Mục lục
Rabipur (vắc xin dại tế bào tinh chế từ phôi gà), vắc xin dại dùng cho người, là vắc xin đông khô vô khuẩn thu được bằng việc nuôi virus chủng Flury LEP đã bất hoạt trong môi trường nguyên bào sợi gà nguyên bản.
Dạng trình bày
Bột đông khô
Dạng đăng kí
Thuốc kê đơn
Thành phần
– Virus dại bất hoạt (chủng Flury LEP): Hoạt lực ≥2,5 IU
– TRIS-(hydroxymethyl)-aminomethane 3,0 – 4,0 mg
– Natriclorid 4,0 – 5,0 mg
– Titriplex III (Edetatdinatri) 0,2 – 0,3 mg
– Kali-L-glutamata 0,8 – 1,0 mg
– Polygelinea 9,0 – 12,0 mg
– Sucrose 20,0 – 100,0 mg
– Nước pha tiêm 1,0 ml
Chỉ định
Gây miễn dịch chủ động phòng dại.
Tiêm chủng trước phơi nhiễm (dự phòng, trước khi phơi nhiễm): Tiêm chủng trước khi có khả năng nhiễm bệnh dại, đặc biệt đối với nhân viên thú y, sinh viên thú y, người giữ súc vật, thợ săn, nhân viên lâm nghiệp, người dạy thú, người giết mổ gia súc, nhân viên phòng thí nghiệm bệnh dại…hoặc trước khi vào vùng có bệnh dại lưu hành.
Điều trị sau phơi nhiễm: Điều trị sau khi tiếp xúc với thú vật mắc bệnh dại hoặc nghi dại, hoặc sau khi tiếp xúc với xác thú vật nhiễm bệnh dại.
Chống chỉ định
Tiêm chủng trước khi phơi nhiễm:
Không nên tiêm chủng trước khi phơi nhiễm cho những bệnh nhân có bệnh cấp tính cần điều trị.
Người có tiền sử dị ứng với một trong những thành phần của thuốc.
Điều trị sau phơi nhiễm: vì bệnh dại là bệnh gây tử vong nên không có chống chỉ định tiêm chủng sau khi phơi nhiễm với con vật nghi mắc bệnh.
Liều và cách dùng
Mỗi liều là 01ml; trẻ em và người lớn dùng liều như nhau.
1/ Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm:
Bắt đầu tiêm chủng càng sớm càng tốt.
a/ Người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ: người lớn và trẻ em dùng một liều vắc-xin vào các ngày 0, 3, 7, 14 và 28.
b/ Người đã tiêm chủng đầy đủ: Tiêm hai liều vắc-xin vào ngày 0 và ngày 3.
2/ Tiêm chủng trước phơi nhiễm: Tiêm một liều vắc-xin vào các ngày 0, 7, 21 (hoặc 28)
Tiêm chủng nhắc lại: Nếu không thể thực hiện xét nghiệm huyết thanh vì tốn kém hoặc không có phương tiện xét nghiệm, nên tiêm một liều nhắc lại một năm sau lần tiêm chủng ban đầu, sau đó mỗi 5 năm nên tiêm nhắc lại một liều.
Cách dùng:
Ngay trước khi tiêm, phải pha vắc-xin đông khô với dung môi được cung cấp, lắc nhẹ vắc-xin đã pha. Vắc-xin phải được dùng ngay sau khi pha xong. Vắc-xin được tiêm bắp ở cơ delta, hoặc trong trường hợp trẻ nhỏ có thể tiêm ở mặt trước – bên của đùi, không được tiêm mông. Ở một số nước, giới chức thẩm quyền chuyên môn chấp nhận dùng đường tiêm trong da để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Rabipur là một trong số ít các vắc-xin dại được WHO khuyên dùng tiêm trong da. Để biết thêm thông tin, xin liên hệ với Chiron Vaccines.
Chú ý đề phòng và thận trọng
Sau khi tiếp xúc với con vật nghi ngờ mang mầm bệnh dại, cần thực hiện các bước sau:
Sơ cứu: rửa sạch vết thương ngay với xà phòng và nhiều nước, rồi sát khuẩn bằng cồn 70o hoặc cồn iod.
Không nên khâu kín vết thương mà chỉ khâu tạm. Nên tiêm vắc xin uốn ván khi cần.
Trong trường hợp có chỉ định đồng thời tiêm vắc xin và immunoglobulin, liều khuyến nghị của immunoglobulin người kháng dại cần được tiêm sâu và chung quanh vết thương càng nhiều càng tốt.
Lượng immunoglobulin còn lại được tiêm bắp ở một vị trí xa chỗ tiêm vắc xin, tốt nhất là tiêm vào mông.
Chưa thấy mối nguy hiểm nào được báo cáo về việc sử dụng Rabipur cho phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc
Trên bệnh nhân đang dùng liệu pháp ức chế miễn dịch hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải, sự đáp ứng với tiêm chủng có thể giảm hoặc không chắc chắn.
Nên tránh dùng thuốc ức chế miễn dịch và thuốc chống sốt rét trong thời gian điều trị sau phơi nhiễm.
Chỉ được dùng immunoglobulin dại theo liều được khuyến nghị. Không bao giờ được dùng immunoglobulin với liều cao hơn hoặc thấp hơn liều được khuyến nghị vì có thể làm giảm tác dụng của vắc xin dại được tiêm cùng lúc.
Tác dụng không mong muốn
Có thể có các phản ứng nhẹ tại chỗ tiêm như: đau, đỏ, sưng hoặc cứng chỗ tiêm.
Các phản ứng tại chỗ nặng hơn có thể xảy ra như: sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa.
Có một số báo cáo lẻ tẻ về rối loạn thần kinh, viêm và mất myelin như liệt tăng dần lên trên hay viêm thần kinh thị trong những trường hợp cá biệt.