Mang thai con 9 tháng 10 ngày, bà mẹ nào cũng đau đáu mong con ra đời được mạnh khỏe, ngoan ngoãn. Bởi vậy, sự linh cảm, tình mẫu tử của người mẹ về những biểu hiện bất thường của con sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm các căn bệnh bất thường. Câu chuyện về một bà mẹ ở Hà Đông, Hà Nội là một ví dụ.
Mục lục
Gia đình bé nhỏ của chị Hòa ( Hà Đông, Hà Nội ) là một tổ ấm hạnh phúc gồm 2 vợ chồng và một cậu con trai đáng yêu 22 tháng tuổi, tên gọi là cu Bin. Tuy nhiên đầu tháng 8, chị Hòa bị stress nặng do con quá nghịch ngợm, ai nói cũng không nghe lời thậm chí thường xuyên đập đầu vào tường, đánh người, gào thét, trong khi lại chậm nói.
Chị chia sẻ, sinh cu Bin cuối năm 2014, có cân nặng luôn vượt chuẩn nên rất yên tâm. Tuy nhiên, mỗi ngày con lớn lên là một ngày trong lòng chị bất an bởi bé khác với trẻ xung quanh “Ngay từ lúc chưa biết lật, chân tay bé lúc nào cũng đạp liên hồi, rất phấn khích, thế mà tôi lại nghĩ là do con vui quá thôi”.
Những bất thường dần dần lớn hơn
Đến tuổi ăn dặm, cậu bé hoạt động luôn chân, luôn tay. Cho nằm ghế bập bênh có khung sắt mà bé cứ đập chân vào, không biết đau, thậm chí bé cũng tự cộc đầu vào thành giường, vào ghế hay bất cứ đâu.
Khi biết đi, bé phá phách không thể bảo được. Có lúc cậu bé hét liên tục nửa tiếng không biết mệt. Rồi có lúc đi kiễng chân, quay vòng liên hồi “Đỉnh điểm là việc con đánh người. Gặp ai cũng đánh, nhiều lần còn tự giật tóc, vả bôm bốp vào mặt mình. Có những khi mình quát con không được, nên đánh con, con khóc, mẹ cũng khóc theo”. Với những biểu hiện bất thường trên, bà con hàng xóm không cho con mình chơi với bé, coi bé như “hung thần”.
Bà mẹ trẻ đi tìm câu trả lời
Lo lắng, chị Hòa trao đổi với người nhà nhưng hầu hết mọi người đều gạt đi và nói rằng “trẻ con nghịch là chuyện bình thường, con trai phải nghịch và thường sẽ chậm nói hơn con gái “. Song, vì bản năng của một người mẹ, chị Hòa luôn bất an. Sau khi tham khảo ý kiến, chị Hòa đã nghĩ đến tình huống con mình bị tăng động và quyết định cho con đi khám.
Người mẹ 26 tuổi thổn thức nhớ lại, cũng may cậu bé không bị tăng động mà chỉ chậm phát triển và sẽ dễ can thiệp hơn ” Ngày nhận được kết quả, tôi đã ngồi khóc tu tu. Con trai thực sự chậm phát triển hơn bạn cùng độ tuổi. Nếu không can thiệp, tình trạng này càng xấu hơn”.
Sau đó, từ cuối tháng 7/2016, cu Bin bắt đầu đi học lớp chuyên biệt, mẹ cũng đi học cùng con. Mỗi ngày chứng kiến con học được một điều, chị Hòa cũng học được hai ba điều, từ việc chơi với con, cách dạy con, cho đến việc kìm chế bản thân mỗi lần con làm trái ý.
Tình mẫu tử và sự linh cảm đã giúp con khỏi bệnh
Sự thay đổi dần dần của cậu bé
Thế rồi niềm vui đã đến với người mẹ ” Kỳ diệu thay, con đi học một tuần thì nền tính hẳn, ai cũng nhận ra. Một buổi sáng ngủ dậy, tôi đang làm vệ sinh cá nhân cho con và dạy nói như mọi lần. Bất ngờ con bật ra từ ‘cây’. Tôi bảo nhắc lại, con cũng nói được. Từ lúc đó, dạy gì là con nói theo, dù ngọng líu ngọng lô”.
Kết quả, sau 50 ngày học, cu Bin như lột xác thành người khác. Thấy mẹ ở đâu là chạy ra vuốt má, thơm mẹ. Đến bữa ăn cậu bé biết kéo bàn ghế, ăn xong biết cất nồi cơm, dùng bô xong biết đóng nắp và xả bồn cầu, rót nước khi mẹ về nhà… Nếu như trước đây các bé hàng xóm rất sợ chơi với cu Bin thì nay bé được các bạn yêu quý vì thảo tính và rất sôi nổi. Chị tâm sự “Hiện nay, con 22 tháng tuổi, dạy gì con cũng biết rất nhanh. Các thầy cô và bác sĩ nước ngoài ở trung tâm rất ấn tượng, vui vì con tiến bộ không ngờ”.
Chia sẻ của chuyên gia
Từ trường hợp trên, bác sĩ Phạm Bích Hà (Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng) cho biết đã sử dụng một bộ công cụ mà trên thế giới đang áp dụng để theo dõi trẻ trong vòng 1,5 tiếng. Kết quả sẽ phản ánh 4 khả năng đánh giá một đứa trẻ gồm: Khả năng cảm xúc, tương tác xã hội – khả năng nhận thức, trí tuệ – khả năng ngôn ngữ giao tiếp bao gồm ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt – khả năng vận động bao gồm: vận động thô và vận động tinh để phán đoán bệnh.
Bác sĩ Hà chia sẻ “Kết quả cho thấy cu Bin chậm phát triển so với lứa tuổi về các mặt tương tác xã hội, ngôn ngữ và nhận thức, trong khi mặt vận động thể lực lại phát triển bình thường theo đúng tuổi. Vì thế dẫn đến hiện tượng cu Bin chỉ thường sử dụng tay chân đấm đá, giật, đánh, gào thét để diễn đạt mong muốn và cảm xúc của mình”.
Sau khi đã xác định được vấn đề, các bác sĩ đã tìm ra phương pháp xử lý. Trong một thời gian ngắn, cậu bé đã biết nói những từ đầu tiên và kéo theo nhiều khả năng khác. Sau 50 ngày, cháu đã đuổi kịp mốc phát triển như những đứa trẻ bình thường và không cần phải đến trung tâm can thiệp nữa.
Khuyến cáo cho phụ huynh
Qua đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu cha mẹ thấy con có dấu hiệu gì nghi ngờ thì nên cho đi khám ngay trước 3 tuổi là tốt nhất vì can thiệp ở trẻ nhỏ tuổi sẽ hiệu quả hơn nhiều, do não trẻ còn đang trong quá trình hoàn thiện phát triển.
Câu chuyện về gia đình bé Bin là bài học đáng giá cho những người làm cha, làm mẹ cần lắng nghe và nhận biết những điểm bất thường ở con cái mình. Đặc biệt trong giai đoạn 3 năm đầu đời, để bảo vệ sức khỏe cho con cũng như kịp thời phát hiện, điều trị những căn bệnh tiềm ẩn khác.
Benh.vn (theo vnexpress.net)