Mục lục
Zanocin được chỉ định điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn sau: Nhiễm trùng đường tiểu có biến chứng và không có biến chứng. Nhiễm trùng da và mô mềm. Viêm tuyến tiền liệt. Bệnh lây truyền qua đường sinh dục như là: nhiễm lậu cầu cấp niệu đạo và cổ tử cung không biến chứng, viêm niệu đạo và cổ tử cung không do lậu cầu.
Viên nén dễ bẻ 200 mg: hộp 100 viên.
Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch 200 mg/100 ml: chai 100 ml.
Thuốc nhỏ mắt 3 mg/ml: lọ 10 ml.
Thành phần
Cho 1 viên Ofloxacine 200 mg
Cho 1 chai Ofloxacine 200 mg
Cho 1 ml thuốc nhỏ mắt Ofloxacine 3 mg
Tính chất
Ofloxacin là một Carboxyquinolone gắn Fluor tác dụng diệt khuẩn hoạt phổ rộng . Công thức hoá học của nó là (+)-9-Fluoro-2,3-dihydro-3-methyl-10-(4-methyl-1-piperazinyl)-7-oxo-7H-pyrido[1,2,3-de]-1,4-benzoxazin-6-carboxylic acid.
Cơ chế tác dụng
Fluoroquinolone tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế enzym Topoisomerase II (ADN gyrase) của vi khuẩn. Topoisomerase có vai trò tháo xoắn cho ADN. Đây là một phản ứng phụ thuộc ATP đòi hỏi cả 2 chuỗi của ADN bị cắt ra để cho phép đưa vào một đoạn ADN ở đoạn cắt, sau đó đoạn cắt này được hàn gắn lại. Fluoroquinolone làm giảm việc tháo xoắn cho ADN và làm ngừng nhanh chóng sự tổng hợp ADN do can thiệp vào sự nhân đôi ADN.
Hoạt tính kháng khuẩn:
In vitro, Ofloxacin có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm các vi khuẩn gram dương, vi khuẩn gram âm và vi khuẩn kỵ khí như là : Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, (kể cả những dòng kháng Methicillin), Staphylococcus saprophyticus, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Streptococcus agalactiae, Enterococcus faecalis, Enterobacter aerogenes, E. coli, H. influenza, Klebsiella pneumoniae, Neisserria gonorrhoeae, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa, Pseudomonas fluorescens, Acinetobacter species, Aeromonoas hydrophilia, Campylobacter jejuni, Citrobacter diversus, Citrobacter freundii, Enterobacter cloacae, Haemophilus parainfluenza, Klebsiella oxytoca, Moraxella (Branhamella), Morganella morganii, Neisseria meningitidis, Plesiomonas shigelloides, Providencia rettgeri, Providencia stuartii, Salmonella species, Serratia marcescens, Shigella species, Vibrio cholerea, Xanthomonas (Pseudomonas) maltophilia, Yersinia enterocolitica, Bacteroides fragilis, Bacteroides intermedius, Clostridium perfringens, Peptococcus niger, Peptostreptococcus species, Chlamydia pneumonia, Chlamydia trachomatis, Legionella pneumoniae, Mycobacterium tuberculosis, Mycoplasma pneumoniae và Ureaplasma urealyticum.
Dược động học:
Ofloxacin được hấp thu tốt sau khi uống với độ khả dụng sinh học hầu như 100%. Trung bình nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khi uống 1 liều duy nhất 200mg Ofloxacin là 220 mg/ml và đạt được trong vòng 6 giờ sau khi uống. Thức ăn có thể làm chậm sự hấp thu thuốc nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến mức độ hấp thu thuốc.
Khoảng 25% thuốc gắn kết với protein huyết tương. Ofloxacin được phân bố rộng rãi trong các mô và dịch của cơ thể như là phổi, da, mụn nước, cổ tử cung, buồng trứng, mô và dịch tiết tiền liệt tuyến, đàm.
Ofloxacin đào thải chủ yếu qua đường thận. Khoảng 75-80% liều uống được bài xuất qua nước tiểu dưới dạng không chuyển hóa, dưới 5% được bài xuất dưới dạng chất chuyển hóa khử methyl hay N-oxid.
Thời gian bán hủy đào thải trong huyết tương thay đổi từ 5-8 giờ. Thời gian bán hủy có thể kéo dài trong trường hợp suy thận nặng.
Chỉ định
Zanocin được chỉ định điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn sau:
- Nhiễm trùng đường tiểu có biến chứng và không có biến chứng.
- Nhiễm trùng da và mô mềm.
- Viêm tuyến tiền liệt.
- Bệnh lây truyền qua đường sinh dục như là: nhiễm lậu cầu cấp niệu đạo và cổ tử cung không biến chứng, viêm niệu đạo và cổ tử cung không do lậu cầu.
