Mục lục
Tên chung quốc tế: Erythropoietin.
Loại thuốc: Thuốc kích thích tạo hồng cầu.
Dạng thuốc – hàm lượng
Thuốc nước để tiêm 2000 đvqt/ml; 4000 đvqt/ml; 5000 đvqt/ml; 10000 đvqt/ml.
Dược lực học
Erythropoietin là một hormon thiết yếu để tạo hồng cầu từ mô dòng hồng cầu trong tủy xương. Phần lớn hormon này do thận sản xuất để đáp ứng với thiếu oxygen mô, một phần nhỏ (10% đến 14%) do gan tổng hợp (gan là cơ quan chính sản xuất ra erythropoietin ở bào thai). Erythropoietin tác dụng như một yếu tố tăng trưởng, kích thích hoạt tính gián phân các tế bào gốc dòng hồng cầu và các tế bào tiền thân sớm hồng cầu (tiền nguyên hồng cầu). Hormon này cũng còn có tác dụng gây biệt hóa, kích thích biến đổi đơn vị tạo quần thể hồng cầu (CFU) thành tiền nguyên hồng cầu.
Epoetin alpha và epoetin beta là những erythropoietin người tái tổ hợp, chứa 165 acid amin. Epoetin và erythropoietin tự nhiên hoàn toàn giống nhau về trình tự acid amin và có chuỗi oligosaccharid rất giống nhau trong cấu trúc hydrat carbon. Phân tử của chúng có nhiều nhóm glycosyl nhưng epoetin alpha và epoetin beta khác nhau về vị trí các nhóm glycosyl. Epoetin có tác dụng sinh học như erythropoietin nội sinh và hoạt tính là 129000 đơn vị cho 1 mg hormon.
Sau khi tiêm khoảng 1 tuần, epoetin làm tăng đáng kể tế bào gốc tạo máu ở ngoại vi. Trong vòng 3 đến 4 tuần, hematocrit tăng, phụ thuộc vào liều dùng. Các tế bào gốc (CFU – GM và CFU – mix) bình thường không phải là những tế bào sản xuất hồng cầu. Như vậy, khi được dùng với liều điều trị, epoetin có thể tác dụng lên cả hai dòng tế bào (dòng hồng cầu và dòng tủy bào).
Ở người bệnh thiếu máu do thiếu sắt hoặc do mất máu kín đáo, erythropoietin có thể không gây được đáp ứng hoặc duy trì tác dụng.
Dược động học
Erythropoietin không tác dụng khi uống. Dược động học của erythropoietin tiêm dưới da khác với khi tiêm tĩnh mạch và đường dưới da có ưu điểm hơn vì cho phép duy trì với liều thấp hơn. Sau khi tiêm dưới da 12 – 18 giờ, nồng độ trong huyết thanh đạt mức cao nhất. Nửa đời của thuốc sau khi tiêm tĩnh mạch là khoảng 5 giờ; còn sau khi tiêm dưới da là trên 20 giờ và nồng độ thuốc trong huyết thanh vẫn giữ ở mức cao cho đến giờ thứ 48. Do đó, cách dùng thuốc kinh điển hiện nay cho phần lớn các chỉ định là một tuần 3 lần. Thuốc chuyển hóa ở một mức độ nhất định và một lượng nhỏ thuốc tìm thấy trong nước tiểu.
Chỉ định
Thiếu máu ở người suy thận, kể cả ở người bệnh phải hay không phải chạy thận nhân tạo.
Thiếu máu do các nguyên nhân khác như bị AIDS, viêm khớp dạng thấp.
Trẻ đẻ non thiếu máu và thiếu máu do hóa trị liệu ung thư gây ra.
Ðể giảm bớt truyền máu ở người bệnh bị phẫu thuật.
Chống chỉ định
Tăng huyết áp không kiểm soát được.
Quá mẫn với albumin hoặc sản phẩm từ tế bào động vật có vú.
Thận trọng khi dùng
Người bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim.
Người bệnh tăng trương lực cơ mà không kiểm soát được chuột rút, có tiền sử động kinh,
Người bệnh tăng tiểu cầu.
