Tên chung quốc tế: Glucagon.
Loại thuốc: Thuốc chống hạ glucose huyết; chất phụ trợ chẩn đoán; thuốc chống co thắt; thuốc giải độc (do thuốc chẹn beta – adrenergic).
Dạng thuốc và hàm lượng
Bột pha tiêm: Lọ 1 mg (1 đơn vị), 10 mg (10 đơn vị) glucagon, dạng muối hydroclorid. Có kèm theo dung môi pha tiêm.
Cơ chế tác dụng
Glucagon là hormon polypeptid có tác dụng thúc đẩy phân giải glycogen và tân tạo glucose ở gan, do đó làm tăng nồng độ glucose huyết. Glucagon tương tác với thụ thể glucoprotein trên tế bào đích. Ðiều đó dẫn đến tăng nồng độ glucose trong huyết tương, giãn cơ trơn, tăng co bóp cơ tim và tăng phân giải lipid ở mô mỡ.
Sự tiết sinh lý glucagon được điều hòa bởi glucose trong khẩu phần ăn (ức chế), insulin (tăng), các acid amin (đa số làm tăng), các acid béo (ức chế) và somatostatin (ức chế). Nồng độ glucose trong máu cao ức chế tiết glucagon.
Glucagon có vai trò sinh lý trong điều hòa chuyển hóa glucose và ceton trong cơ thể, nhưng chỉ có ít giá trị điều trị hạ glucose huyết.
Ðiều trị bằng glucagon cho thấy cải thiện lâm sàng trong vòng 10 phút và vì vậy có thể giảm thiểu nguy cơ tổn hại thần kinh do hạ glucose huyết. Tác dụng tăng glucose huyết của glucagon là tạm thời và có thể không đạt, nếu dự trữ glucose ở gan bị cạn kiệt. Sau khi có tăng glucose huyết ban đầu do dùng glucagon, người bệnh phải dùng glucose để ngăn ngừa hạ glucose huyết tái diễn.
Không giống như tiêm glucose tĩnh mạch, tiêm glucagon có thể điều trị hôn mê do dùng quá liều insulin một cách nhẹ nhàng, từ từ nếu người bệnh sẵn có glycogen dự trữ ở gan. Glucagon rất thuận tiện để điều trị cấp cứu khi không thể dùng glucose theo đường tĩnh mạch.
Khi dùng glucagon cho những người ở trạng thái hôn mê rất sâu (như giai đoạn IV hoặc giai đoạn V của Himwich), cần dùng thêm glucose theo đường tĩnh mạch để có tác dụng ngay.
Ở người đái tháo đường điều trị không tốt, nồng độ glucagon trong huyết tương tăng lên. Do khả năng làm tăng tân tạo glucose và phân giải glycogen, glucagon gây tăng glucose huyết nặng thêm ở người đái tháo đường. Tuy nhiên, sự tiết bất thường glucagon đó là thứ phát của bệnh đái tháo đường, và sẽ được điều chỉnh khi kiểm soát được bệnh. Có thể đánh giá mức tăng glucagon máu ở người đái tháo đường bằng somatostatin.
Dùng glucagon trong chẩn đoán: Sử dụng tác dụng ức chế vận động đường tiêu hóa của glucagon để giảm trương lực và gây thư dãn đường tiêu hóa, sẽ tạo thuận lợi cho xét nghiệm X – quang và nội soi.
Dược động học
Nửa đời của glucagon trong huyết tương khoảng 3 đến 10 phút. Glucagon giáng hóa mạnh ở gan, thận và huyết tương cũng như tại các vị trí tác dụng của thuốc bởi men phân giải protein.
Chỉ định
Ðiều trị cấp cứu hạ glucose huyết nặng ở người đái tháo đường khi dùng insulin hoặc thuốc uống hạ glucose huyết.
Người bệnh tâm thần trong liệu pháp gây sốc bằng insulin.
Trong khoa X – quang (giúp chẩn đoán) để xét nghiệm X – quang hoặc nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng ruột non và đại tràng.
