Mục lục
- 1 Dạng trình bày của thuốc Tetracyclin
- 2 Thành phần thuốc Tetracyclin và hàm lượng thuốc
- 3 Chỉ định và chống chỉ định của thuốc kháng sinh Tetracyclin
- 4 Liều và cách dùng thuốc Tetracyclin
- 5 Chú ý đề phòng và thận trọng khi sử dụng thuốc Tetracyclin
- 6 Tương tác của thuốc Tetracyclin
- 7 Tác dụng không mong muốn của thuốc Tetracyclin
- 8 Bảo quản thuốc Tetracyclin cần lưu ý gì?
- 9 Cơ chế tác dụng, tình trạng kháng thuốc Tetracyclin hiện nay
Tetracyclin là một kháng sinh phổ rộng có tác dụng kìm khuẩn do ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Thuốc kê đơn, được sử dụng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn gram âm và gram dương.
- Thuốc mỡ Tetracyclin được sử dụng phổ biến trong các bệnh nhiễm trùng mắt, da
Dạng trình bày của thuốc Tetracyclin
Viên nén và nang
Bột pha tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch
Thuốc mỡ
Siro
Sợi tetracyclin dùng trong nha khoa
Thành phần thuốc Tetracyclin và hàm lượng thuốc
Liều của tetracyclin base và tetracyclin hydroclorid được tính theo tetracyclin hydroclorid.
- Viên nén và nang 250 mg, 500 mg.
- Bột pha tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch: Lọ 250 mg, 500 mg.
- Thuốc mỡ: 1%, 3%.
- Siro: 125 mg/5 ml.
- Sợi tetracyclin dùng trong nha khoa: 12,7 mg/sợi.
Chỉ định và chống chỉ định của thuốc kháng sinh Tetracyclin
Thuốc Tetracyclin chỉ định khi bị bệnh gì?
Do mức độ kháng thuốc của vi khuẩn nghiêm trọng và hiện nay có nhiều loại thuốc kháng khuẩn khác nên hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh Tetracyclin trong điều trị. Tuy nhiên, thuốc vẫn còn được chỉ định trong một số nhiễm khuẩn khi xác định vi khuẩn còn nhạy cảm như sau.
- Tetracyclin điều trị nhiễm khuẩn do Chlamydia
- Bệnh Nicolas Favre; viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm xoang do Chlamydia pneumoniae; sốt vẹt (Psittacosis); bệnh mắt hột; viêm niệu đạo không đặc hiệu do Chlamydia trachomatis…
- Trứng cá bọc, trứng cá đỏ.
- Bệnh giang mai; bệnh Lyme.
- Nhiễm khuẩn do Rickettsia.
- Nhiễm khuẩn do Mycoplasma, đặc biệt các nhiễm khuẩn do
- Mycoplasma pneumoniae.
- Nhiễm khuẩn do Brucella và Francisella tularensis.
- Bệnh dịch hạch (do Yersinia pestis), bệnh dịch tả (do Vibrio cholerae).
- Bệnh than do Bacillus anthracis.
- Bệnh Leptospirose do Leptospira.
- Bệnh do amip Dientamoeba fragilis.
- Phối hợp trong một số phác đồ điều trị H. pylori trong bệnh loét dạ dày tá tràng.
- Phối hợp với thuốc chống sốt rét như quinin để điều trị sốt rét do
- Plasmodium falciparum kháng thuốc.
Sợi tetracyclin được dùng trong điều trị phụ trợ bệnh nha chu để giảm chảy máu và làm sâu thêm các hốc quanh chân răng khi lấy cao răng và làm sạch chân răng.
Chỉ nên dùng tetracyclin khi đã chứng minh được vi khuẩn gây bệnh còn nhạy cảm
Những ai không được dùng Tetracyclin
- Người mẫn cảm với bất kỳ một tetracyclin nào.
