Tên chung quốc tế: Papaverine.
Loại thuốc: Thuốc chống co thắt.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 30 mg, 40 mg, 60 mg, 100 mg papaverin hydroclorid.
Nang uống giải phóng kéo dài: 150 mg pavaverin hydroclorid.
Thuốc tiêm: 30 mg/ml pavaverin hydroclorid.
Cơ chế tác dụng
Papaverin là alcaloid lấy từ thuốc phiện hoặc tổng hợp, thuộc nhóm benzylisoquinolin. Tác dụng điều trị chủ yếu của papaverin là chống co thắt cơ trơn. Papaverin cũng gây giãn cơ trơn phế quản, đường tiêu hóa, niệu quản, và đường mật. Papaverin làm thư giãn cơ tim do ức chế trực tiếp tính dễ bị kích thích của cơ tim, kéo dài thời gian trơ và làm giảm sự dẫn truyền. Trước kia papaverin đã được dùng để chống thiếu máu não, ngoại vi do co thắt động mạch, thiếu máu cơ tim, co thắt phế quản hen, cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, tác dụng và hiệu quả không rõ rệt nên ngày nay đã bị loại bỏ và thay thế bằng các thuốc có hiệu quả hơn.
Tác dụng chống co thắt của papaverin trực tiếp và không liên quan tới sự phân bố thần kinh ở cơ, và cơ vẫn đáp ứng với thuốc và những kích thích khác gây co. Khi có tắc mạch, thuốc có thể tác dụng, do chống lại sự co mạch phản xạ ở mạch nhánh. Papaverin có hai cơ chế tác dụng chống co thắt, gồm ức chế phosphoryl – hoá do oxy – hoá và cản trở co cơ do calci. Thuốc ít tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, mặc dù liều cao có thể gây ức chế ở một số người bệnh. Cũng có hoạt tính chẹn kênh calci yếu khi dùng liều cao. Papaverin ít có tác dụng giảm đau.
Dược động học
Papaverin hydroclorid dễ được hấp thu qua đường tiêu hóa và tác dụng xuất hiện khá nhanh. Trị số nửa đời sinh học thay đổi, nhưng có thể duy trì nồng độ huyết tương khá hằng định bằng cách uống thuốc cách nhau 6 giờ. Có tới 90% thuốc gắn với protein huyết tương. Uống dạng thuốc giải phóng kéo dài có thể giải phóng liên tục papaverin hydroclorid trong thời gian 12 giờ. Thuốc chuyển hóa nhanh ở gan và bài tiết trong nước tiểu, chủ yếu dưới dạng liên hợp glucuronid của các chất chuyển hóa dạng phenolic.
Chỉ định
Papaverin hiện nay còn có thể dùng để chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa, đường niệu, đường mật, chứ không dùng để chữa co thắt mạch vành, mạch não, co thắt phế quản như trước kia. Cho nên chỉ định của papaverin chỉ nên cho khi có:
Ðau bụng do tăng nhu động ruột, dạ dày.
Cơn đau quặn thận. Cơn đau quặn mật.
Chống chỉ định
Chống chỉ định papaverin hydroclorid khi có bloc nhĩ – thất hoàn toàn, và phải dùng hết sức thận trọng khi có suy giảm dẫn truyền, vì thuốc có thể gây ngoại tâm thu thất nhất thời, có thể là ngoại tâm thu hoặc cơn nhịp nhanh kịch phát.
Không dùng nếu biết người bệnh quá mẫn với papaverin.
Thận trọng
Phải dùng papaverin hydroclorid một cách hết sức thận trọng cho người bệnh tăng nhãn áp. Thuốc tiêm papaverin hydroclorid được dùng dưới sự giám sát của một bác sỹ có kinh nghiệm. Thực hiện tiêm tĩnh mạch rất thận trọng vì nếu tiêm nhanh, có thể gây loạn nhịp và ngừng thở chết người.
Ngừng dùng papaverin khi những triệu chứng quá mẫn gan trở nên rõ ràng (triệu chứng về tiêu hóa, vàng da), hoặc thấy có tăng bạch cầu ưa eosin, hoặc khi những kết quả xét nghiệm chức năng gan biến đổi.
Ðộ an toàn và hiệu lực của papaverin ở trẻ em chưa được xác định.
Không dùng papaverin trong thời gian dài vì có thể dẫn đến phụ thuộc vào thuốc.
Thời kỳ mang thai
Không biết papaverin có thể gây độc hại với thai nhi khi dùng cho người mang thai, hoặc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Không dùng papaverin cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Không biết papaverin có bài tiết trong sữa người hay không. Vì nhiều thuốc được bài tiết trong sữa người, tránh dùng papaverin cho người cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Mặc dù độc tính của papaverin hydroclorid thấp sau khi uống, nhưng đã gặp những ADR do tác dụng trên các hệ thần kinh tự động và trung ương. Những ADR về tiêu hóa, viêm gan và quá mẫn gan cũng đã được thông báo.
Ít gặp, 1/1000 < ADR <1/100
Tim mạch: Ðỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp nhẹ, loạn nhịp khi tiêm tĩnh mạch nhanh. Hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, ngủ gà, an thần, ngủ lịm, nhức đầu. Tiêu hóa: Buồn nôn, táo bón, chán ăn, ỉa chảy. Gan: Quá mẫn gan, viêm gan mạn tính. Hô hấp: Ngừng thở (sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh).
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Phải ngừng dùng papaverin khi thấy có quá mẫn gan với những triệu chứng về tiêu hóa, vàng da, hoặc có tăng bạch cầu ưa eosin, hoặc nếu kết quả xét nghiệm chức năng gan biến đổi.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng
Có thể dùng papaverin uống trong hoặc sau bữa ăn, hoặc với sữa để làm giảm rối loạn tiêu hóa. Tiêm tĩnh mạch khi cần có tác dụng ngay, nhưng phải tiêm chậm trong thời gian 1 – 2 phút để tránh những ADR nghiêm trọng.
Liều lượng:
Liều papaverin hydroclorid thường dùng uống cho người lớn một lần 40 – 100 mg, ngày 2 – 3 lần. Trong các trường hợp cần thiết, có thể dùng viên nang 150 mg giải phóng kéo dài, mỗi lần 1 viên, ngày 3 lần hoặc 2 viên 150 mg, ngày 2 lần.
Liều thuốc tiêm papaverin hydroclorid thường dùng cho người lớn là 30 mg; tuy nhiên có thể dùng liều 30 – 120 mg, tiêm nhắc lại, cứ 3 – 4 giờ một lần, nếu cần.
Trẻ em có thể dùng 4 – 6 mg/kg/24 giờ, chia thành 4 liều nhỏ, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
Các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương làm tăng nhẹ tác dụng của papaverin; và morphin có tác dụng hợp đồng vớ