Để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cộng đồng kể cả cơ sở hạ tầng và nghiệp vụ của các y bác sĩ, vừa qua Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế ông Nguyễn Nam Liên đã thông báo tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ tháng 8/2016.
Vụ trưởng cho biết với phương án thực hiện giá dịch vụ y tế tác động vào CPI từ nay đến cuối năm chỉ ở mức dưới 2%, sang tháng 1/2017, về cơ bản không ảnh hưởng đến các đơn vị vì ngân sách năm 2016 vẫn được phân bổ tiền lương, không phải tính toán để thu hồi lại số tiền đã phân bổ cho các đơn vị.
Như vậy, lộ trình từ nay đến cuối năm 2017 sẽ tính lương nhân viên y tế vào giá viện phí được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và dự kiến chia thành 5 đợt, nhằm giảm tác động tới người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 – 12 tỉnh thành và đợt điều chỉnh giá đầu tiên sẽ thực hiện vào cuối tháng 8/2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%.
Đợt 2 được thực hiện sau 2 tháng là tháng 10/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11/2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85% dân số. Đợt 4 thực hiện vào tháng 12/2016 ở các tỉnh có tỉ lệ BHYT trên 80%. Đợt 5 vào tháng 1/2017 tại các tỉnh còn lại.
Khi thực hiện, các cơ sở khám chữa bệnh ở trung ương đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức giá viện phí có tiền lương cùng thời điểm với địa phương đó.
Như vậy, với việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương, các bệnh viện phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác khám và chữa bệnh, đặc biệt là để chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định, hoặc thu các khoản không có trong quy định.
Tổng hợp