- Không dùng tetracyclin cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi, do việc sử dụng các thuốc nhóm tetracyclin trong quá trình phát triển của răng (nửa cuối thai kỳ và trẻ dưới 8 tuổi) có thể gây biến màu răng vĩnh viễn (vàng, xám, nâu) và thuốc có thể gắn vào và ảnh hưởng tới sự phát triển của xương.
Liều và cách dùng thuốc Tetracyclin
Cách dùng thuốc Tetracyclin
- Tetracyclin thường được uống khi điều trị nhiễm khuẩn toàn thân.Trường hợp nhiễm khuẩn cấp tính nặng, có thể chỉ định tiêm truyền tĩnh mạch chậm hoặc tiêm bắp nhưng rất hiếm. Vì tiêm bắp tetracyclin gây đau, dung dịch tiêm thường có thêm procain hydroclorid. Nên chuyển sang uống thay cho tiêm ngay khi có thể. Do thức ăn và sữa ảnh hưởng đến hấp thu tetracyclin qua đường tiêu hóa, nên uống thuốc ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn hoặc khi uống sữa.
- Để tránh kích ứng thực quản, nên uống tetracyclin với đủ lượng nước (một cốc to) ở tư thế thẳng, người bệnh không nên nằm ngay sau khi uống thuốc, không nên uống thuốc trước khi đi ngủ; không nên dùng cho bệnh nhân bị tắc nghẽn thực quản.
Liều dùng thuốc Tetracyclin
- Liều tetracyclin base và tetracyclin hydroclorid đều được tính theo muối hydroclorid.
- Người lớn: Liều thường dùng: 250 – 500 mg/lần, 2 – 4 lần/ngày, tùy theo mức độ nhiễm khuẩn.
- Trường hợp nhiễm khuẩn nặng: Uống 500 mg/lần, 4 lần/ngày hoặc tiêm truyền tĩnh mạch chậm 0,5 – 1 g/lần (dung dịch chứa không quá 0,5% tetracyclin hydroclorid), 2 lần/ngày (tuy nhiên, hiện nay rất hiếm có dạng thuốc tiêm).
- Trẻ em trên 8 tuổi: Uống 25 – 50 mg/kg thể trọng/ngày, chia 2 – 4 lần.
- Thuốc mỡ tra mắt 1%: Tra mắt 2 – 3 lần/ngày, tránh tiếp xúc với bụi sau khi tra thuốc.
- Thuốc bôi ngoài da: Bôi trên da 2 – 3 lần/ngày dạng dung dịch hoặc thuốc mỡ dùng ngoài (1% và 3%). Tránh để vùng da bôi thuốc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
- Trứng cá bọc, trứng cá đỏ (điều trị phụ trợ): 500 mg – 1 g/ngày, chia làm 2 – 4 lần, dùng trong 1 – 2 tuần hoặc đến khi có dấu hiệu cải thiện triệu chứng lâm sàng. Sau đó giảm liều xuống 125 mg – 500 mg/ngày hoặc liều thấp nhất có thể làm giảm các tổn thương trên da. Điều trị nên tiếp tục cho đến khi triệu chứng lâm sàng hoàn toàn được cải thiện (điều trị duy trì kéo dài có thể cần thiết).
- Nhiễm H. pylori trong viêm loét dạ dày – tá tràng (kết hợp): Tetracyclin được dùng phối hợp trong một số phác đồ điều trị nhiễm H. pylori, mức liều 500 mg, 4 lần/ngày, đợt bắt đầu điều trị là 14 ngày, sau đó điều chỉnh tùy theo tiến triển lâm sàng. Thuốc phối hợp thường là ít nhất 2 thuốc khác có tác dụng chống H. pylori, ví dụ phác đồ phối hợp metronidazol (250 mg), bismuth subsalicylat (525 mg).
