Tên chung quốc tế: Pancuronium.
Loại thuốc: Chẹn thần kinh – cơ loại không khử cực.
Dạng thuốc và hàm lượng
Pancuronium thường được dùng dưới dạng muối bromid.
Ống tiêm: 4 mg/2 ml chỉ tiêm tĩnh mạch.
Cơ chế tác dụng
Pancuronium bromid là thuốc tổng hợp có tác dụng chẹn thần kinh – cơ không khử cực. Về mặt hóa học, đó là một aminosteroid nhưng không có tác dụng hormon. Thuốc có tác dụng giãn cơ và được sử dụng trong phẫu thuật. Thuốc tranh chấp với acetylcholin trên thụ thể ở tận cùng thần kinh – cơ và ức chế dẫn truyền xung động thần kinh vận động tới cơ vân. Tác dụng giãn cơ bắt đầu 1,5 đến 3 phút sau khi tiêm và kéo dài 45 phút. Thuốc được dùng như chất hỗ trợ trong gây mê phẫu thuật để đạt được giãn cơ và tạo điều kiện dễ dàng điều khiển thông khí cho người bệnh.
Thuốc có thể làm tăng nhịp tim do tác dụng ức chế trực tiếp lên thụ thể acetylcholin của tim. Sự tăng nhịp tim liên quan đến liều và ở mức rất nhỏ với liều thường dùng. Pancuronium không hoặc ít gây giải phóng histamin và ức chế hạch, do đó không gây hạ huyết áp hoặc co thắt phế quản.
Dược động học
Hấp thu: Sau khi tiêm tĩnh mạch với liều pancuronium bromid 0,06 mg/kg, sự giãn cơ đạt mức phù hợp cho việc đặt nội khí quản trong khoảng 2 – 3 phút, nhanh hơn một chút so với tubocurarin. Thời gian bắt đầu có tác dụng và thời gian kéo dài tác dụng liệt cơ phụ thuộc vào liều. Với liều 0,06 mg/kg, tác dụng giảm dần sau 35 – 45 phút. Liều bổ sung có thể tăng mức độ và thời gian tác dụng ức chế thần kinh – cơ.
Phân bố: Pancuronium liên kết với protein huyết tương khoảng 87% (77 – 91%), chủ yếu với gama – globulin và một ít với albumin. Cũng có tài liệu ghi pancuronium liên kết với protein ít hơn (13 – 30%), có thể do sự liên kết này phụ thuộc vào nồng độ.
Pancuronium qua được hàng rào nhau – thai với một lượng nhỏ.
Thải trừ: Nồng độ pancuronium trong huyết tương giảm dần theo 3 pha. Ở người lớn có chức năng gan thận bình thường, nửa đời của pha cuối là 2 giờ. Ở người chức năng gan thận kém, thời gian này kéo dài. Thuốc đào thải qua thận chủ yếu dưới dạng không biến đổi mặc dù một lượng nhỏ có thể bị chuyển hóa; một ít thuốc đào thải qua mật.
Chỉ định
Pancuronium được dùng chủ yếu để gây giãn cơ trong phẫu thuật sau khi gây mê.
Chẹn thần kinh – cơ trong điều trị tích cực nhiều bệnh khác nhau kể cả hen dai dẳng, uốn ván.
Làm dễ dàng cho việc theo dõi người bệnh đang được hô hấp nhân tạo.
Chống chỉ định
Quá mẫn với thuốc. Dùng đồng thời với các thuốc chẹn thần kinh – cơ khử cực.
Không dùng cho người bệnh có nhịp tim nhanh từ trước hoặc người bệnh hơi tăng nhịp tim đã thấy khó chịu.
Thận trọng
Suy thận: Thuốc đào thải chủ yếu qua thận, nên nửa đời thải trừ kéo dài ở người suy thận, làm giảm sự thanh thải và kéo dài tác dụng của thuốc.
Bệnh gan, mật: Thời gian tác dụng của thuốc có thể bị kéo dài.
Các tình trạng của người bệnh: Thuốc có thể tăng tác dụng khi người bệnh bị giảm kali huyết, giảm magnesi huyết, giảm calci huyết, giảm protein huyết, mất nước, nhiễm toan, tăng CO2 huyết, suy mòn, bệnh nhược cơ, hội chứng nhược cơ, suy gan, thận. Thuốc có thể giảm tác dụng khi người bệnh bị hạ nhiệt, tăng bài niệu.
Thời kỳ mang thai
Pancuronium ít qua hàng rào nhau – thai, nhưng độ an toàn chưa được xác định. Pancuronium chỉ được dùng theo chỉ định của bác sỹ. Có thể sử dụng pancuronium theo liều lượng thông thường cho phụ nữ bị mổ cesar. Nhưng phải giảm liều cho những người đang dùng magnesi sulfat để điều trị nhiễm độc thai nghén, vì muối magnesi làm tăng chẹn thần kinh – cơ.
Thời kỳ cho con bú
Chưa có tư liệu về tai biến trên người.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp, ADR >1/100
Mạch nhanh và tăng lưu lượng tim, tăng huyết áp. Ðôi khi tăng tiết nước bọt trong khi gây mê.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Loạn nhịp. Quá mẫn. Phản ứng tại chỗ tiêm.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Co thắt phế quản. Người bệnh carcinoma có thể nhạy cảm đặc biệt với tác nhân này và tác dụng chẹn thần kinh – cơ ít đáp ứng với neostigmin. Choáng phản vệ nặng.
Liều lượng và cách dùng
Pancuronium chỉ dùng tiêm tĩnh mạch, không được dùng theo đường tiêm truyền. Liều dùng tùy theo từng cá thể, phụ thuộc vào đáp ứng của mỗi người bệnh, vào kỹ thuật gây mê, vào thời gian phẫu thuật dự tính, vào tương tác các thuốc trước và trong gây mê và vào tình trạng người bệnh.
Nên sử dụng máy kích thích thần kinh ngoại vi để theo dõi sự chẹn thần kinh – cơ và sự hồi phục.
Người lớn: Khởi đầu khoảng 40 – 100 microgam/kg, tùy thuộc quá trình phẫu thuật. Có thể cho thêm 10 microgam/kg sau mỗi 20 – 60 phút để duy trì giãn cơ trong suốt thời gian mổ kéo dài hoặc hô hấp nhân tạo.
Ðể đặt nội khí quản dùng 60 – 100 microgam/kg thể trọng.
Trẻ em: 60 – 80 microgam/kg, sau đó tăng thêm 10 – 20 microgam/kg nếu cần.
Trẻ sơ sinh: Trẻ em dưới 1 tháng phải rất thận trọng vì rất nhạy cảm với thuốc này. Ðầu tiên nên dùng liều thử nghiệm 20 mcrogam/kg để xác định sự đáp ứng.
Người cao tuổi: Tác dụng chẹn thần kinh – cơ kéo dài ở người cao tuổi và chỉ cần dùng liều thấp hơn.
Người béo phì: Nếu tính liều theo kg thể trọng có thể bị quá liều. Phải điều chỉnh liều tùy theo đáp ứng của người bệnh.