Có bệnh về máu kể cả thiếu máu hồng cầu liềm, các hội chứng loạn sản tủy, tình trạng máu dễ đông.
Dùng erythropoietin cho các vận động viên bị coi là dùng chất kích thích. Thiếu giám sát của thầy thuốc và không theo dõi tình trạng mất nước trong khi thi đấu đòi hỏi dai sức thì dễ xảy ra các hậu quả nghiêm trọng về sự thay đổi độ quánh của máu, có thể gây tử vong.
Tác dụng của erythropoietin bị chậm hoặc giảm do nhiều nguyên nhân như: thiếu sắt, nhiễm khuẩn, viêm hay ung thư, bệnh về máu (thiếu máu thalassemi, thiếu máu kháng trị liệu, tủy xương loạn sản), thiếu acid folic hoặc thiếu vitamin B12, tan máu, nhiễm độc nhôm.
Thời kỳ mang thai
Hình như erythropoietin nội sinh không qua nhau thai để tới thai. Không có bằng chứng nào cho thấy erythropoietin người tái tổ hợp có qua nhau thai và vào thai. Dùng erythropoietin nhân tạo đó không gây nguy hiểm gì cho thai nhi. Vì thiếu máu và cần thiết truyền máu nhiều lần cũng gây nguy cơ đáng kể cho mẹ và thai nhi, nên lợi ích dùng erythropoietin vẫn trội hơn nguy cơ được biết.
Thời kỳ cho con bú
Erythropoietin không bài tiết vào sữa. Không có nguy cơ uống phải thuốc này qua đường sữa đối với trẻ đang bú mẹ.
Tác dụng không mong muốn
Tác dụng không mong muốn tương đối nhẹ và thường phụ thuộc vào liều. Tiêm tĩnh mạch hay gây ra tác dụng phụ hơn tiêm dưới da.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Nhức đầu, phù, ớn lạnh và đau xương (triệu chứng giống cảm cúm) chủ yếu ở vào mũi tiêm tĩnh mạch đầu tiên. Tuần hoàn: Tăng huyết áp, huyết khối nơi tiêm tĩnh mạch, cục đông máu trong máy thẩm tích, tiểu cầu tăng nhất thời.
Máu: Thay đổi quá nhanh về hematocrit, tăng kali huyết. Thần kinh: Chuột rút, cơn động kinh toàn thể. Da: Kích ứng tại chỗ, trứng cá, đau ở chỗ tiêm dưới da.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Tuần hoàn: Tăng tiểu cầu, cơn đau thắt ngực. Vã mồ hôi.
Hướng dẫn cách xử trí khi gặp tác dụng phụ
Cần theo dõi hematocrit một cách thường xuyên và điều chỉnh liều theo đáp ứng nồng độ hemoglobin.
Ðể tránh tăng đông máu gây tắc mạch, sau khi đã tiêm thuốc vào tĩnh mạch thì tiêm thêm ngay 10 ml dung dịch muối đẳng trương và tăng liều heparin trong khi chạy thận nhân tạo để phòng huyết khối.
Khi tăng huyết áp tới mức nguy hiểm mà các liệu pháp chống tăng huyết áp không có kết quả thì rạch tĩnh mạch để lấy máu ra có thể kết quả tốt.
Liều dùng và cách dùng
Liều dùng:
Bệnh nhân suy thận mạn:
- Chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch.
- Khoảng nồng độ hemoglobin cần đạt là 10-12 g/dL ở người lớn và 9.5-11 g/dL ở trẻ em.
- Nếu đổi đường dùng thì lúc đầu cần duy trì liều rồi hiệu chỉnh dần để đạt hematocrit và nồng độ hemoglobin mong muốn.
- Cần tối thiểu 2 tuần để thuốc có tác dụng.
- Liều khuyên dùng: 50 đvqt/kg x 3 lần /tuần.
- Tăng liều nếu nồng độ hemoglobin không tăng ít nhất 1 g/dL mỗi tháng.
- Khi đạt khoảng nồng độ mong muốn, cần giảm 25 đvqt/kg/liều. Có thể giảm liều bằng cách bỏ bớt lần dùng hoặc giảm lượng cho mỗi liều.
