Thuốc Tropicamide dùng tại chỗ làm giãn đồng tử và liệt cơ mi để thăm khám mắt.
Tên chung quốc tế: Tropicamide.
Loại thuốc: Thuốc giãn đồng tử, kháng muscarin.
Dạng thuốc và hàm lượng
Tùy theo biệt dược, có các tá dược và chất bảo quản khác nhau, thí dụ:
Mydriacyl 0,5% và 1% có chứa chất bảo quản benzalkonium clorid 0,01% (không được dùng khi mang kính tiếp xúc mềm.
Dung dịch tra mắt 0,5% và 1%.
Cơ chế tác dụng
Tropicamid là thuốc kháng muscarin tổng hợp có tác dụng tương tự atropin, cả trên trung tâm và ngoại biên, nhưng làm giãn đồng tử và liệt cơ mi nhanh hơn và ngắn hơn. Giãn đồng tử xuất hiện 15 – 20 phút sau khi nhỏ thuốc và kéo dài 7 giờ; tác dụng liệt cơ mi xuất hiện tối đa sau 20 phút và thời gian tác dụng ngắn hơn. Khả năng điều tiết mắt hồi phục hoàn toàn sau 2 – 6 giờ.
Tropicamid được hấp thụ tốt qua đường tiêu hóa, niêm mạc, mắt và một phần qua da. Thuốc ra khỏi máu và phân bố nhanh vào khắp các cơ quan trong cơ thể, qua được hàng rào máu – não, nhau – thai và một lượng nhỏ có trong sữa. Nửa đời của thuốc là 4 giờ. Thuốc chuyển hóa không hoàn toàn ở gan và được thải qua nước tiểu ở dạng không đổi và dạng chuyển hóa.
Muối amoni bậc 4 của thuốc được hấp thụ ít hơn theo đường uống, dễ dàng ion hóa trong dịch cơ thể và không qua được hàng rào máu – não, do tan ít trong lipit.
Chỉ định
Dùng tại chỗ làm giãn đồng tử và liệt cơ mi để thăm khám mắt (soi đáy mắt, đo khúc xạ). Ðối với trẻ em, không dùng để làm liệt cơ mi mà phải dùng một tác nhân mạnh hơn như atropin chẳng hạn.
Dùng trước và sau phẫu thuật, khi cần giãn đồng tử thời gian ngắn.
Chống chỉ định
Glôcôm góc đóng hoặc góc tiền phòng hẹp. Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.
Không được dùng chế phẩm có chất bảo quản benzalkonium clorid khi người bệnh mang kính tiếp xúc mềm.
Thận trọng
Khi dùng cho người cao tuổi vì hay có glôcôm góc đóng (làm tăng nhãn áp) hoặc có phì đại tuyến tiền liệt (gây bí đái).
Khi dùng cho trẻ em hoặc người dễ nhạy cảm với các alcaloid của beladon do nguy cơ tăng độc tính toàn thân.
Khi dùng cho mắt bị viêm vì sung huyết làm tăng hấp thụ thuốc ở kết mạc.
Phải chờ khi mắt nhìn rõ mới được lái xe hoặc điều khiển máy móc.
Cần ấn vào ống dẫn lệ ít nhất 1 phút trong và sau khi tra thuốc để hạn chế sự hấp thu thuốc, gây độc.
Thời kỳ mang thai và cho con bú
Thuốc qua được nhau thai và tiết qua sữa mẹ. Tuy chưa có đủ bằng chứng về tác dụng có hại của thuốc nhưng cũng chưa đủ tài liệu về an toàn, nên chỉ dùng khi thật cần.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thường gặp, ADR > 1/100
Tại chỗ: Tăng nhãn áp, chói, nhức mắt (do đồng tử giãn rộng). Nếu tra thuốc kéo dài gây kích ứng tại chỗ, gây sung huyết, phù, viêm kết mạc. Toàn thân: Khô miệng, đỏ bừng mặt, da khô.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Phát ban và trướng bụng ở trẻ em.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
(Thuộc vào loại dùng quá liều hoặc rất nhạy cảm với thuốc).
Nhịp tim chậm sau đó nhịp nhanh, kèm theo đánh trống ngực và loạn nhịp; rối loạn tâm thần, hành vi; trụy tim mạch.
Liều lượng và cách dùng
Soi đáy mắt: 1 – 2 giọt dung dịch 0,5%, nhỏ 15 – 20 phút trước khi khám.
Ðo độ khúc xạ mắt: 1 – 2 giọt dung dịch 1%, 5 phút sau nhắc lại.
Nếu trong vòng 20 – 30 phút sau khi tra thuốc mà người bệnh chưa được thăm khám thì cần tra thêm 1 giọt thuốc để kéo dài tác dụng.
Tropicamid phối hợp với các thuốc kháng acetylcholin khác làm tăng tác dụng kháng cholinergic và tác dụng lên thần kinh trung ương và ngoại biên. Hậu quả có thể rất nguy hiểm.
Tropicamid và các thuốc kháng histamin: tác dụng của thuốc tăng lên nếu phối hợp. Tropicamid làm ảnh hưởng đến hấp thu của một số thuốc do làm giảm nhu động dạ dày.
Tropicamid tránh phối hợp với phenothiazin và thuốc chống trầm cảm ba vòng vì làm tăng tác dụng kháng muscarin.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản ở chỗ mát, tránh ánh sáng, tránh đông lạnh, trong lọ nút kín. Chỉ dùng trong vòng 1 tháng sau khi đã mở nắp.
Quá liều và xử trí
Ngộ độc toàn thân có thể xảy ra khi nhỏ mắt, nhất là ở trẻ em. Biểu hiện: đỏ bừng mặt, khô da (phát ban ở trẻ em), nhìn mờ, mạch nhanh và không đều, sốt, trướng bụng ở trẻ em, co giật, ảo giác, mất phối hợp thần kinh – cơ.
Xử trí: Ðiều trị hỗ trợ. Ở trẻ em nên đắp khăn ẩm. Nếu do uống nhầm, phải gây nôn hoặc rửa dạ dày.