Tên chung quốc tế: Chlorpromazine hydrochloride.
Loại thuốc: Chống loạn thần, chống nôn, chống loạn vận động.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 10 mg, 25 mg, 50 mg, 100 mg, 200 mg. Viên nang giải phóng thuốc kéo dài: 30 mg, 75 mg, 150 mg, 200 mg, 300 mg.
Dung dịch uống: 30 mg/ml; 40 mg/ml; 100 mg/ml. Sirô: 10 mg/5 ml, 25 mg/5 ml, 100 mg/5 ml. Ống tiêm: 25 mg/1 ml.
Thuốc đạn: 25 mg, 100 mg.
Cơ chế tác dụng
Clorpromazin là một dẫn chất của phenothiazin với tác dụng chính là hướng thần, ngoài ra, thuốc có tác dụng an thần, chống nôn, kháng histamin và kháng serotonin.
Thuốc chống loạn thần là những chất đối kháng dopamin, đó là các thuốc chẹn thụ thể D2 – dopamin ở các đường thể vân liềm đen (hạch đáy não), củ phễu (hạ khâu não tới tuyến yên), giữa vỏ và giữa hồi viền của não, ngoài ra còn đối kháng cả các thụ thể dopamin của hành tủy và phần trước hạ khâu não.
Tác dụng chống loạn thần là do khả năng chẹn các thụ thể D2 của vùng giữa vỏ não và giữa hồi viền.
Tác dụng chống nôn là do chẹn các thụ thể dopamin ở vùng kích thích thụ thể hóa học của tủy và do phong bế dây thần kinh phế vị đường tiêu hóa. Tác dụng này có thể được tăng cường bởi các tác dụng an thần, kháng cholinergic và kháng histamin của các phenothiazin.
Tác dụng an thần và bình thản là do khả năng chẹn alpha – adrenergic và đối kháng thụ thể histamin H1 của phenothiazin.
Sự chẹn thụ thể D2 của các thuốc chống loạn thần ở tuyến yên (đường củ phễu) còn duy trì tăng tiết prolactin kéo dài dẫn đến tiết nhiều sữa, chứng to vú ở đàn ông, rối loạn kinh nguyệt và loạn chức năng tình dục.
Có sự liên quan rõ rệt giữa ái lực trên thụ thể D2 với hiệu lực của các thuốc chống loạn thần về mặt liều dùng hàng ngày. Có lẽ sự phát sinh của các tác dụng thứ phát ngoại tháp (loạn trương lực cơ cấp, hội chứng Parkinson, bồn chồn không yên) liên quan với hiệu lực của thụ thể D2 ở thể vân liềm đen tương ứng với hiệu lực của D2 ở giữa vỏ và giữa hồi viên. Với clorpromazin liều có tác dụng chẹn D2 của hạch đáy não cũng là liều cần thiết chẹn D2 của giữa hồi viên, do đó có nguy cơ tác dụng thứ phát ngoại tháp cao.
Dựa trên các ái lực liên kết tương đối (là tỉ lệ giữa các ái lực liên kết của thụ thể thần kinh khác đối với ái lực liên kết của thụ thể D2) người ta có thể dự đoán được khả năng gây ra các tác dụng thông qua thụ thể đó ở những liều chống loạn thần hữu hiệu trong lâm sàng và trường hợp quá liều. Hiệu lực tương đối có liên quan trực tiếp tới khả năng gây hạ huyết áp thế đứng, nhịp tim nhanh phản xạ và co đồng tử.
Các thuốc chống loạn thần liên kết và đối kháng với thụ thể muscarin M1 – acetylcholin. Hiệu lực tương đối liên quan trực tiếp tới khả năng dẫn nạp các dấu hiệu kháng cholinergic (an thần, hoang tưởng, ảo giác, giãn đồng tử, nhìn mờ, mạch nhanh, tăng thân nhiệt, đỏ da, khô da, khô miệng, bí tiểu tiện, tắc ruột) và ngược lại với tần suất các tác dụng thứ phát hội chứng ngoại tháp. Các tác dụng thứ phát ngoại tháp xảy ra khi tác dụng dopaminergic giảm liên quan với tác dụng cholinergic ở hạch đáy não. Các thuốc có hiệu lực dopaminergic cao so với ái lực cholinergic sẽ có khả năng dẫn nạp tác dụng thứ phát ngoại tháp nhiều hơn.
Clorpromazin và các thuốc có tác dụng đối kháng cholinergic cao sẽ có khả năng gây tác dụng thứ phát ngoại tháp ít hơn.
Dược động học
Clorpromazin được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh huyết tương đạt được sau khi uống từ 2 đến 4 giờ. Thuốc được chuyển hóa nhiều ở gan và bài tiết qua nước tiểu và mật ở dạng các chất chuyển hóa có và không hoạt tính.
Nồng độ trong huyết tương sau khi uống thấp hơn nhiều so với sau khi tiêm bắp. Nửa đời trong huyết tương khoảng 30 giờ, thuốc gắn mạnh với protein huyết tương (khoảng 95 tới 98%). Thuốc được phân bố rộng rãi trong cơ thể, qua được hàng rào máu – não và đạt được nồng độ trong não cao hơn trong huyết tương.
Clorpromazin và các chất chuyển hóa cũng đi qua hàng rào nhau thai và tiết vào sữa mẹ.
Chỉ định
Các thuốc chống loạn thần chủ yếu được dùng để điều trị các bệnh loạn thần không thuộc dạng trầm cảm.
Các chỉ định của clorpromazin là:
Tất cả các thể tâm thần phân liệt. Giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực.
Buồn nôn, nôn. Các chứng nấc khó chữa trị.
An thần trước phẫu thuật. Bệnh porphyrin cấp gián cách.
Bệnh uốn ván (là một thuốc hỗ trợ trong điều trị).
Chống chỉ định
Người bệnh ngộ độc các barbiturat, các opiat và rượu. Người bệnh có tiền sử giảm bạch cầu hạt, rối loạn máu, nhược cơ.
Thận trọng
Người bệnh suy tim và suy tuần hoàn có nguy cơ đặc biệt bị các phản ứng không mong muốn của thuốc và cần hết sức thận trọng khi sử dụng clorpromazin cho những người bệnh có nguy cơ loạn nhịp.
Người bệnh bị xơ cứng động mạch, bệnh gan, bệnh thận, co cứng và động kinh cũng dễ bị các tác dụng có hại của thuốc.
Ðối với những người cao tuổi phải giảm liều do có nguy cơ cao bị các tác dụng không mong muốn, thường chỉ dùng từ 1/4 đến 1/2 liều của người trưởng thành.
Các thuốc có tác dụng kháng cholinergic, đặc biệt, có nguy cơ cao gây tác dụng có hại đối với hệ thần kinh trung ương ở người bệnh sa sút trí tuệ và người bệnh có tổn thương não.
Thời kỳ mang thai
Dùng clorpromazin và các thuốc an thần kinh khác trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể gây tác dụng có hại về thần kinh cho trẻ sơ sinh là các rối loạn ngoại tháp. Các tác dụng này thường hồi phục, nhưng cũng có thể rất nặng. Vì nguy cơ đó, tránh dùng thuốc an thần kinh ở 3 tháng cuối của thai kỳ.
Thời kỳ cho con bú
Vì clorpromazin tiết vào sữa và có khả năng gây các phản ứng có hại nguy hiểm cho trẻ bú mẹ, do đó nếu người mẹ khi dù