Mục lục
KETOPROFEN là thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng để giảm đau trong các bệnh cơ xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp…
Tên chung quốc tế: Ketoprofen.
Loại thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Dạng thuốc và hàm lượng
Nang 25 mg, 50 mg, 75 mg; nang giải phóng kéo dài 100 mg, 150 mg và 200 mg; viên nén 12,5 mg, 25 mg, 100 mg, 150 mg; viên nén giải phóng kéo dài 200 mg; bột pha tiêm bắp thịt: 100 mg; thuốc đạn nạp trực tràng: 100 mg; gel 2,5% (khối lượng/khối lượng)
Cơ chế tác dụng
Ketoprofen, dẫn chất của acid phenyl propionic, là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt.
Cơ chế chung
Cơ chế chung cho các tác dụng đã nêu trên là do ức chế tổng hợp prostaglandin và leukotrien. Ketoprofen có tác dụng kháng bradykinin và cả tác dụng ổn định màng lysosom.
Trong điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc hư (thoái hóa) xương khớp, các thuốc chống viêm không steroid thường được dùng chủ yếu để giảm đau hơn là chống viêm; các thuốc này chỉ ức chế tổng hợp và ức chế giải phóng các chất trung gian gây đau và viêm (prostaglandin, bradykinin, histamin). Do đó ketoprofen chỉ làm nhẹ bớt các triệu chứng của bệnh như đau, cứng đờ, và làm tăng giới hạn vận động và các hoạt động chức năng; thuốc không làm ngừng bệnh lâu dài hoặc đảo ngược quá trình bệnh cơ bản. Ðể đạt được điều đó, người bệnh phải được điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch như dùng liều cao glucocorticoid.
Tác dụng giảm đau của ketoprofen là do ức chế tổng hợp prostaglandin. Prostaglandin làm các thụ thể đau tăng nhạy cảm với các kích thích cơ học và với các chất trung gian hóa học khác (như bradykinin, histamin). Bởi vậy, trong lâm sàng, ketoprofen là thuốc giảm đau rất có hiệu lực trong các trường hợp đau sau phẫu thuật. Vì có nguy cơ gây chảy máu, không dùng ketoprofen để điều trị đau liên quan đến chảy máu kín đáo (đau sau khi bị tai nạn) hoặc đau liên quan đến chấn thương ở hệ thần kinh trung ương.
Trên tiểu cầu
Giống như tất cả các thuốc chống viêm không steroid khác, ketoprofen làm tăng thời gian chảy máu do ức chế tổng hợp prostaglandin ở tiểu cầu, dẫn đến ức chế kết tụ tiểu cầu (tác dụng trên tiểu cầu liên quan đến liều dùng và có thể phục hồi; với liều thông thường tác dụng này là vừa hoặc nhẹ).
Trên thận
Ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận làm giảm lưu lượng máu đến thận. ở người có bệnh tim từ trước, điều này có thể gây suy thận cấp và suy tim, đặc biệt ở người có bệnh suy tim mạn. Giảm sản xuất prostaglandin ở thận dẫn đến giữ nước trong cơ thể và gây suy tim cấp.
Trên tiêu hóa
Ức chế tổng hợp prostaglandin ở dạ dày làm giảm tạo chất nhày ở dạ dầy, dẫn đến nguy cơ loét dạ dày và chảy máu đường tiêu hóa, đặc biệt ở người cao tuổi.
Dược động học
Ketoprofen hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sau khi uống 1 liều thuốc ở dạng viên nang thông thường và viên nang giải phóng kéo dài, nồng độ đỉnh trong huyết thanh tương ứng xuất hiện ở khoảng 0,5 – 2 giờ và 6 – 7 giờ. Thức ăn không làm thay đổi khả dụng sinh học toàn bộ của ketoprofen, nhưng làm chậm tốc độ hấp thu ketoprofen. Nửa đời thải trừ trong huyết tương của thuốc sau khi uống viên nang thông thường và viên nang giải phóng kéo dài tương ứng là 2 – 4 giờ và 5,5 – 8 giờ. Nồng độ ổn định của thuốc trong huyết tương đạt được trong vòng 24 – 48 giờ sau khi dùng thuốc liên tục.
