Tên chung quốc tế: Dantrolene.
Loại thuốc: Thuốc trực tiếp giãn cơ vân.
Dạng thuốc và hàm lượng
Nang uống: 25 mg, 50 mg, 100 mg.
Lọ bột tiêm: Chứa một hỗn hợp đông khô vô khuẩn có 20 mg natri dantrolen, 3 g manitol và natri hydroxid vừa đủ để có pH khoảng 9,5 khi pha với 60 ml nước pha tiêm vô khuẩn.
Cơ chế tác dụng
Natri dantrolen là một thuốc giãn cơ tác dụng trực tiếp trên cơ vân. Thuốc làm mất tính co cơ khi bị kích thích, có thể do cản trở lưới cơ tương giải phóng calci. Do đó, ở nguời bị tổn thương nơron vận động ở vỏ não thuốc làm giảm co cơ do kích thích trực tiếp hoặc thông qua phản xạ đi qua một hoặc nhiều sinap. Ở người bị sốt cao ác tính do gây mê, thuốc có thể ngăn ngừa dị hóa cấp trong tế bào cơ vân. Thuốc không có tác dụng trên hoạt động điện ở chỗ nối thần kinh – cơ hoặc trong cơ, cũng như không tác động đến tốc độ tổng hợp hoặc giải phóng acetylcholin. Tác dụng phụ đến hệ thần kinh trung ương như buồn ngủ, chóng mặt, có thể gián tiếp do giảm hoạt động cơ vân. Ở liều điều trị có hiệu quả, thuốc ít hoặc không tác động đến cơ trơn của tim hoặc ruột.
Dược động học
Khoảng 35% liều uống được hấp thu qua đường tiêu hóa. Nửa đời hấp thu khoảng 1,1 giờ ở người lớn và 1,4 giờ ở trẻ em. ở người có tổn thương nơron vận động ở vỏ não, hiệu quả của thuốc có thể không rõ ràng trong vòng một tuần hoặc hơn, sau khi cho điều trị với liều uống ban đầu thông thường. Nồng độ thuốc và các chất chuyển hóa có hiệu quả điều trị trong máu biến đổi tùy theo người bệnh, từ 100 – 600 nanogam/ml hoặc hơn. Nồng độ đỉnh thường đạt được khoảng 5 giờ sau khi uống. Khi truyền tĩnh mạch, nồng độ thuốc trong máu giữ ở xấp xỉ mức ổn định trong 3 giờ hoặc hơn sau khi truyền xong. Dantrolen gắn nhiều với protein huyết tương.
Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan thành các chất chuyển hóa hydroxyl hóa và acetamid hóa có tác dụng giãn cơ nhẹ. Thuốc bài tiết qua nước tiểu, chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa và một lượng nhỏ dạng không biến đổi; một số bài tiết qua mật. Nửa đời đào thải sau khi uống khoảng 9 giờ.
Chỉ định
Natri dantrolen được dùng uống để điều trị triệu chứng giảm nhẹ tình trạng co cứng cơ mạn tính do tổn thương nơron vận động ở vỏ não như bệnh xơ cứng rải rác, bại não, tổn thương tủy sống và hội chứng đột quỵ.
Thuốc không có chỉ định điều trị co cơ do bệnh thấp khớp hoặc chấn thương cơ xương và thuốc không có tác dụng trong điều trị bệnh xơ cứng cột bên teo cơ.
Thuốc cũng được tiêm tĩnh mạch cùng với các biện pháp hỗ trợ để điều trị cơn sốt cao ác tính.
Chống chỉ định
Chống chỉ định dùng natri dantrolen trong trường hợp co cứng cơ cấp tính hoặc có bệnh gan đang tiến triển như viêm gan và xơ gan.
Thận trọng
Phải thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh có tiền sử bệnh gan hoặc suy chức năng tim nặng do bệnh cơ tim hoặc suy chức năng phổi (đặc biệt người bị bệnh phổi tắc nghẽn). Phải xét nghiệm chức năng gan cho mọi người bệnh trước và trong khi điều trị; nếu trị số tăng, thường phải ngưng thuốc. Nguy cơ tổn thương gan có thể tăng ở người trên 30 tuổi, ở nữ và ở người dùng liều trên 300 mg mỗi ngày.
Thuốc có thể gây buồn ngủ, người bệnh không được lái xe hoặc điều khiển máy. Tác dụng này có thể kéo dài tới 2 ngày sau khi tiêm tĩnh mạch.
Thời kỳ mang thai
Thuốc qua nhau thai dễ dàng. Tính an toàn của thuốc trong thời kỳ mang thai chưa được xác định rõ. Không nên dùng thuốc cho người mang thai hoặc có thể mang thai, trừ phi lợi ích có thể vượt trội nguy cơ tiềm tàng đối với thai nhi.
Thời kỳ cho con bú
Không nên dùng thuốc cho người cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Tác dụng không mong muốn hầu như thường gặp ở người dùng dantrolen và phải nhớ là tính an toàn và tính hiệu quả khi dùng thuốc lâu dài chưa được xác định. Tác dụng phụ nặng ít xảy ra khi tiêm tĩnh mạch ngắn ngày để điều trị sốt cao ác tính.
