Tên chung quốc tế: Penicillamine.
Loại thuốc: Tác nhân tạo phức – giải độc kim loại
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 125 mg, 250 mg.
Viên nhộng: 125 mg, 250 mg.
Cơ chế tác dụng
Penicilamin là dimethylcystein. Trong y học chỉ dùng đồng phân D, còn đồng phân L là một chất đối kháng pyridoxin và có tác dụng độc.
Penicilamin dùng đường uống là một tác nhân giải độc trong điều trị bệnh Wilson, cystin niệu và nhiễm độc kim loại nặng. Nó còn được dùng điều trị viêm khớp dạng thấp, nhưng là thứ yếu.
Penicilamin tạo phức với Cu, Hg, Zn, Pb và làm tăng thải trừ các kim loại này qua nước tiểu.
Cơ chế trong bệnh Wilson: Một nguyên tử đồng kết hợp với 2 phân tử penicilamin có thể kéo theo sự bài tiết 200 mg đồng.
Trong bệnh cystin niệu, acid amin này được đào thải nhiều. Do rất ít tan nên rất dễ bị kết tinh, tạo sỏi ở đường tiết niệu. Penicilamin tương tác với cystin tạo ra disulfid penicilamin – cystin dễ hòa tan và thải trừ nhiều hơn, ngăn ngừa được sự hình thành sỏi niệu và tan dần sỏi đã có trước.
Cơ chế tác dụng của penicilamin trong bệnh thấp khớp chưa được sáng tỏ. Sự thuyên giảm bệnh có thể do giảm rõ rệt nồng độ yếu tố dạng thấp IgM. Penicilamin có thể còn bảo vệ các mô khớp chống lại tác hại của gốc oxy tự do.
Sau khi uống, penicilamin được hấp thụ khoảng 50 – 70%. Nên uống xa bữa ăn để tránh sự liên kết với kim loại trong thức ăn, làm giảm tác dụng của thuốc. Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương đạt sau khi uống khoảng 2 giờ, khoảng 80% penicilamin liên kết với protein. Gan là nơi chuyển hóa chủ yếu của penicilamin. Chỉ có rất ít thuốc được đào thải dưới dạng không biến đổi. Các chất chuyển hóa đào thải ra cả phân và nước tiểu.
Chỉ định
Bệnh Wilson (xơ gan do ứ đọng đồng).
Cystin niệu.
Bệnh viêm khớp dạng thấp mà người bệnh giảm đáp ứng với thuốc điều trị thông thường, nhưng không có giá trị trong điều trị viêm cột sống dính khớp.
Ðiều trị nhiễm độc kim loại nặng (đồng, thủy ngân, chì)
Viêm gan mạn tính tiến triển.
Chống chỉ định
Ðối với người mang thai: Vì thuốc có thể gây quái thai.
Người bệnh có tiền sử suy tủy, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu không tái tạo, giảm tiểu cầu nặng. Dị ứng penicilamin.
Lupus ban đỏ toàn thân.
Thận trọng
Thận trọng khi dùng penicilamin cho người bệnh suy thận, nếu cần phải điều chỉnh liều.
Người bệnh dùng penicilamin cần được theo dõi chặt chẽ. Công thức máu và xét nghiệm phân tích nước tiểu phải làm hàng tuần trong hai tháng đầu điều trị và sau mỗi lần thay đổi liều lượng. Sau thời gian này, xét nghiệm mỗi tháng một lần. Nếu tiểu cầu giảm xuống dưới 120.000/mm3 hoặc bạch cầu dưới 2500/mm3 cần ngừng thuốc. Khi công thức máu trở lại bình thường, có thể dùng lại thuốc với liều thấp.
Nếu có protein niệu cần theo dõi và định lượng nhiều lần. Nếu protein niệu tiếp tục tăng nhiều (trên 1 g/24 giờ) hoặc có huyết niệu cần ngừng thuốc hoặc giảm liều.
Nên thử nghiệm chức năng gan 6 tháng một lần. Chức năng thận cũng cần được theo dõi mỗi tháng một lần trong 6 tháng đầu, sau đó 3 tháng một lần.
Nên uống bổ sung 25 mg pyridoxin mỗi ngày cho những người bệnh điều trị dài hạn với penicilamin vì thuốc này làm tăng nhu cầu về vitamin này.
Penicilamin có tác dụng trên colagen và eslastin, làm chậm lành vết thương. Vì vậy nên giảm liều penicilamin xuống còn 250 mg/ngày trong 6 tuần trước khi phẫu thuật và trong thời kỳ sau mổ cho tới khi lành vết thương.
Thời kỳ mang thai
Penicilamin có thể qua nhau thai và tác động đến mô colagen trong thai, gây một số tai biến da. Ðã thấy có hiện tượng quái thai. Trong thời kỳ mang thai, nếu thật cần thiết, dùng penicilamin với liều thấp nhất.
Có một vài quan điểm khác nhau về sự dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Có tác giả đề nghị có thể dùng thuốc trong thời kỳ mang thai trong bệnh Wilson, nhưng trong bệnh viêm khớp dạng thấp thì chống chỉ định. Có tác giả đề nghị trong bệnh Wilson cũng chống chỉ định ở 3 tháng đầu mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Chưa có đủ tài liệu về sự an toàn, do đó nếu dùng penicilamin nên ngừng cho con bú trong thời kỳ dùng thuốc.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Hầu hết tác dụng phụ của penicilamin phụ thuộc vào liều. Phản ứng gây chết người có thể xảy ra do giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu do suy tủy.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Giảm khẩu vị. Máu: Ức chế tủy xương bao gồm: Giảm tiểu cầu, bạch cầu, thiếu máu do thiếu sắt.
Tiêu hóa: Ðau thượng vị, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, viêm miệng, do nấm, viêm lưỡi, viêm lợi loét, mất vị giác. Da: Mẩn, ngứa.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Nổi mẩn ngoài da kéo theo sốt, đau khớp hoặc bệnh hạch lympho.
Máu: Ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, tan máu, thiếu máu, thiếu máu nhược sắc, giảm bạch cầu đơn nhân, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, suy tủy. Tiêu hóa: Tái phát loét miệng nối dạ dày.
Da: Kích ứng, viêm da, lupus, giống hội chứng ban đỏ toàn thân. Gan: Ứ mật, viêm gan nhiễm độc, viêm tụy. Khớp: Viêm đa khớp. Thần kinh: Bệnh thần kinh ngoại vi kể cả hội chứng Guillain – Barré, nhược cơ. Tiết niệu – sinh dục: Hội chứng thận hư. Mắt: Mờ mắt, giảm thị lực, viêm thần kinh mắt. Tai: Ù tai.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000