Bệnh nhân lọc máu (người lớn):
- Chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch.
- Liệu trình được chia thành 2 bước:
- Pha điều chỉnh: 50 đvqt/kg x 3 lần/tuần. Có thể tăng 25 đvqt/kg x 3 lần/tuần sau mỗi 4 tuần cho tới khi đạt khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn (10-12 g/dL).
- Pha duy trì: hiệu chỉnh liều theo từng bệnh nhân để duy trì khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn. Tổng liều khuyên dùng là 75-300 đvqt/kg/tuần.
Bệnh nhân lọc máu (trẻ em):
- Chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch.
- Liệu trình được chia thành 2 bước:
- Pha điều chỉnh: 50 đvqt/kg x 3 lần/tuần. Có thể tăng 25 đvqt/kg x 3 lần/tuần sau mỗi 4 tuần cho tới khi đạt khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn (9.5-11 g/dL).
- Pha duy trì: hiệu chỉnh liều theo từng bệnh nhân để duy trì khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn. Tổng liều khuyên dùng là 75-300 đvqt/kg/tuần.
- Trẻ dưới 30kg thường cần liều duy trì cao hơn.
Bệnh nhân thẩm phân phúc mạc (người lớn):
- Chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch.
- Liệu trình được chia làm 2 bước:
- Pha điều chỉnh: 50 đvqt/kg x 2 lần/tuần. Có thể tăng 25 đvqt/kg x 2 lần/tuần sau mỗi 4 tuần cho tới khi đạt khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn (10-12 g/dL).
- Pha duy trì: liều 25-50 đvqt/kg x 2 lần/tuần là đủ để duy trì khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn.
Bệnh nhân thẩm phân phúc mạc (trẻ em):
- Có thể dùng đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Liệu trình được chia làm 2 bước:
- Pha điều chỉnh: 50 đvqt/kg x 2 lần/tuần. Có thể tăng 25 đvqt/kg x 2 lần/tuần sau mỗi 4 tuần cho tới khi đạt khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn (9.5-11 g/dL).
- Pha duy trì: liều 25-50 đvqt/kg x 2 lần/tuần là đủ để duy trì khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn.
- Trẻ dưới 30kg thường cần liều duy trì cao hơn.
Bệnh nhân chưa cần lọc máu (người lớn, suy thận giai đoạn cuối):
- Chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch.
- Liệu trình được chia thành 2 bước:
- Pha điều chỉnh: 50 đvqt/kg x 3 lần/tuần. Có thể tăng 25 đvqt/kg x 3 lần/tuần sau mỗi 4 tuần cho tới khi đạt khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn (10-12 g/dL).
- Pha duy trì: liều 17-33 đvqt/kg x 3 lần/tuần là đủ để duy trì khoảng nồng độ hemoglobin mong muốn.
- Nếu dùng đường tiêm dưới da, cần chuyển thành 1 lần/tuần hoặc 1 lần/2 tuần.
- Tổng liều không quá 150 đvqt/kg x 3 lần/tuần, 240 đvqt/kg x 1 lần/tuần tới tối đa tổng 20000 đvqt, 480 đvqt/kg x 1 lần/2 tuần tới tối đa tổng 40000 đvqt.
Bệnh nhân ung thư:
- Người lớn: Nên sử dụng đường tiêm dưới da.
- Khoảng nồng độ hemoglobin cần đạt 10-12 g/dL.
- Duy trì trong vòng 1 tháng sau khi kết thúc hóa trị.
- Bắt đầu với liều 150 đvqt/kg x 3 lần/tuần. Giữ nguyên liều nếu sau 4 tuần, nồng độ hemoglobin tăng thêm ít nhất 1 g/dL (hoặc lượng hồng cầu lưới tăng lên thêm 40000 tế bào/μL so với ban đầu). Nếu không, tăng liều lên 300 đvqt x 3 lần/tuần hoặc 60000 đvqt/tuần. Dừng điều trị nếu sau 4 tuần, nồng độ hemoglobin không tăng thêm ít nhất 1 g/dL (hoặc lượng hồng cầu lưới tăng lên thêm 40000 tế bào/μL so với ban đầu).
