Tên chung quốc tế: Procainamide hydrochloride, Novocainamidum.
Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp tim.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén 200 mg, 250 mg, 500 mg
Viên nén giải phóng chậm: 500 mg, 1000 mg.
Ống tiêm: 1 g/10 ml, ống tiêm 1 g/2 ml.
Cơ chế tác dụng
Procainamid (PA) có tác dụng điện sinh lý giống quinidin, thuộc nhóm thuốc chống loạn nhịp IA. PA làm giảm tính hưng phấn, giảm tốc độ dẫn truyền tự động ở tâm nhĩ, qua nút nhĩ – thất và ở tâm thất, kéo dài thời kỳ điện thế hoạt động và thời kỳ trơ hiệu quả.
Sự thay đổi nồng độ kali (K+) ngoài tế bào ảnh hưởng đến tác dụng của PA. Nồng độ kali thấp thì tác dụng giảm, nồng độ kali cao thì tác dụng tăng. Do đó nồng độ kali ngoài tế bào là một thông số quan trọng trong điều trị bằng PA.
PA còn có tác dụng kháng cholin nhưng tác dụng này yếu nên vai trò lâm sàng rất kém so với tác dụng điện sinh lý của N – acetyl procainamid (NAPA).
Ở người bệnh, chất chuyển hóa chính N – acetyl procainamid (NAPA) làm cho tác dụng của PA phức tạp. Nồng độ NAPA dao động nhiều giữa các người bệnh và ở một số người bệnh nồng độ này có thể cao hơn nồng độ PA. NAPA kéo dài điện thế hoạt động và thời kỳ trơ hiệu quả, nhưng không có các tính chất chống loạn nhịp của nhóm I, mà có tính chất của nhóm III. Tác dụng của PA lên điện tâm đồ chủ yếu như quinidin, tức là kéo dài thời gian PQ, QRS, QT. QT kéo dài nhiều và chứng tim nhanh thất kiểu xoắn đỉnh có thể xảy ra nhưng ít hơn so với khi dùng quinidin. So với quinidin, PA cũng có tác dụng làm giảm lực co cơ và không có tác dụng lên sức cản của mạch ngoại vi. Trong trường hợp chức năng cơ tim bị giảm, đặc biệt nếu nồng độ trong huyết tương cao và dùng liều cao, có thể gặp suy tim cấp do PA gây ra.
Có thể uống hoặc tiêm PA. Khi uống, PA được hấp thu nhanh, khả dụng sinh học khoảng 80% với thể tích phân bố có thể 2 lít/kg. PA đào thải bằng cả bài tiết qua thận và chuyển hóa ở gan, với nửa đời là 2 – 5 giờ, do đó khoảng cách liều dùng đường uống 3 – 4 giờ là thích hợp. Nồng độ điều trị ở huyết tương là 4 – 10 microgam/ml, ở các nồng độ cao hơn 12 microgam/ml (chẳng hạn 13 microgam/ml trong điều trị loạn nhịp thất), thuốc có độc tính cao.
Khoảng 50% PA bị acetyl hóa thành NAPA ở gan, NAPA bài tiết chủ yếu qua thận với nửa đời thay đổi từ 6 đến 12 giờ. Tốc độ và mức độ acetyl hóa PA thay đổi theo từng người bệnh. Ở người bệnh có acetyl hóa nhanh thì nồng độ NAPA trong huyết tương cao hơn (và cũng do vậy mà có nồng độ PA thấp hơn) nồng độ NAPA trong huyết tương ở người bệnh có acetyl hóa chậm. Tình trạng acetyl hóa hầu như không có ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc nhưng ở người có acetyl hóa chậm thường gặp triệu chứng giống luput hơn. Ở các người bệnh có rối loạn chức năng thận, NAPA có thể tích lũy và cần giảm liều.
Chỉ định
PA dùng điều trị loạn nhịp tâm thất, đặc biệt những trường hợp loạn nhịp thất đã kháng lidocain hoặc sau nhồi máu cơ tim. PA cũng được dùng duy trì nhịp xoang sau khi khử rung ở rung nhĩ, dùng phòng loạn nhịp thất và trên thất. PA thường dùng để điều trị ngắn hạn loạn nhịp nặng hoặc loạn nhịp triệu chứng.