- Viêm phổi do H. influenza hay Streptococcus pneumoniae.
- Viêm phế quản mạn tính đợt cấp.
Dạng thuốc nhỏ mắt:
Các nhiễm trùng ở phần ngoài mắt (viêm kết mạc, viêm giác mạc) hoặc những bộ phận phụ (viêm mi mắt, viêm túi lệ) do những chủng vi khuẩn nhạy cảm với ofloxacin.
Chống chỉ định
Chống chỉ định dùng Ofloxacin ở bệnh nhân nhạy cảm với Ofloxacin hay bất kỳ một dẫn xuất của Quinolone.
Liều lượng và cách dùng
Dạng uống:
Người lớn:
Nhiễm khuẩn đường tiểu:
Viêm bàng quang do E. coli hay K. pneumoniae: 200 mg mỗi 12 giờ trong 3 ngày.
Viêm bàng quang do nhiễm các loại vi khuẩn khác: 200 mg mỗi 12 giờ trong 7 ngày.
Nhiễm khuẩn đường tiểu có biến chứng: 200 mg mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
Nhiễm khuẩn da và mô mềm mức độ trung bình hoặc nhẹ: 400 mg mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
Viêm phổi hay viêm phế quản mạn tính đợt cấp: 400 mg mỗi 12 giờ trong 10 ngày.
Bệnh lây truyền qua đường sinh dục:
Nhiễm lậu cầu không biến chứng: 400 mg một liều duy nhất.
Viêm niệu đạo hay viêm cổ tử cung do C. trachomatis: 300 mg mỗi 12 giờ trong 7 ngày.
Viêm tuyến tiền liệt: 300 mg mỗi 12 giờ trong 6 tuần.
Điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận: Ở bệnh nhân có chức năng thận suy giảm có thể giảm liều như sau:
Độ thanh lọc creatinin (ml/phút) Khoảng cách dùng thuốc (giờ)
- > 50 Dùng liều thông thường
- 10-50 Liều thông thường dùng mỗi 24 giờ
- < 10 Giảm 50% liều và dùng mỗi 24 giờ
Khi chỉ biết nồng độ creatinin trong huyết tương, ta có thể áp dụng công thức sau để ước lượng độ thanh lọc creatinin:
Nam: Độ thanh lọc creatinin ml/phút = Cân nặng (kg) x (140 – Tuổi) / 72 x Creatinin huyết tương(mg/dl)
Nữ: 0,85 x Giá trị được tính cho nam
Dạng tiêm: Tiêm truyền tĩnh mạch trong 30 phút.
Người lớn: 400 mg/24 giờ, chia làm hai lần tiêm truyền. Trường hợp nặng: 400 mg mỗi 12 giờ.
Người già/Người suy thận:
Độ thanh lọc creatinin (ml/phút) Liều lượng
20-50 200 mg/24 giờ
< 20 200 mg/48 giờ
Dạng thuốc nhỏ mắt: Liều lượng tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng và được bác sĩ chuyên khoa mắt quyết định.
Thận trọng lúc dùng
Nên xem xét cẩn thận giữa lợi ích và yếu tố nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng Ofloxacin trong những trường hợp có bệnh lý ở hệ thống thần kinh trung ương kể cả động kinh và xơ cứng động mạch não.
Phản ứng nhạy cảm với ánh sáng đã được nhìn thấy ở một số bệnh nhân đang dùng fluoroquinolone. Nên tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nếu xảy ra phản ứng nhạy cảm ánh sáng thì phải ngưng dùng thuốc. Bệnh nhân có chức năng thận suy giảm cần phải thay đổi chế độ điều trị.
Khuyến cáo
Tính an toàn và hiệu quả của Ofloxacin ở trẻ em, trẻ đang lớn (trẻ dưới 18 tuổi), phụ nữ có thai và cho con bú thì chưa được biết rõ. Cũng như những Quinolone khác, Ofloxacin có thể kích thích thần kinh trung ương gây ra triệu chứng run rẩy, bồn chồn, cảm giác nhẹ lâng lâng, lú lẫn và ảo giác. Nếu những triệu chứng này xuất hiện, nên ngưng thuốc và tiến hành những biện pháp điều trị thích hợp.
Khi có dấu hiệu đau gân, cần ngưng dùng ngay tức khắc những kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolone.
Tính nhạy cảm chéo
Những bệnh nhân có tình trạng mẫn cảm với một Fluoroquinolone hay với những dẫn xuất của Quinolone có cấu trúc hóa học tương tự cũng có thể mẫn cảm với Ofloxacin.
Sử dụng thuốc cho trẻ em
Fluoroquinolone không được khuyên dùng ở trẻ em và trẻ sơ sinh.
