, đội ngũ nhân viên cứu hộ có chuyên môn nghiệp vụ…
Nguồn nước sử dụng đa số là nước máy và được lọc theo hệ thống tuần hoàn của công nghệ nước ngoài với đồng hồ báo chỉ số hoá chất khử trùng. Tại các bể bơi Công viên Tuổi trẻ, Công viên nước Hồ Tây, khách sạn Kim Liên, CLB Ba Đình, Sao Mai, làng quốc tế Thăng Long, công tác khử trùng nước bể bơi tốt… Hầu hết đều sử dụng hoá chất javel hoặc clo dưới dạng viên hoặc bột để khử trùng nước. Một vài nơi đã dùng hoá chất đặc hiệu khử cặn lắng rêu, tảo như bể bơi Kim Liên, Công ty Chỉnh hình Hà Nội, Fafilm, Sao Mai, làng quốc tế Thăng Long.
Tuy nhiên, những bể bơi thu hút nhiều người nhất lại nằm trong số những bể còn yếu về chất lượng phục vụ như Tăng Bạt Hổ, Công viên Cầu Đôi, bể bơi Nhà Văn hoá Hoàn Kiếm, Bách khoa, Xí nghiệp Cung ứng Hàng không… Ở những điểm này, khu phụ trợ như nhà tắm, nhà vệ sinh chưa sạch sẽ, tồn đọng rác, rêu bám. Tại các bể bơi như Công viên Cầu Đôi, Xí nghiệp Cung ứng Hàng không, Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội, quán Trúc Sơn… công tác khử trùng chưa đều, nồng độ clo dư trong nước không có hoặc có thì lại quá cao, ảnh hưởng không tốt đến da và mắt của người bơi.
Nếu nước bể bơi không được khử trùng, một số bệnh lây lan qua đường nước có cơ hội phát triển như các bệnh về đường tiêu hoá (tả, lỵ, thương hàn), các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng), các bệnh về mắt, tai, mũi, họng và các bệnh ngoài da. Trong tổng số mẫu xét nghiệm nước tại các bể bơi có 11/38 mẫu đạt kết quả xét nghiệm hoá học, 29/36 mẫu đạt xét nghiệm vi sinh, 23/38 mẫu đạt xét nghiệm clo dư.
Để đảm bảo sức khoẻ cho người đến bơi, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khuyến cáo bể bơi nên duy trì tốt các chế độ vệ sinh ngoại cảnh, môi trường, đặc biệt luôn quan tâm chế độ khử trùng nước bằng hoá chất kịp thời để đảm bảo hợp vệ sinh. Với những bể bơi còn dùng nước giếng khoan và thay nước toàn bộ nên thường xuyên tổng vệ sinh khu vực giếng nước dàn mưa, bể lắng lọc và nâng cấp một số bể đã xuống cấp.
Khuyến cáo người dùng
Mùa hè, bệnh dịch sẽ phát triển nhiều, khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh, biết tự bảo vệ bản thân và gia đình khi tham gia các dịch vụ công cộng