- Sợi tetracyclin dùng trong nha chu: Cho đủ số lượng sợi vào hốc nha chu, cố định với chất dính như cyanoacrylat và để lưu trong 10 ngày. Để tránh sợi thuốc bị bật ra khỏi hốc bệnh, trong thời gian đặt sợi thuốc, người bệnh không nên nhai mạnh, không nhai các chất dính như kẹo cao su; khi vệ sinh răng không chải hoặc cọ sát vào gần vùng răng lợi đặt thuốc.
- Khi thấy sợi thuốc bị lỏng hoặc có thể rơi, cần báo ngay cho thầy thuốc. Vì cơ chế tác dụng của tetracyclin là kìm khuẩn, nên thời gian điều trị với tetracyclin thường phải đủ dài để đảm bảo vi khuẩn sau thời gian không sản sinh được sẽ chết, tức là nhiễm khuẩn không tái phát. Với các trường hợp nhiễm khuẩn cấp thông thường, thời gian điều trị thường là 10 ngày, hoặc ít nhất 3 ngày sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, 7 – 14 ngày sau khi hết sốt (sốt vẹt). Với các trường hợp mạn tính như trứng cá, thời gian điều trị có thể kéo dài 2 – 3 tháng, điều trị mắt hột từ 20 ngày – 2 tháng.
Cần thận trọng khi dùng tetracyclin cho người cao tuổi. Tránh dùng cho những trường hợp suy thận, nếu bắt buộc phải dùng thì phải giảm liều cho thích hợp.
Chú ý đề phòng và thận trọng khi sử dụng thuốc Tetracyclin
Chú ý khi sử dụng thuốc Tetracyclin
- Như các kháng sinh khác, tetracyclin có thể gây phát triển quá mức các vi sinh vật không nhạy cảm, kể cả nấm. Nếu xảy ra bội nhiễm, cần ngừng thuốc và thay thế bằng một phác đồ khác thích hợp.
- Khi điều trị kéo dài, cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ đánh giá chức năng gan, thận và tạo huyết.
- Một vài trường hợp dùng tetracyclin thấy có phản ứng nhạy cảm với ánh sáng biểu hiện bằng bỏng nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Những người bệnh dùng tetracyclin nếu phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hay tia tử ngoại cần được cảnh báo về nguy cơ này và cần ngừng thuốc ngay khi có những triệu chứng đầu tiên của ban đỏ.
Lưu ý dùng thuốc Tetracyclin khi mang thai
- Không dùng các kháng sinh nhóm tetracyclin cho phụ nữ mang thai, việc dùng tetracyclin trong và gần thai kỳ sẽ gây các hậu quả sau:
- Tác hại đến răng và xương thai nhi (xem chống chỉ định).
- Viêm gan do tetracyclin ở phụ nữ có thai.
- Gây dị tật bẩm sinh.
Lưu ý dùng thuốc Tetracyclin thời kỳ cho con bú
Tetracyclin phân bố trong sữa mẹ. Mặc dù tetracyclin có thể tạo phức không tan với calci trong sữa mẹ nên không hấp thu được, nhưng vẫn không nên dùng tetracyclin trong thời kỳ cho con bú vì khả năng biến mầu răng vĩnh viễn, giảm sản men răng, ức chế sự phát triển xương, phản ứng nhạy cảm ánh sáng, nấm Candida ở miệng và âm đạo trẻ nhỏ.
Bà mẹ cân nhắc không nên dùng tetracyclin hoặc không cho con bú khi dùng thuốc này.
Tương tác của thuốc Tetracyclin
Thuốc Tetrcyclin tương tác với các thuốc khác thế nào?
Tetracyclin + penicilin: Tetracyclin làm giảm hoạt lực của penicilin trong điều trị viêm màng não do phế cầu khuẩn. Tương tác này không chắc chắn có xảy ra đối với các nhiễm khuẩn khác hay không. Có thể sự giảm hoạt lực này chỉ quan trọng đối với các trường hợp cần diệt khuẩn nhanh chóng
Tetracyclin + thuốc chống acid: Nồng độ tetracyclin huyết tương giảm dẫn đến hoạt tính điều trị của kháng sinh giảm đi rõ rệt hay mất hẳn nếu dùng cùng với các thuốc chống acid chứa nhôm, bismuth, calci hay magnesi. Các antacid khác như natri bicarbonat làm tăng pH dịch vị cũng có thể làm giảm sinh khả dụng của một số chế phẩm có tetracyclin.
