Tên chung quốc tế: Carbamazepine.
Loại thuốc: Chống động kinh
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 200 mg. Viên nhai: 100 mg; 200 mg. Viên giải phóng chậm: 100 mg; 200 mg; 400 mg. Hỗn dịch uống: 100 mg/5 ml.
Ðạn trực tràng 125 mg, 250 mg.
Cơ chế tác dụng
Carbamazepin có liên quan hóa học với các thuốc chống trầm cảm ba vòng. Cơ chế tác dụng tuy vậy vẫn còn chưa biết đầy đủ. Tác dụng chống co giật liên quan đến giảm tính kích thích nơron và chẹn sinap, chủ yếu bằng cách hạn chế nơron duy trì sự khởi động liên tiếp, ở tần số cao, điện thế hoạt động và bằng cách tác động ở trước sinap để chẹn giải phóng chất dẫn truyền thần kinh, điều này làm giảm dẫn truyền qua sinap.
Carbamazepin có tác dụng chống các cơn đau kịch phát ở người bệnh đau dây thần kinh tam thoa, người đang cai rượu và bị động kinh.
Carbamazepin làm tăng ngưỡng động kinh, làm giảm nguy cơ co cứng và giảm các triệu chứng cai nghiện rượu.
Dược động học
Sau khi uống, carbamazepin hầu như được hấp thu hoàn toàn, tuy chậm và thất thường. Nồng độ đỉnh huyết thanh đạt được sau khi uống 4 – 8 giờ. Thuốc được hấp thu nhanh khi uống dịch treo (hỗn dịch); với liều 500 mg uống lúc đói có nồng độ đỉnh huyết thanh 7,9 ± 1,9 mg/lít sau 1,6 ± 1,3 giờ, hoặc sau 3,4 ± 3,4 giờ khi có thức ăn ở đường ruột. Nồng độ đỉnh huyết thanh 5,1 ± 1,6 mg/lít đạt được sau 6,3 ± 1,5 giờ khi cho qua đường trực tràng liều 6 mg/kg hỗn dịch uống (100 mg/5 ml) pha loãng với cùng thể tích nước. Khi dùng viên giải phóng chậm, một lần hoặc nhiều lần, nồng độ đỉnh hoạt chất trong huyết tương thấp hơn dùng viên thuốc thông thường khoảng 25% và đạt trong vòng 24 giờ.
Từ 75 đến 78% thuốc gắn vào protein huyết tương. Thể tích phân bố (Vd): 0,88 ± 0,06 lít/kg ở người lớn và 1,2 ± 0,2 lít/kg ở trẻ em.
Carbamazepin chuyển hóa ở gan tạo thành carbamzepin – 10, 11 – epoxid cũng có hoạt tính giống như hợp chất mẹ và có nửa đời từ 10 đến 20 giờ. ở người lớn, chất chuyển hóa epoxid có trong máu với nồng độ từ 10 đến 15% nồng độ của hợp chất mẹ, còn ở trẻ em, tỷ lệ là 20%. Epoxid có thể gây độc thần kinh, đặc biệt khi dùng thuốc đồng thời với phenytoin hoặc phenobarbital, và việc tăng tỷ lệ epoxid hợp chất mẹ có thể giải thích độc tính thần kinh của carbamazepin ở nồng độ điều trị trong huyết thanh.
Vì carbamazepin tự gây chuyển hóa cho bản thân, nên nửa đời của thuốc sau 1 liều đơn (31 đến 35 giờ) dài hơn nhiều so với nửa đời của thuốc ở trạng thái ổn định (10 đến 20 giờ). Quá trình tự cảm ứng này mất khoảng 4 tuần. Epoxid chuyển hóa thành hợp chất bất hoạt và đào thải vào nước tiểu. Chỉ có 3% carbamazepin bài tiết không thay đổi trong nước tiểu. 15% thuốc tìm thấy trong phân dưới dạng không đổi.
Chỉ định
Bệnh động kinh: Ðộng kinh cục bộ có triệu chứng phức tạp (động kinh tâm thần vận động và động kinh thùy thái dương). Người động kinh loại này tỏ ra đáp ứng tốt với thuốc hơn các loại động kinh khác. Ðộng kinh lớn (co giật cứng toàn bộ). Các kiểu động kinh hỗn hợp gồm các loại trên, hoặc các loại động kinh cục bộ hoặc toàn bộ khác. Cơn vắng ý thức (động kinh nhỏ) không đáp ứng với carbamazepin.
Ðau dây thần kinh tam thoa: Giảm đau do dây thần kinh tam thoa thực sự, và giảm đau dây thần kinh lưỡi hầu.
