Mục lục
Tên chung quốc tế: Vaccinum morbillorum – parotitidis – rubellae vivum.
Loại thuốc: Vaccin gây miễn dịch chủ động.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc tiêm (bột thuốc đông khô và dung môi để pha vừa đủ 0,5 ml).
Mỗi liều vaccin đông khô chứa ít nhất 100 liều gây nhiễm mô cấy 50% (TCID50) của virus sởi sống, chủng Schwarz, siêu giảm hoạt lực; chứa ít nhất 5000 TCID50 của virus quai bị sống, chủng Urab AM – 9, giảm hoạt lực; chứa ít nhất 1000 TCID50 của virus rubella sống, chủng Wistar RA 27/3 M, giảm hoạt lực.
Các thành phần khác: Albumin nhau thai người vừa đủ; dung môi pha loãng. Vaccin có thể chứa một vài chất kháng khuẩn thích hợp như 1 lượng rất nhỏ neomycin và kanamycin.
Cơ chế tác dụng
Trong vaccin sống sởi, quai bị, rubella, virus sởi sống giảm hoạt lực được nuôi cấy trên tế bào nguyên thủy phôi gà, virus quai bị được điều chế bằng cách nuôi cấy trong trứng gà có phôi và virus rubella được nuôi cấy trên tế bào lưỡng bội người. Miễn dịch hình thành khoảng 15 ngày sau khi tiêm vaccin, thời gian duy trì miễn dịch của từng vaccin đơn giá ít nhất 8 năm đối với quai bị và ít nhất 18 năm đối với rubella và sởi.
Chỉ định
Phòng sởi, quai bị và rubella cho trẻ em (12 tháng tuổi hoặc lớn hơn) và cho người lớn. Nếu trẻ em dưới 12 tháng tuổi đã được tiêm phòng thì cần được tiêm vaccin nhắc lại khi được 15 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại theo thường quy được khuyên dùng cho tất cả trẻ em khi bắt đầu đi nhà trẻ và cũng có thể khi vào trường học (tiểu học, trung học).
Ðối với trẻ em nhiễm HIV, vaccin sởi – quai bị – rubella được tiêm thường lệ vào lúc 15 tháng tuổi.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với neomycin và kanamycin, lao đang tiến triển chưa điều trị, đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch, các trạng thái suy giảm miễn dịch, ung thư tế bào máu và hệ lympho bào. Tránh mang thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm vaccin và tránh tiêm phòng trong vòng 3 tháng sau khi được truyền máu toàn phần, huyết tương hoặc gamma globulin.
Người đã biết dị ứng với protein của trứng (phản ứng phản vệ sau khi ăn trứng).
Thận trọng
Khả năng sinh miễn dịch đối với bệnh sởi bị suy giảm nếu dùng vaccin trong vòng 6 tháng sau khi tiêm globulin miễn dịch.
Nên có sẵn adrenalin trong và sau khi tiêm vaccin.
Thời kỳ mang thai
Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ không nên tiêm vaccin trừ phi không mang thai vào thời điểm tiêm, và tránh thụ thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm vaccin.
Thời kỳ cho con bú
Chưa rõ các vaccin sởi và quai bị có phân bố vào trong sữa hay không.
Virus vaccin rubella có thể truyền vào trẻ qua sữa mẹ.
Chưa có một báo cáo khoa học nào nêu tác dụng có hại của vaccin đối với trẻ.
Nhà sản xuất khuyến cáo rằng vaccin sởi – quai bị – rubella nên được dùng thận trọng cho các bà mẹ đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Vaccin phối hợp được dung nạp tốt ở trẻ em. Phản ứng nhẹ có thể xảy ra 5 ngày sau khi tiêm: Sốt (có thể dự phòng bằng các loại thuốc hạ nhiệt), các triệu chứng hô hấp và mũi họng thoáng qua và ngoại ban.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Khó chịu, đau họng, phát ban, sốt, ban đỏ và đau chỗ tiêm.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Viêm tuyến mang tai, viêm tinh hoàn, hạch bạch huyết to từng vùng, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết, phản ứng dị ứng, viêm khớp, đau khớp, viêm đa dây thần kinh.
Rất hiếm gặp: Co giật, viêm não.
Liều lượng và cách dùng
Vaccin tiêm bắp hay dưới da. Sau khi pha, vaccin có màu từ vàng nhạt đến đỏ tím.
Sau khi pha xong vaccin cần được tiêm ngay, tuy nhiên cũng có thể lưu giữ ở nhiệt độ từ 20C đến 80C và tránh ánh sáng trong thời gian không quá 8 giờ.
Ðối với trẻ dưới 12 tháng tuổi: Nếu có nguy cơ tiếp xúc với sởi thì nên tiêm một liều đơn vaccin sởi vào 6 – 11 tháng tuổi và sau đó liều thứ hai vaccin sởi – quai bị – rubella vào thời điểm trên 12 tháng tuổi.
Tiêm dưới da vào mặt ngoài cánh tay cho các trẻ em 15 tháng tuổi hoặc lớn hơn: liều 0,5 ml cho trẻ em 15 tháng tuổi và sau đó nhắc lại vào lúc 4 – 6 tuổi. Tại một số địa phương có thể tiêm phòng vaccin sởi – quai bị – rubella cho trẻ 12 tháng tuổi.
Tương tác thuốc
Do nguy cơ bị bất hoạt nên không được tiêm vaccin trong vòng 6 tuần (nếu có thể, trong vòng 3 tháng) sau khi tiêm globulin miễn dịch hoặc sản phẩm máu có chứa globulin miễn dịch (máu toàn phần, huyết tương, v.v…).
Cũng vì lý do này, không nên tiêm globulin miễn dịch trong vòng 2 tuần sau khi tiêm vaccin.
Các kết quả dương tính của phản ứng ngoài da đối với tuberculin có thể trở thành âm tính tạm thời sau khi tiêm vaccin.
Có thể dùng đồng thời vaccin sởi – quai bị – rubella với các vaccin khác như vaccin Haemophilus influenzae typ b (Hib) dạng liên kết, vaccin viêm gan B, các giải độc tố bạch hầu, uốn ván và vaccin ho gà vô bào hấp phụ, vaccin bại liệt uống.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản vaccin ở nhiệt độ 2 độ C đến 8 độ C, tránh ánh sáng. Trong điều kiện này, hiệu lực của vaccin sẽ được bảo đảm cho đến hạn dùng đã được ghi trên nhãn. Có thể làm đông băng cho riêng vaccin mà không cho dịch pha.
Benh.vn