Tên chung quốc tế: Sotalol.
Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp tim thuộc 2 nhóm: Nhóm III và nhóm II (thuốc chẹn b – adrenergic).
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 80 mg, 120 mg, 160 mg hoặc 240 mg sotalol hydroclorid.
Cơ chế tác dụng
Sotalol hydroclorid là một thuốc chẹn beta – adrenergic không chọn lọc. Sotalol ức chế đáp ứng với kích thích adrenergic bằng cách chẹn cạnh tranh thụ thể beta1 – adrenergic trong cơ tim và thụ thể beta2 – adrenergic trong cơ trơn phế quản và mạch máu. Sotalol có tác dụng chống loạn nhịp đặc trưng của thuốc chống loạn nhịp nhóm II (do cơ chế chẹn thụ thể beta – adrenergic). Là một dẫn chất methan – sulfonanilid, sotalol biểu thị những tác dụng điện sinh lý đặc trưng của thuốc chống loạn nhịp nhóm III (do kéo dài thời gian điện thế hoạt động và thời kỳ trơ của tim mà không ảnh hưởng đến dẫn truyền). Sotalol không có hoạt tính nội tại giống giao cảm.
Sotalol ức chế chọn lọc thành phần hoạt hóa nhanh của kênh kali có liên quan đến tái cực của tế bào tim. Sotalol kéo dài thời kỳ trơ hiệu quả của tâm thất, và kéo dài thời gian của điện thế hoạt động. Trên điện tâm đồ, điều này biểu thị ở sự kéo dài thời gian Q – T.
Sotalol được dùng để điều trị và dự phòng tái phát loạn nhịp thất đe dọa tính mạng (ví dụ, nhịp nhanh thất kéo dài).
Sotalol có thể làm giảm ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu thất cặp đôi, và nhịp nhanh thất không duy trì ở người bệnh có ngoại tâm thu thất thường xuyên, và có thể chặn tái phát loạn nhịp nhanh thất ở những người bệnh có nhịp nhanh thất và/hoặc rung thất.
Như những thuốc chống loạn nhịp khác, sotalol có thể làm nặng thêm chứng loạn nhịp đang có hoặc gây loạn nhịp mới. Do đó không nên dùng thuốc này cho những loạn nhịp ít nghiêm trọng. Phải dùng thuốc này dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Dược động học
ở người khỏe mạnh, khi uống, khả dụng sinh học của sotalol là 90 – 100%. Khi uống, sẽ đạt nồng độ đỉnh huyết tương sau 2,5 đến 4 giờ, và đạt nồng độ huyết tương ở trạng thái ổn định trong vòng 2 – 3 ngày (nghĩa là, sau 5 – 6 liều, dùng hai lần một ngày). Trong phạm vi liều 160 – 640 mg/ngày, sotalol có những nồng độ huyết tương tỷ lệ với liều. Sự phân bố diễn ra ở khoang trung tâm (huyết tương) và ngoại biên với nửa đời thải trừ trung bình là 12 giờ. Liều dùng 12 giờ một lần dẫn đến nồng độ huyết tương thấp nhất, bằng khoảng một nửa nồng độ đỉnh.
Sotalol không liên kết với protein huyết tương và không chuyển hóa. Nồng độ huyết tương của sotalol rất ít thay đổi giữa các cá nhân. Sotalol ít đi qua hàng rào máu – não.
Sotalol được bài xuất chủ yếu qua thận dưới dạng không thay đổi, và do đó cần dùng liều thấp hơn trong trường hợp suy thận. Bản thân tuổi tác không làm thay đổi đáng kể dược động học của sotalol, nhưng suy giảm chức năng thận ở người cao tuổi, có thể làm tăng nửa đời thải trừ cuối cùng, dẫn đến tăng tích lũy thuốc. Sotalol bị giảm hấp thu khoảng 20% khi uống vào bữa ăn thông thường, so sánh với khi nhịn đói. Vì sotalol không chuyển hóa qua gan lần đầu, không có thay đổi về độ thanh thải sotalol ở người bệnh suy gan.