Thường gặp, ADR > 1/100
Thần kinh: Buồn ngủ, chóng mặt, yếu cơ, khó chịu toàn thân, mệt mỏi.
Tiêu hóa: Ỉa chảy.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Tiêu hóa: Táo bón, chảy máu dạ dày – ruột, chán ăn, nuốt khó, kích ứng dạ dày, co cứng bụng, buồn nôn và/hoặc nôn.
Thần kinh: Rối loạn nói, co giật, nhức đầu, rối loạn thị giác (nhìn đôi), vị giác thay đổi, mất ngủ, chảy nước dãi.
Sinh dục tiết niệu: Tăng số lần tiểu tiện, tinh thể – niệu, đái ra máu, khó cương dương vật, tiểu tiện không tự chủ và/hoặc bí đái.
Gan: Xét nghiệm chức năng gan bất thường.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Tim mạch: Nhịp tim nhanh, huyết áp thất thường, viêm tĩnh mạch, suy tim.
Huyết học: Suy tủy, thiếu máu, giảm bạch cầu, u lympho bào, giảm tiểu cầu.
Tâm thần: Trầm cảm, lú lẫn, nóng tính.
Da: Tóc mọc bất thường, phát ban kiểu trứng cá, ngứa, mày đay, ban kiểu chàm, vã mồ hôi.
Cơ xương: Ðau cơ, đau lưng.
Hô hấp: Cảm giác ngạt thở, suy hô hấp.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Phần lớn các tác dụng không mong muốn của dantrolen thường nhất thời, xảy ra sớm trong điều trị và thường có thể phòng ngừa bằng cách bắt đầu với liều thấp rồi tăng dần cho tới khi đạt liều tối ưu. Ỉa chảy có thể nặng, khi đó có thể cần phải tạm thời ngừng thuốc. Nếu ỉa chảy tái diễn khi cho thuốc trở lại, phải ngừng thuốc vĩnh viễn.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
Có thể pha hỗn dịch uống 1 lần bằng cách cho lượng chứa trong một số nang thích hợp vào nước quả hoặc bất cứ chất lỏng nào.
Ðể tiêm tĩnh mạch, phải pha bột tiêm với 60 ml nước pha tiêm vô khuẩn vào lọ có nhãn chứa 20 mg thuốc và lắc lọ cho tới khi dung dịch trong. Dung dịch thu được chứa 0,333 mg natri dantrolen trong 1 ml.
Liều dùng:
Co cứng cơ:
Phải điều chỉnh liều dùng cẩn thận theo nhu cầu và đáp ứng của người bệnh, dùng liều thấp nhất đạt đáp ứng tối ưu mà không gây tác dụng không mong muốn.
Liều uống khởi đầu là 25 mg/ngày, tăng dần với khoảng cách từ 4 đến 7 ngày, trong khoảng 7 tuần, tới 100 mg/lần, ngày uống 4 lần, cho tới khi đạt được tác dụng điều trị mong muốn.
Ðối với trẻ em trên 5 tuổi, liều gợi ý là 0,5 mg/kg, ngày uống 2 lần, tăng dần đến 3 mg/kg, ngày uống 4 lần. Không uống quá 200mg/ngày.
Người lớn không vượt quá 400 mg mỗi ngày.
Nếu không có đáp ứng trong 4 đến 6 tuần điều trị, phải ngừng thuốc.
Cơn sốt cao ác tính:
Phòng ngừa (người lớn hoặc trẻ em): Liều dantrolen uống 4 – 8 mg/kg mỗi ngày được chia thành 3 hoặc 4 liều nhỏ, uống trong 1 – 2 ngày trước khi phẫu thuật, với liều cuối cùng uống trước khi phẫu thuật khoảng 3 – 4 giờ, với một ít nước. Cũng có thể tiêm truyền tĩnh mạch 1 liều 2,5 mg/kg trong khoảng 1 giờ, bắt đầu truyền khoảng 1,25 giờ trước khi dự định gây mê; nếu cần thêm liều tiêm tĩnh mạch, phải tùy theo từng người bệnh, có thể tiêm trong khi phẫu thuật.
Ðiều trị: Liều khởi đầu tối thiểu cho người lớn hoặc trẻ em là 1 mg/kg tiêm tĩnh mạch nhanh. Có thể lặp lại liều khởi đầu nếu cần, cho đến khi các triệu chứng bắt đầu rút xuống hoặc đạt được tổng liều tĩnh mạch tối đa là 10 mg/kg. Có thể lặp lại chế độ điều trị nếu triệu chứng trở lại. Cách điều trị này được phối hợp với truyền dung dịch natri bicarbonat, dextrose và insulin để chống tăng kali huyết, và để chủ động làm mát người bệnh. Chẩn đoán sớm và điều trị nhanh là tối quan trọng đối với bệnh này vì tỷ lệ tử vong lên đến trên 30%.
Tác dụng của dantrolen natri đến hệ thần kinh trung ương có thể tăng lên do