Ketoprofen liên kết mạnh với protein huyết tương (khoảng 99%). Thể tích phân bố của thuốc xấp xỉ 0,1 lit/kg. Chuyển hóa chủ yếu của thuốc là liên hợp với acid glucuronic, sau đó chất liên hợp này được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu.
Chỉ định
Viêm khớp dạng thấp (hư khớp, thoái hóa khớp).
Viêm cột sống dính khớp, bệnh cơ xương cấp và chấn thương trong thể thao.
Thống kinh hoặc đau sau phẫu thuật.
Bệnh gút cấp.
Chống chỉ định
Quá mẫn với ketoprofen. Loét dạ dày, loét hành tá tràng.
Co thắt phế quản, hen, viêm mũi nặng, và phù mạch hoặc nổi mày đay do aspirin hoặc một thuốc chống viêm không steroid khác gây ra. Xơ gan. Suy tim nặng. Có nhiều nguy cơ chảy máu. Suy thận nặng với mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút.
Liều lượng và cách dùng
Đường uống
Nên uống ketoprofen cùng với thức ăn hoặc với một cốc nước đầy; tránh dùng đồ uống có cồn để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa
Bệnh viêm:
Viên nén hoặc nang thông thường
- Người lớn: Ðể điều trị triệu chứng viêm khớp dạng thấp cấp hoặc mạn hoặc viêm xương khớp hoặc những bệnh cơ xương: 50 mg, dùng 3 lần/ngày. Có thể tăng liều tới 100 mg, dùng 2 – 3 lần/ngày.
Viên nén hoặc nang giải phóng kéo dài:
- Chống viêm khớp dạng thấp: Uống: 150 mg hoặc 200 mg 1 lần mỗi ngày vào buổi sáng hoặc chiều. Người cao tuổi hoặc suy yếu uống liều thấp hơn.
- Dạng thuốc này không dùng để điều trị ban đầu.
Thống kinh:
Ðiều chỉnh liều tùy theo từng người: 25 – 50 mg/lần, tới 3 lần/ngày khi cần. Ðiều trị ketoprofen ngay từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng
Ðau cấp:
Người lớn: 25 – 50 mg tới 4 lần/ngày.
Đường trực tràng
Người lớn: Ðặt viên đạn 100 mg vào trực tràng ban đêm. Khi điều trị kết hợp đường uống và đường trực tràng, tổng liều tối đa hàng ngày là 200 mg.
Đường tiêm bắp
Người lớn: Ðể điều trị đợt cấp nặng các bệnh cơ xương khớp hoặc đau sau phẫu thuật: 50 – 100 mg, 4 giờ một lần, tổng liều tối đa trong 24 giờ là 200 mg. Phải cân nhắc nguy cơ/ lợi ích khi kê đơn liều tối đa 300 mg vì có nhiều tai biến hơn so với liều 200 mg/24 giờ.
Người suy thận hoặc suy gan
Nên giảm liều từ 33% đến 50% liều thông thường. Liều tối đa của ketoprofen cho người suy thận nhẹ là 150 mg/ngày và suy thận vừa là 100 mg/ngày. Người bệnh suy gan có nồng độ albumin trong huyết thanh dưới 3,5 g/dL nên dùng liều ban đầu ketoprofen là 100 mg/ngày.
Thận trọng
Trẻ em dưới 15 tuổi: An toàn và hiệu quả của thuốc chưa được xác định. Không nên dùng ketoprofen cho lứa tuổi này.