Nói chung không dùng PA điều trị loạn nhịp nhẹ vì PA có tác dụng gây loạn nhịp tim. Tránh dùng PA để điều trị ngoại tâm thu thất không triệu chứng.
Cũng như các thuốc chống loạn nhịp khác dùng điều trị loạn nhịp đe dọa tính mạng, khởi đầu điều trị dùng PA cần phải thực hiện tại bệnh viện. Vì PA có thể gây ra những rối loạn nặng về máu (0,5%) nên chỉ dùng PA khi có chỉ dẫn của bác sĩ.
Chống chỉ định
Blốc tim hoàn toàn: Do PA có tác dụng chặn nút hoặc chặn điều hòa nhịp thất gây nguy cơ suy tâm thu. Khi điều trị tăng nhịp thất, nếu thấy xuất hiện chậm nhịp thất đáng kể mà không thấy dẫn truyền nhĩ – thất thì phải ngừng thuốc.
Blốc nhĩ – thất độ hai và các typ bán chẹn: Tránh dùng vì sẽ tăng chẹn, trừ khi có đặt máy tạo nhịp.
Người mẫn cảm với novocain hay các thuốc tê có cấu tạo este tuy không chắc có nhạy cảm chéo với PA, nhưng thầy thuốc phải chú ý và không dùng PA khi thuốc gây viêm da dị ứng cấp, hen hay các triệu chứng phản vệ.
Luput ban đỏ toàn thân: Vì nếu dùng sẽ tăng các triệu chứng.
Xoắn đỉnh: Là trường hợp loạn nhịp khác thường, có đặc điểm là có sự thay đổi của 1 hoặc nhiều hơn nhịp thất sớm. Nếu dùng PA chỉ làm nặng thêm ngoại tâm thu thất hoặc làm tăng nhịp tim.
Thận trọng
Sốc tim, suy cơ tim, huyết áp thấp, nhịp tim chậm.
Có rối loạn chất điện giải, chú ý đến kali ngoài tế bào; nhược cơ, hen phế quản.
Trường hợp có giảm chức năng thận hoặc gan, suy tim, rất có thể nguy cơ tích lũy PA và NAPA, cần giảm liều một cách thích hợp.
Trong trường hợp phải dùng liều cao cho người bệnh có chức năng cơ tim giảm, thì nên điều trị phối hợp với các thuốc chống loạn nhịp khác để giảm liều PA. Khi phối hợp với một thuốc khác có tác dụng giảm co bóp cơ tim như thuốc chẹn beta – giao cảm hoặc thuốc chẹn calci, thì phải hết sức cẩn thận vì dễ làm loạn nhịp nặng lên hoặc phát sinh một dạng loạn nhịp mới.
Ðể tránh nguy cơ sinh các triệu chứng kiểu luput ban đỏ toàn thân, phải hạn chế dùng PA, và chỉ dùng cho loạn nhịp nặng khi mà thuốc khác không có tác dụng đối với người bệnh.
Cần căn dặn người bệnh chú ý theo dõi, khi thấy có các triệu chứng về khớp và cơ, phải tìm gặp bác sĩ. Cũng cần dặn người bệnh khi thấy sốt, đau họng cần gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng máu, nếu có nghi ngờ giảm bạch cầu trung tính cần cho người bệnh vào bệnh viện ngay.
Thời kỳ mang thai
PA là thuốc tim để xóa và phòng loạn nhịp nhanh thất và nhĩ. Thuốc không gây những bất thường bẩm sinh hoặc những tác dụng không mong muốn khác lên thai nhi hay lên người mang thai.
Ðã có những trường hợp loạn nhịp của thai nhi hoặc của người mang thai được chữa thành công với PA. PA dùng phối hợp với metoprolol điều trị khỏi nhịp nhanh thất ở người có thai 24 tuần lễ mà không thấy các tác dụng không mong muốn ở thai nhi hoặc trẻ mới sinh.
Thời kỳ cho con bú
PA và NAPA tích lũy ở sữa. Khi nồng độ tổng cộng PA và NAPA ở huyết tương mẹ là 8 microgam/ml thì ở sữa là 64,8 microgam/ml. Nếu trẻ bú 1 lít sữa/24 giờ thì đã uống theo 65 mg/24 giờ (PA và NAPA). Liều này không có ý nghĩa lâm sàng. Người cho con bú có thể dùng PA. Tuy nhiên, những tác dụng lâu dài về sau đối với con chưa được đánh giá rõ.