Tetracyclin + thuốc lợi tiểu: Đã có khuyến cáo không nên phối hợp các tetracyclin với các thuốc lợi tiểu vì tương tác này dẫn đến tăng urê huyết.
Thuốc Tetracyclin tương tác với thực phẩm thế nào?
Tetracyclin + các chế phẩm chứa sắt: Phối hợp tetracyclin với các muối sắt làm giảm rõ rệt hấp thu cả hai loại thuốc này ở ruột, dẫn đến giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh, hiệu lực điều trị giảm hay mất hẳn. Nếu bắt buộc phải dùng cả hai loại thuốc này, thời gian uống chúng phải cách xa càng lâu càng tốt để tránh sự trộn lẫn hai thuốc này ở ruột.
Tetracyclin + sữa và các sản phẩm từ sữa: Hấp thu các tetracyclin giảm đáng kể (đến 70 – 80%) nếu dùng cùng sữa và các sản phẩm từ sữa, dẫn đến giảm hay mất hẳn khả năng điều trị
Tương kỵ của thuốc Tetracyclin
Dung dịch tiêm tetracyclin có pH acid và tương kỵ có thể xảy ra với các chế phẩm có tính base hay các thuốc không ổn định ở pH thấp. Tương kỵ được khuyến cáo với nhiều thuốc như: Các penicilin, cloramphenicol natri succinat, các muối erythromycin, oxacilin natri, polymyxin B sulfat, sulfadiazin natri, sulphafurazol diethanolamin, amikacin sulfat, aminophylin, các barbiturat, máu, clorothiazid natri, clorpromazin, cyanocobalamin, dimenhydrinat, heparin natri, hydrocortison natri succinat, methyldopa, nitrofurantoin, các thuốc giảm đau opioid như morphin và pethidin, phenytoin natri, một số dung dịch nuôi dưỡng nhân tạo, các vitamin nhóm B và warfarin natri. Tetracyclin tạo tủa với sữa và tạo phức không tan với các ion kim loại, do vậy không nên dùng đồng thời với các dung dịch có chứa calci, magnesi, mangan, nhôm, sắt.
Tác dụng không mong muốn của thuốc Tetracyclin
Tỷ lệ ADR được ghi nhận là 7 – 20%, phụ thuộc vào liều và thời gian điều trị. ADR thường gặp nhất là về tiêu hóa.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Tetracyclin, ADR > 1/100
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy.
- Chuyển hóa: Răng trẻ kém phát triển và biến màu khi sử dụng tetracyclin cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 8 tuổi.
- ADR khác: Tăng phát triển vi khuẩn kháng kháng sinh và nguy cơ phát triển vi khuẩn đường ruột kháng kháng sinh. Gây loạn khuẩn đường ruột.
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Tetracyclin, 1/1 000 < ADR < 1/100
- Tiêu hóa: Loét và co hẹp thực quản.
- Da: Phản ứng dị ứng da, mày đay, phù Quincke, tăng nhạy cảm với ánh sáng khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Tetracyclin, ADR <1/1 000
- Toàn thân: Các phản ứng quá mẫn phản vệ, ban xuất huyết phản vệ, viêm ngoại tâm mạc, lupus ban đỏ toàn thân trầm trọng thêm.
- Máu: Thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính và tăng bạch cầu ưa eosin.
- Tiêu hóa: Viêm ruột kết màng giả, viêm lưỡi, viêm miệng, viêm tụy.
- Phụ khoa: Viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, nhiễm nấm do rối loạn hệ vi khuẩn thường trú.