Người già
Những công trình nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy không có những biến chứng đặc hiệu riêng ở người già khiến cho phải hạn chế sự sử dụng fluoroquinolone ở nhóm người này. Tuy nhiên ở người già thường có tình trạng suy giảm chức năng thận theo tuổi tác nên cần phải điều chỉnh liều khi sử dụng fluoroquinolone.
Tính đột biến-Tính sinh ung
Hiện nay những công trình nghiên cứu lâu dài về tính sinh ung của ofloxacin ở chuột thì chưa được thực hiện. Người ta không thấy ofloxacin sinh đột biến trong các test vi khuẩn Ames, trong các thử nghiệm sinh tế bào in vitro và in vivo, thử nghiệm trao đổi nhiễm sắc tử chị em, thử nghiệm phục hồi ADN hay thử nghiệm gây chết tính trội.
Thận trọng khi sử dụng dạng thuốc nhỏ mắt
Không được dùng thuốc để điều trị dự phòng (do nguy cơ chọn lọc chủng đề kháng).
Trường hợp bệnh không được cải thiện nhanh, hoặc trong trị liệu lâu dài cần theo dõi kiểm tra vi trùng học về tính nhạy cảm của các chủng vi khuẩn, phát hiện chủng nào kháng thuốc để có biện pháp điều trị thích hợp.
Trường hợp trị liệu cùng với một thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất khác, phải dùng cách khoảng 15 phút.
Không được tiêm thuốc nhỏ mắt vào xung quanh hoặc trong mắt.
Lúc có thai
Ofloxacin qua được màng nhau. Cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát ở người. Tuy nhiên người ta nhận thấy ofloxacin gây ra bệnh khớp trong các công trình nghiên cứu ở thú vật. Thuốc không được khuyên dùng ở phụ nữ có thai.
Lúc cho con bú
Ofloxacin hiện diện trong sữa mẹ. Vì ở thú vật fluoroquinolone có biểu hiện gây tổn thương vĩnh viễn sụn khớp ở những khớp chịu đựng sức nặng, nên nếu cần phải dùng fluoroquinolone không thể dùng kháng sinh khác thay thế người ta khuyên không nên cho con bú.
Theophylline: Việc sử dụng đồng thời ofloxacin và theophylline có thể dẫn đến tăng nồng độ theophylline trong máu. Nếu buộc phải sử dụng đồng thời 2 thuốc trên thì cần phải theo dõi nồng độ theophylline trong máu và điều chỉnh liều cho thích hợp.
Thuốc kháng acid chứa magnesium hydroxide hay aluminium hydroxide: Thuốc kháng acid làm giảm sự hấp thu ofloxacin, nên tránh dùng ofloxacin chung với những thuốc này.
Probenecid: Khi dùng phối hợp với probenecid, sự bài xuất ofloxacin qua đường tiểu sẽ giảm.
Thuốc giảm đau: Đã có báo cáo việc sử dụng thuốc kháng viêm non-steroid làm tăng tác dụng phụ của quinolone trên hệ thống thần kinh trung ương.
Sucralfate: Sucralfate giải phóng những ion aluminium trong dạ dày, do đó làm giảm sự hấp thu ofloxacin.
Warfarin: Sử dụng chung với ciprofloxacin hay norfloxacin sẽ làm tăng tác dụng chống đông máu của warfarin, do đó phải theo dõi cẩn thận thời gian prothrombin ở bệnh nhân đang dùng fluoroquinolone
Thay đổi giá trị các xét nghiệm cận lâm sàng:
Giá trị phosphatase kiềm, SGOT, SGPT và lactate dehydrogenase trong máu có thể gia tăng trong thời gian dùng ofloxacin.
Tác dụng ngoại ý
Đường tiêu hoá: buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng.
Da : ngứa, phản ứng da nhạy cảm ánh sáng, viêm mạch máu, phát ban và mẩn đỏ da.
Hệ thống thần kinh trung ương: chóng mặt, cảm giác lâng lâng, hay quên, run rẩy, co giật, dị cảm, tăng kích thích.
Thận: suy thận cấp thứ phát sau viêm thận mô kẽ.
Cơ quan khác: nhìn mờ, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, giảm tiểu cầu, đau cơ, chứng vú to.
Dạng thuốc nhỏ mắt:
- Có thể gây kích thích tạm thời.
- Có thể gây phản ứng quá mẫn.
- Có thể gây chọn lọc các chủng vi khuẩn đề kháng.
- Có thể gây các phản ứng dị ứng chéo.
Quá liều
Bởi vì không có antidote đặc hiệu cho ofloxacin nên trong trường hợp dùng thuốc quá liều chỉ điều trị nâng đỡ và điều trị triệu chứng và bao gồm những bước sau:
- Rửa dạ dày hoặc gây ói.
- Bù nước đầy đủ.
- Điều trị nâng đỡ.
Bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ không quá 25oC, tránh ẩm ướt.
Tránh xa tầm tay với của trẻ em.
Sản phẩm của RANBAXY