Chỉ định
Sotalol uống được chỉ định trong điều trị loạn nhịp tim, điều trị duy trì đối với loạn nhịp nhĩ. Ðể dự phòng và điều trị loạn nhịp nhanh thất và trên thất, nhịp nhanh thất kéo dài mà thầy thuốc coi là rất nặng, đe dọa tính mạng. Vì sotalol có tiềm năng gây loạn nhịp tim, nên nói chung không nên dùng sotalol cho người có loạn nhịp ít nghiêm trọng, kể cả khi mới có triệu chứng. Không cần dùng sotalol cho người có ngoại tâm thu không triệu chứng.
Khi bắt đầu điều trị với sotalol hoặc tăng liều, cũng như với những thuốc chống loạn nhịp khác dùng điều trị những chứng loạn nhịp tim đe dọa tính mạng, phải tiến hành tại bệnh viện. Sau đó phải đánh giá đáp ứng của người bệnh bằng một phương pháp thích hợp (ví dụ, kích thích điện theo chương trình hoặc theo dõi Holter) trước khi tiếp tục điều trị người bệnh với liệu pháp kéo dài.
Những thuốc chống loạn nhịp không thấy làm tăng được thời gian sống của người bệnh loạn nhịp thất.
Chống chỉ định
Chống chỉ định sotalol ở những người bệnh hen phế quản, nhịp chậm xoang, blốc nhĩ – thất độ hai và độ ba (trừ phi có máy tạo nhịp), hội chứng QT kéo dài bẩm sinh hoặc mắc phải, sốc do tim, suy tim sung huyết không kiểm soát, và có tiền sử quá mẫn với sotalol.
Thận trọng
Sotalol có cùng tác dụng độc tiềm tàng của những thuốc chẹn beta – adrenergic không chọn lọc khác, và phải tuân thủ những biện pháp thận trọng khi dùng những thuốc này.
Ngoài ra, khác với những thuốc chẹn beta thông thường, sotalol có thể thúc đẩy phát triển xoắn đỉnh.
Phải dùng sotalol một cách thận trọng và dò liều cẩn thận, nếu dùng thuốc trong hai tuần đầu sau nhồi máu cơ tim cấp, đặc biệt ở những người bệnh có suy chức năng thất rõ rệt.
Không được dùng sotalol cho những người bệnh có giảm kali huyết, hoặc giảm magnesi huyết cho tới khi đã chữa trị được những mất cân bằng này, vì những bất thường về điện giải như vậy có thể làm tăng quá mức sự kéo dài khoảng QT và tăng nguy cơ gây xoắn đỉnh.
Cần đặc biệt chú ý đến cân bằng điện giải và kiềm – toan ở những người bệnh ỉa chảy nặng và kéo dài, và ở những người bệnh dùng thuốc lợi tiểu đồng thời.
Phải thận trọng khi dùng sotalol đồng thời với những thuốc khác được biết là có tác dụng kéo dài khoảng QT (ví dụ, những thuốc chống loạn nhịp nhóm I, phenothiazin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, terfenadin, astemisol).
Phải dùng sotalol hết sức thận trọng cho người bệnh có hội chứng suy nút xoang kết hợp với loạn nhịp có triệu chứng, vì thuốc có thể gây chậm xoang, nghỉ xoang hoặc ngừng xoang.
Phải dùng sotalol một cách thận trọng cho người bệnh có suy chức năng tim. Sự chẹn – beta bằng sotalol có thể có nguy cơ làm giảm lực co cơ tim và làm suy tim nặng hơn. Mặc dù phải tránh dùng những thuốc chẹn beta – adrenergic ở người có suy tim sung huyết rõ, có thể dùng sotalol một cách thận trọng, nếu cần, cho người suy tim được bù tốt (ví dụ, người được điều trị bằng glycosid trợ tim và/hoặc thuốc lợi tiểu). Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc là cả sotalol và glycosid trợ tim đều làm chậm dẫn truyền nhĩ – thất. Cũng phải thận trọng khi bắt đầu liệu pháp sotalol ở người có bất cứ dấu hiệu nào về rối loạn chức năng thất trái, mặc dù thuốc thường được dung nạp tốt về mặt huyết động học.
Vì thuốc chẹn beta – adrenergic có thể ức chế giãn phế quản gây nên bởi catecholamin nội sinh, không nên dùng những thuốc này cho người có co thắt phế quản (hen). Cũng không nên dùng cho người bệnh có viêm phế quản mạn hoặc khí phế thũng (giãn phế nang).
Sotalol có thể che lấp những dấu hiệu cường giáp (ví dụ, nhịp tim nhanh)