- Gan: Độc với gan cùng với suy giảm chức năng thận.
- Thần kinh: Tăng áp lực nội sọ lành tính.
Bảo quản thuốc Tetracyclin cần lưu ý gì?
- Nói chung, tetracyclin hydroclorid ở dạng rắn tương đối ổn định khi bảo quản ở điều kiện độ ẩm và nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng.
- Hoạt lực giảm ở nhiệt độ cao, giảm khoảng 10% hoạt lực sau 2 tháng khi để ở 37 o C và độ ẩm 66%.
- Trong dung dịch, tetracyclin dễ bị epime hóa thành 4-epitetracyclin tác dụng kém hơn. Mức độ epime hóa phụ thuộc pH dung dịch và mạnh nhất ở pH khoảng 3 với khoảng 55% ở dạng epime hóa khi đạt trạng thái cân bằng.
- Dung dịch tiêm tĩnh mạch tetracyclin hydroclorid ở pH 3 – 5 có thể giữ ổn định trong 6 giờ, nhưng mất 8 – 12% hoạt lực sau 24 giờ ở nhiệt độ phòng.
- Ngược lại với dạng dung dịch, dạng hỗn dịch tetracyclin hydroclorid ổn định ít nhất 3 tháng ở pH 4 – 7.
Cơ chế tác dụng, tình trạng kháng thuốc Tetracyclin hiện nay
Cơ chế tác dụng của thuốc Tetracyclin
Tetracyclin là một kháng sinh phổ rộng có tác dụng kìm khuẩn do ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Cơ chế tác dụng của tetracyclin là do khả năng gắn vào và ức chế chức năng ribosom của vi khuẩn. Khi vào trong tế bào vi khuẩn, tetracyclin gắn vào tiểu đơn vị 30S của ribosom, ngăn cản sự gắn kết aminoacyl t-RNA làm ức chế quá trình tổng hợp protein. Khi vi khuẩn kháng tetracyclin, vị trí gắn tetracyclin trên ribosom bị thay đổi. Do vậy, tetracyclin không gắn được vào ribosom của vi khuẩn và mất tác dụng.
Phổ tác dụng của thuốc Tetracyclin
Tetracyclin cơ bản có tác dụng trên nhiều vi khuẩn gây bệnh cả Gram âm và Gram dương, cả hiếu khí và kỵ khí; thuốc cũng có tác dụng trên Chlamydia, Mycoplasma, Rickettsia, Spirochaete. Các loại nấm, nấm men, virus không nhạy cảm với tetracyclin. In vitro, đã phát hiện một số vi khuẩn có trong các hốc răng của bệnh nha chu nhạy cảm với tetracyclin ở nồng độ tương đương nồng độ thuốc trong hốc răng khi đặt sợi tetracyclin. Một số vi khuẩn xác định trong bệnh này là Fusobacterium nucleatum, Porphyromonas gingivatis, Prevotella intermedia, Campylobacter rectus, Actinobacillus actinomycetemcomitans.
Thực tế lâm sàng đã xác định tetracyclin làm giảm tỷ lệ viêm và phù nề, giảm chảy máu, độ sâu của các hốc quanh chân răng. Tác dụng này đạt được có thể do nồng độ tetracyclin tại chỗ khá cao nên đã có tác dụng diệt vi khuẩn và ngăn cản xâm nhập của vi khuẩn. Tetracyclin còn hấp phụ vào xương răng và được xem như một nơi tích lũy thuốc để phóng thích dần sau khi đã lấy sợi thuốc ra khỏi hốc.