- Trẻ em: (6-18 tuổi) có sử dụng cả đường tiêm dưới da và tiêm tĩnh mạch
- Liều 25-300 đvqt/kg x 3-7 lần/tuần.
Bệnh nhân điều trị HIV bằng zidovudin:
- Yêu cầu xác định nồng độ erythropoietin nội sinh trước khi thực hiện liệu trình. Nếu > 500 mU/mL thì sẽ ít đáp ứng với erythropoietin ngoại sinh.
- Nồng độ hemoglobin không được > 12 g/dL.
- Liệu trinh chia thành 2 bước:
- Pha điều chỉnh: 100 đvqt/kg x 3 lần/tuần x 8 tuần. Dùng tiêm dưới da/tiêm tĩnh mạch. Nếu sau 8 tuần không đáp ứng như mong đợi, có thể tăng lên 50-100 đvqt/kg x 3 lần/tuần sau mỗi 4 tuần. Nếu đạt mốc 300 đvqt/kg x 3 lần/tuần, nên dừng điều trị vì không đáp ứng.
- Pha duy trì: thay đổi liều để đảm bảo duy trì hematocrit trong khoảng 30-35%. Dừng liệu trình nếu hematocrit > 40%. Chỉ tiếp tục dùng khi hematocrit giảm còn 36%, và giảm đi 25% liều so với ban đầu.
Bệnh nhân phẫu thuật cần truyền máu:
- Người lớn: Nên sử dụng đường tiêm tĩnh mạch.
- Nên sử dụng sau khi truyền máu xong.
- Liều khuyên dùng:
- 600 đvqt/kg x 2 lần/tuần x 3 tuần trước phẫu thuật với bệnh nhân thiếu máu (hematocrit 33-39% và/hoặc nồng độ hemoglobin 10-13 g/dL) cần truyền trên 4 đơn vị máu.
- 150-300 đvqt/kg x 2 lần/tuần x 3 tuần với các bệnh nhân thiếu máu nhẹ hơn.
Bệnh nhân phẫu thuật không truyền máu:
- Nên sử dụng đường tiêm dưới da.
- Liều khuyên dùng:
- 600 đvqt/kg/tuần x 3 tuần trước khi phẫu thuật (ngày 21,14 và 7 trước phẫu thuật) và ngày phẫu thuật.
- 300 đvqt/kg/ngày x 10 ngày liên tục trước khi phẫu thuật, ngày phẫu thuật và 4 ngày sau phẫu thuật nếu thời gian trước khi phẫu thuật dưới 3 tuần.
- 300 đvqt/kg/ngày với nồng độ hemoglobin < 13 g/dL
- Nếu nồng độ hemoglobin > 15 g/dL, cần dừng liệu trình.
Cách dùng:
- Có thể tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Chỉ nên dùng đường tiêm tĩnh mạch với bệnh nhên suy thận mạn.
- Không tiêm khi thấy có vẩn đục trong ống hoặc ống đã đông lạnh.
- Không lắc ống vì có thể làm biến tính glycoprotein.
- Chế phẩm dùng một lần không chứa chất bảo quản nên cần loại bỏ phần thừa sau khi dùng.
Tiêm tĩnh mạch:
- Cần tiêm trong vòng 1-5 phút tùy vào liều dùng.
- Có thể tiêm chậm hơn ở những bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng giống cúm.
- Có thể tiêm bolus trong quá trình lọc máu ở bệnh nhân lọc máu thông qua ống lọc. Hoặc khi kết thúc quá trình lọc máu, có thể tiêm vào ống rò, và tiêm thêm 10 mL nước muối đẳng trương để rửa ống và đảm bảo đưa được hết thuốc vào tuần hoàn.
- Không nên trộn lẫn với các thuốc khác hay truyền chậm.
Tiêm dưới da:
- Mỗi lần tiêm tối đa 1 mL. Nếu cần tiêm nhiều hơn thì cần tiêm ở nhiều vị trị khác nhau.
- Không nên tiêm ở các chi hoặc thành bụng.