Tên chung quốc tế: Piroxicam.
Loại thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang 10 mg, 20 mg; viên nén 10 mg, 20 mg; ống tiêm 20 mg/ml; gel 0,5%; viên đạn đặt hậu môn 20 mg.
Cơ chế tác dụng
Piroxicam là thuốc chống viêm không steroid, thuộc nhóm oxicam, thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Cơ chế tác dụng của thuốc chưa được rõ. Tuy nhiên cơ chế chung cho các tác dụng nêu trên có thể do ức chế prostaglandin synthetase và do đó ngăn ngừa sự tạo thành prostaglandin, thromboxan, và các sản phẩm khác của enzym cyclooxygenase. Piroxicam còn có thể ức chế hoạt hóa của các bạch cầu đa nhân trung tính, ngay cả khi có các sản phẩm của cyclooxygenase, cho nên tác dụng chống viêm còn gồm có ức chế proteoglycanase và colagenase trong sụn. Piroxicam không tác động bằng kích thích trục tuyến yên – thượng thận. Piroxicam còn ức chế kết tụ tiểu cầu.
Vì piroxicam ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận, nên gây giảm lưu lượng máu đến thận. Ðiều này đặc biệt quan trọng đối với người bệnh suy thận, suy tim và suy gan, và quan trọng đối với người bệnh có sự thay đổi thể tích huyết tương. Sau đó, giảm tạo thành prostaglandin ở thận có thể dẫn đến suy thận cấp, giữ nước và suy tim cấp.
Piroxicam được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh trong huyết tương xuất hiện từ 3 – 5 giờ sau khi uống thuốc. Thức ăn và các thuốc chống acid không làm thay đổi tốc độ và mức độ hấp thu thuốc. Do piroxicam có chu kỳ gan – ruột và có sự khác nhau rất nhiều về hấp thu giữa các người bệnh, nên nửa đời thải trừ của thuốc trong huyết tương biến đổi từ 20 – 70 giờ, điều này có thể giải thích tại sao tác dụng của thuốc rất khác nhau giữa các người bệnh, khi dùng cùng một liều, điều này cũng có nghĩa là trạng thái ổn định của thuốc đạt được sau thời gian điều trị rất khác nhau, từ 4 – 13 ngày.
Thuốc gắn rất mạnh với protein huyết tương (khoảng 99%). Thể tích phân bố xấp xỉ 120 ml/kg. Nồng độ thuốc trong huyết tương và trong hoạt dịch xấp xỉ bằng nhau khi ở trạng thái thuốc ổn định (nghĩa là sau 7 – 12 ngày). Dưới 5% thuốc thải trừ theo nước tiểu ở dạng không thay đổi. Chuyển hóa chủ yếu của thuốc là hydroxyl – hóa vòng pyridin, tiếp theo là liên hợp với acid glucuronic, sau đó chất liên hợp này được thải theo nước tiểu.
Chỉ định
Dùng trong một số bệnh đòi hỏi chống viêm và/hoặc giảm đau:
Viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp, thoái hóa khớp.
Viêm cột sống dính khớp, bệnh cơ xương cấp và chấn thương trong thể thao.
Thống kinh và đau sau phẫu thuật.
Bệnh gút cấp.
Chống chỉ định
Quá mẫn với piroxicam. Loét dạ dày, loét hành tá tràng cấp.
Người có tiền sử bị co thắt phế quản, hen, polyp mũi và phù Quincke hoặc mày đay do aspirin, hoặc một thuốc chống viêm không steroid khác gây ra.
Xơ gan. Suy tim nặng. Người có nhiều nguy cơ chảy máu. Người suy thận với mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút.
Thận trọng
Dùng thận trọng trong những trường hợp sau:
Người cao tuổi.
Rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, suy gan hoặc suy thận.
Người đang dùng thuốc lợi niệu.
Thời kỳ mang thai
Giống như các thuốc ức chế tổng hợp và giải phóng prostaglandin khác, piroxicam gây nguy cơ tăng áp lực phổi tồn lưu ở trẻ sơ sinh, do đóng ống động mạch trước khi sinh nếu các thuốc này được dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ. Piroxicam còn ức chế chuyển dạ đẻ, kéo dài thời gian mang thai, và độc tính đối với đường tiêu hóa ở người mang thai. Không dùng piroxicam cho người mang thai 3 tháng cuối hoặc gần lúc chuyển dạ.
Thời kỳ cho con bú
Piroxicam bài tiết vào sữa mẹ. Chưa xác định độ an toàn của thuốc dùng cho mẹ trong thời gian cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Trên 15% số người dùng piroxicam có một vài phản ứng không mong muốn, phần lớn thuộc đường tiêu hóa nhưng nhiều phản ứng không cản trở tới liệu trình điều trị. Khoảng 5% phải ngừng điều trị.
Thường gặp, ADR >1/100
Tiêu hóa: Viêm miệng, chán ăn, đau vùng thượng vị, buồn nôn, táo bón, đau bụng, ỉa chảy, khó tiêu. Huyết học: Giảm huyết cầu tố và hematocrit, thiếu máu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin. Da: Ngứa, phát ban. Thần kinh: Hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ. Tiết niệu: Tăng urê và creatinin huyết.
Toàn thân: Nhức đầu, khó chịu. Giác quan: Ù tai. Tim mạch, hô hấp: Phù.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Tiêu hóa: Chức năng gan bất thường, vàng da; viêm gan; chảy máu đường tiêu hóa, thủng và loét; khô miệng.
Huyết học: Giảm tiểu cầu, chấm xuất huyết, bầm tím, suy tủy.
Da: Ra mồ hôi, ban đỏ, hội chứng Stevens – Johnson. Thần kinh: Trầm cảm, mất ngủ, bồn chồn, kích thích. Tiết niệu: Ðái ra máu, protein – niệu, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư. Toàn thân: Sốt, triệu chứng giống bệnh cúm. Giác quan: Sưng mắt, nhìn mờ, mắt bị kích thích. Tim mạch, hô hấp: Tăng huyết áp, suy tim sung huyết nặng lên.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Tiêu hóa: Viêm tụy. Da: Tiêu móng, rụng tóc. Thần kinh: Bồn chồn, ngồi không yên, ảo giác, thay đổi tính khí, lú lẫn dị cảm. Tiết niệu: Ðái khó. Toàn thân: Yếu mệt. Giác quan: Mất tạm thời thính lực. Huyết học: Thiếu máu tan máu.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Thầy thuốc cần theo dõi thường xuyên người bệnh về những dấu hiệu của hội chứng loét và chảy máu đường tiêu hóa, thông báo cho họ theo dõi sát những dấu hiệu đó. Nếu xảy ra, thì phải ngừng thuốc.
Những người bệnh đang dùng thuốc mà có rối loạn thị lực cần được kiểm tra, đánh giá về mắt.