Ketoprofen có thể gây giữ nước trong cơ thể và làm tăng nồng độ creatinin trong huyết tương và phải dùng thận trọng ở người suy tim nhẹ/vừa, hoặc suy thận nhẹ/vừa, hoặc ở người cao tuổi. Liều tối đa hàng ngày phải giảm và chức năng thận phải được giám sát ở những người bệnh đó. Phải dùng ketoprofen thận trọng ở người có tiền sử loét dạ dày tá tràng. Phải theo dõi chặt chẽ những người bệnh này để phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng thủng vết loét hoặc chảy máu đường tiêu hóa. Thuốc uống cùng với thức ăn, sữa hoặc các thuốc chống acid.
Thời kỳ mang thai
Không dùng ketoprofen cho người mang thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc khi gần chuyển dạ: Giống như các thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin, ketoprofen gây nguy cơ tăng áp lực phổi tồn lưu ở trẻ sơ sinh, do đóng ống động mạch trước khi sinh. Ketoprofen gây nguy cơ chảy máu ở thai nhi và người mẹ. Ketoprofen ức chế chức năng thận của thai nhi gây vô niệu cho trẻ sơ sinh. Ketoprofen còn ức chế chuyển dạ đẻ, kéo dài thời gian mang thai và có thể gây độc cho đường tiêu hóa và ít nước ối, nếu dùng thuốc trong thai kỳ.
Thời kỳ cho con bú
Ketoprofen tiết vào sữa người với nồng độ thấp. Không khuyến cáo dùng thuốc này cho người mẹ trong thời kỳ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Tác dụng không mong muốn của ketoprofen thường nhẹ và chủ yếu là ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn có thể nặng tới mức phải ngừng thuốc ở 5 – 15% người bệnh và tần suất tác dụng không mong muốn nói chung giảm khi tiếp tục điều trị.
Thường gặp, ADR >1/100
Tiêu hóa: Khó tiêu, đau thượng vị, bỏng rát họng, nôn.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt. Tiêu hóa: Loét đường tiêu hóa, ỉa chảy, táo bón. Da: Ngứa, nổi ban. Máu: Thời gian máu chảy kéo dài, huyết niệu.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Toàn thân: Sốc phản vệ.
Da: Viêm da bong vảy, nổi mày đay, phù Quinck, mẫn cảm với ánh sáng, hoại tử biểu bì do độc tính.
Gan: Viêm gan.
Hô hấp: Hen, viêm mũi.
Thận: Viêm thận, hội chứng thận hư.
Tương tác thuốc
Khi dùng đồng thời ketoprofen với những thuốc gắn kết mạnh với protein huyết tương như các thuốc chống đông kiểu coumarin, các sulfonamid và các hydantoin, thầy thuốc phải theo dõi người bệnh chặt chẽ và điều chỉnh liều khi cần. Vì ketoprofen gắn kết mạnh với protein, nên có thể thay chỗ liên kết protein của những thuốc khác.
Aspirin: tăng nguy cơ chảy máu
Thuốc lợi niệu: Ketoprofen dùng đồng thời với hydroclorothiazid gây giảm thải trừ clo và kali ra nước tiểu. Người dùng thuốc lợi niệu đồng thời với ketoprofen có nguy cơ lớn dẫn đến suy thận thứ phát do giảm dòng máu đến thận do ketoprofen ức chế tổng hợp prostaglandin.
Warfarin: Khi điều trị đồng thời ketoprofen với warfarin, có thể tăng nguy cơ chảy máu do prostaglandin có vai trò quan trọng trong cầm máu và ketoprofen ức chế tổng hợp prostaglandin.
Probenecid: Vì probenecid có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương của ketoprofen do làm giảm thanh thải ketoprofen trong huyết tương khoảng 1/3
Methotrexat: Không nên dùng đồng thời vì ketoprofen cũng như các thuốc chống viêm không steroid khác có thể làm thay đổi thải trừ methotrexat dẫn đến tăng nồng độ trong huyết thanh của methotrexat và tăng độc tính.
Lithi: Khi sử dụng đồng thời ketoprofen và lithi, phải theo dõi nồng độ lithi trong huyết tương vì có sự tăng độc tính của lithi do tăng nồng độ chất này trong huyết tương.