Ðiều trị triệu chứng cho những người ngộ độc/quá liều thuốc chẹn thụ thể beta: Tiêm tĩnh mạch glucagon liều cao để điều trị tác dụng độc với tim, đặc biệt, trị nhịp tim chậm và hạ huyết áp, khi dùng quá liều các thuốc ức chế beta.
Chống chỉ định
Quá mẫn với glucagon. U tế bào ưa crom.
Không nên dùng glucagon để điều trị ngạt do đẻ hoặc hạ glucose huyết cho trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc có trọng lượng khi sinh thấp.
Glucagon ít hoặc không có tác dụng trong điều trị hạ glucose huyết khi dự trữ glycogen ở gan bị cạn kiệt như khi thiếu ăn, suy thượng thận hoặc hạ glucose huyết mạn tính.
Thận trọng
Người có tiền sử u insulin và/hoặc u tế bào ưa crom: Glucagon kích thích giải phóng các catecholamin từ u tế bào ưa crom, dẫn đến tăng huyết áp, và kích thích giải phóng insulin từ u insulin, dẫn đến hạ glucose huyết. Glucagon đã được dùng trong chẩn đoán u tế bào ưa crom và u insulin, nhưng việc sử dụng này không được khuyến cáo vì lý do an toàn.
Dùng glucagon để chẩn đoán ở người có tiền sử đái tháo đường.
Người dị ứng với protein lợn hoặc bò có thể dị ứng với glucagon vì glucagon có nguồn gốc từ lợn hoặc bò
Thời kỳ mang thai
Dùng glucagon cho người mang thai chưa thấy có tác dụng phụ đặc biệt đối với bào thai.
Thời kỳ cho con bú
Không có nguy cơ đối với trẻ bú mẹ khi dùng glucagon cho người mẹ, có thể do glucagon bị phá hủy mạnh ở đường tiêu hóa của trẻ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Khoảng 50% người bệnh dùng glucagon có những khó chịu, thường là khó chịu nhẹ.
Thường gặp, ADR >1/100
Tiêu hóa: Buồn nôn và nôn.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Toàn thân: Phản ứng dị ứng. Hạ kali huyết khi dùng liều cao (10 mg). Da: Phát ban dị ứng da.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Glucagon là protein vì vậy nên xem xét về khả năng gây phản ứng quá mẫn của thuốc.
Nên thử phản ứng dị ứng với glucagon bằng test trong da trước khi dùng thuốc, đặc biệt cho người dị ứng với protein lợn hoặc bò.
Nên ngừng điều trị bằng glucagon nếu phản ứng quá mẫn xảy ra trong khi điều trị.
Liều lượng và cách dùng
Hoà tan glucagon đông khô với dung môi pha tiêm kèm theo. Không nên tiêm glucagon với nồng độ vượt quá 1 mg/ml.
Ðiều trị hạ glucose huyết cấp (như trong hôn mê do hạ glucose huyết ở người đái tháo đường):
Tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch
Trẻ em dưới 5 tuổi: 0,25 mg/lần; trẻ em 5 – 10 tuổi: 0,5 mg/lần.
Trẻ em lớn hơn 10 tuổi và người lớn: 0,5 – 1 mg glucagon/lần.
Nếu người bệnh không đáp ứng trong vòng 10 – 15 phút, có thể dùng liều nhắc lại hoặc truyền glucose tĩnh mạch. Khi người bệnh đáp ứng nên ăn hoặc uống carbohydrat (nước đường, nước cháo) để khôi phục glycogen trong gan và ngăn ngừa hạ glucose huyết thứ phát.
Xét nghiệm X quang và nội soi đường tiêu hóa:
Ðiều chỉnh liều tùy theo từng người, Liều khuyến cáo thấp nhất là 0,2 mg tiêm tĩnh mạch.
Sau khi tiêm tĩnh mạch 0,2 – 0,5 mg glucagon tác dụng thuốc bắt