Chỉ định khác: Dự phòng bệnh hưng – trầm cảm {không đáp ứng với liệu pháp thông thường (thí dụ với lithi, thuốc chống loạn tâm thần)}. Ðiều trị hội chứng cai rượu. Giảm đau do thần kinh.
Chống chỉ định
Loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính, quá mẫn với carbamazepin hoặc dị ứng với các thuốc có cấu trúc liên quan như các thuốc chống trầm cảm ba vòng, bloc nhĩ – thất, người có tiền sử loạn tạo máu và suy tủy.
Thận trọng
Người cao tuổi và người tăng nhãn áp, bệnh tim mạch nặng, bệnh gan hoặc thận.
Tránh dùng đồng thời với thuốc ức chế (IMAO). Ít nhất phải sau 14 ngày ngừng điều trị IMAO, người bệnh mới có thể được sử dụng carbamazepin.
Cần thận trọng khi ngừng liệu pháp carbamazepin ở người động kinh.
Thời kỳ mang thai
Người ta nghi carbamazepin gây tật nứt đốt sống (spina bifida). Ðã gặp các dị tật ngón tay, ngón chân, dị hình xương sọ – mặt, bất thường về tim ở người dùng thuốc chống động kinh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Việc điều trị phối hợp với các thuốc chống co giật khác làm tăng nguy cơ quái thai. Tuy nhiên, nếu không duy trì được sự kiểm soát các cơn động kinh có hiệu quả thì cũng sẽ làm tăng nguy cơ cho cả mẹ lẫn con. Ðó có thể là một mối đe dọa lớn hơn cả nguy cơ khuyết tật cho sơ sinh. Ðiều này phải được cân nhắc kỹ khi điều trị động kinh trong lúc mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Carbamazepin tích lũy trong sữa mẹ (bằng khoảng 25 – 60% nồng độ carbamazepin huyết tương), nhưng nguy cơ trên trẻ đang bú mẹ là rất thấp ở liều dùng thông thường. Bà mẹ dùng carbamazepin có thể cho con bú, miễn là đứa trẻ phải được theo dõi các tai biến không mong muốn (thí dụ ngủ li bì).
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các ADR thường bắt đầu xảy ra là các triệu chứng về thần kinh trung ương. Các ADR gặp nhiều nhất thường liên quan đến liều dùng. Các phản ứng ở da gặp với tỷ lệ 4 – 6%.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Chóng mặt.
Máu: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin.
Thần kinh trung ương: Mất điều hòa, mệt mỏi, ngủ gà.
Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, táo bón, khô miệng, kích ứng trực tràng nếu dùng đạn trực tràng.
Da: Thoát dịch dưới da, nổi ban và ngứa.
Gan: Tăng transaminase có hồi phục.
Mắt: Khó điều tiết, nhìn một thành hai.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Nhức đầu.
Máu: Tăng bạch cầu.
Thần kinh trung ương: Ðộng tác bất thường, run, loạn vận động, loạn trương lực cơ, máy cơ, rung giật nhãn cầu.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Máu: Mất bạch cầu hạt, giảm toàn bộ các tế bào máu, suy tủy, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, tăng hồng cầu lưới.
Tuần hoàn: Các tác dụng trên tim như bloc nhĩ – thất và nhịp tim chậm, các tai biến huyết khối tắc mạch, suy tim, hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, viêm tắc tĩnh mạch và làm nặng thêm chứng thiếu máu cục bộ mạch vành.
Thần kinh trung ương: Nói khó, rối loạn vận nhãn, viêm thần kinh ngoại vi, dị cảm, viêm màng não vô khuẩn.
Nội tiết: Chứng vú to ở nam giới, tăng tiết sữa.
Tiêu hóa: Thay đổi vị giác, viêm lưỡi, viêm miệng, đau bụng.
Da: Hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens – Johnson, viêm da tróc vẩy, hội chứng Lyell, rụng tóc, hồng ban nút, rậm lông, thay đổi sắc tố da, ngứa, trứng cá, ban xuất huyết, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng.
Gan: Viêm gan.
Hô hấp: Các phản ứng quá mẫn ở phổi, kể cả hen.
Chuyển hóa: Giảm năng tuyến giáp, tăng lipid máu, loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
Tâm thần: Lú lẫn hoặc kích hoạt các bệnh tâm thần khác, kích động, bồn chồn, hung hăng hoặc trầm cảm.
Cơ xương: Ðau cơ, đau khớp, tăng cơn co giật.
Sinh