Do vậy, sợi tetracyclin đã được dùng điều trị phụ trợ trong các bệnh nha chu ở người lớn để làm giảm làm sâu các hốc, chảy máu ở quanh răng. Sợi tetracyclin thông thường có khả năng phóng thích thuốc kéo dài trong 10 ngày. Gần đây, sử dụng tetracyclin trong điều trị phụ trợ cho các trường
hợp trứng cá viêm (trứng cá bọc, trứng cá đỏ) có hiệu quả khả quan. Quá trình điều trị cần được thầy thuốc theo dõi chuyển biến lâm sàng và điều chỉnh kịp thời. Thời gian điều trị thường phải bắt đầu một vài tuần, sau đó điều chỉnh hoặc duy trì cho đến khi các
tình trạng bệnh được cải thiện rõ ràng.
Tình trạng kháng thuốc Tetracyclin hiện nay
Cho đến nay, rất nhiều chủng vi khuẩn đã kháng tetracyclin do việc lạm dụng thuốc và sử dụng thuốc không hợp lý, đặc biệt ở Việt Nam.
Đối với cầu khuẩn: Ước tính có trên 50% số chủng Staphylococcus, trên 50% số chủng Streptococcus (trên 60% với chủng Streptococcus pneumoniae) đã kháng tetracyclin.
Đối với trực khuẩn Gram âm: Ước tính có trên 40% chủng Haemophilus influenzae, trên 80% các chủng Klebsiella, E.aerogenes, Shigella flexneri, E.coli đều đã kháng tetracyclin. Tất cả các chủng Pseudomonas, Proteus, Serratia cũng đều đã kháng thuốc.
Theo số liệu của ASTS năm 1997: ở Việt Nam, 92,9 % Salmonella typhi kháng lại tetracyclin. 41,4 % H. influenzae; 87,9 % K. pneumoniae; 82,9 % E. aerogenes; 86,7 % Shigella flexneri; 57,1% Staphylococcus aureus; 82,3% E. coli; 50% Streptococcus pyogenes; 79,2 % Streptococcus nhóm D đã kháng doxycyclin, có nghĩa là cũng đã kháng tetracyclin. Chính vì vậy mà hiện nay tetracyclin ít được sử dụng hoặc sử dụng nhưng kém hiệu quả.
Dược động học thuốc Tetracyclin
Tetracyclin được hấp thu qua đường tiêu hóa. Khoảng 80% tetracyclin được hấp thu khi uống thuốc lúc đói. Hấp thu tetracyclin giảm khi có mặt ion kim loại hóa trị 2 và 3 do tạo phức không tan bền vững. Ngoài ra, sự hấp thu tetracyclin khi uống còn bị ảnh hưởng bởi sữa và thức ăn.
Thuốc đạt nồng độ điều trị trong huyết tương (trên 1 microgam/ml) khoảng 1 giờ sau khi uống liều đơn 250 mg, duy trì trong khoảng 6 giờ và đạt nồng độ tối đa khoảng 2 – 3 microgam/ml sau 2 – 3 giờ. Tetracyclin phân bố rộng khắp trong các mô và dịch cơ thể. Nồng độ trong dịch não tủy tương đối thấp, nhưng có thể tăng trong trường hợp viêm màng não.
Một lượng nhỏ xuất hiện trong nước bọt, nước mắt và dịch phổi. Tetracyclin còn tìm thấy trong sữa mẹ với nồng độ có thể đạt 60% hay hơn so với nồng độ thuốc trong máu người mẹ. Tetracyclin qua nhau thai và xuất hiện trong tuần hoàn của thai nhi với nồng độ khoảng 25 – 75% so với nồng độ thuốc trong máu người mẹ. Tetracyclin gắn vào xương trong quá trình tạo xương mới, quá trình calci hóa và ảnh hưởng đến quá trình hình thành xương và răng của trẻ.
Nửa đời thải trừ của tetracyclin khoảng 8 giờ; khoảng 60% liều tiêm tĩnh mạch hoặc 55% liều uống được thải qua nước tiểu ở dạng chưa biến đổi. Ngoài ra, thuốc còn được bài tiết qua mật vào ruột và một phần được tái hấp thu trở lại qua vòng tuần hoàn gan – ruột.