Vệ sinh răng miệng đúng cách không chỉ giúp cho răng miệng luôn sạch sẽ mà còn giúp chống lại nhiều bệnh về răng miệng như viêm nướu, bệnh nha chu, sâu răng…Mỗi ngày chúng ta đều nên chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ.
Mục lục
- 1 Herpes môi – Bệnh răng miệng thường gặp nhất
- 2 Nấm miệng
- 3 Lở miệng
- 4 Bệnh sản niêm
- 5 Bệnh Liken phẳng
- 6 Lưỡi bản đồ
- 7 Ung thư miệng
- 8 Lưỡi lông đen
- 9 Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)
- 10 Mẻ răng
- 11 Bệnh Amalgam Tattoo
- 12 Bệnh nha chu
- 13 Viêm quanh răng
- 14 Bỏng aspirin
- 15 Sâu răng, áp xe răng và răng ố vàng
- 16 Hôi miệng
- 17 Viêm gai lưỡi thoáng qua
Vậy, đâu là top những bệnh răng miệng thường gặp? Hãy cùng benh.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Herpes môi – Bệnh răng miệng thường gặp nhất
Herpes môi hay còn gọi là mụn rộp môi thường bị lây qua đường miệng, qua tiếp xúc quá gần gũi như hôn, dùng chung thìa, đũa…Sốt hay cảm lạnh không trực tiếp gây ra bệnh Herpes môi, nhưng lại tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Các loại kem bôi hay thuốc mỡ thông thường có thể giúp điều trị bệnh này. Nếu bị trong thời gian dài, bệnh nhân cần đi khám và điều trị bằng các loại thuốc kê đơn. Herpes môi là một trong những bệnh về miệng thường gặp nhất. Những bệnh răng miệng thường gặp khác khác bên cạnh Herpes môi bao gồm lở miệng, rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ), hôi miệng và ung thư miệng.
Nấm miệng
Nấm miệng là bệnh răng miệng thường gặp bị gây ra bởi một loại nấm có tên là candida. Bệnh nấm miệng gặp nhiều nhất ở người già và trẻ nhỏ, nhưng hệ miễn dịch suy yếu, thuốc kháng sinh, bệnh tiểu đường, một số loại corticoid dạng hít có thể tạo điều kiện cho nấm candida phát triển mạnh mẽ. Bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán chính xác.
Lở miệng
Nguyên nhân cho bệnh lở miệng hiện vẫn chưa được xác định, nhưng nguyên nhân có thể do dị ứng, nhiễm trùng, sự biến đổi hóc môn, căng thẳng và không bổ sung đủ các loại vitamin. Thêm vào đó, bệnh lở miệng có thể xuất hiện ở lưỡi, má, thậm chí ở nướu. Tình trạng này thường kéo dài từ 1-2 tuần. Có thể điều trị bệnh lở miệng kéo dài bằng kem bôi giảm đau, thuốc kê đơn hoặc tia laze.
Bệnh sản niêm
Bệnh sản niêm là một phản ứng với những kích thích như mảng bám răng, vôi răng, răng giả không vừa, hút thuốc. Biểu hiện của bệnh là các mảng trắng bên trong miệng, các mảng trắng này thường không gây đau và cũng không thể cạo sạch. Bệnh sản niêm là một căn bệnh răng miệng thường gặp, đó cũng thường là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư miệng. Nếu liên tục xuất hiện các thay đổi ở miệng hoặc các mảng trắng xuất hiện ngày càng nhiều, bệnh nhân nên đi khám để được kiểm tra.
Bệnh Liken phẳng
Bệnh Liken phẳng có biểu hiện là các mảng màu đỏ hoặc trắng bóng ở trong má hoặc lưỡi. Nguyên nhân cho bệnh Liken phẳng chưa được xác định, nhưng nhìn chung bệnh này thường vô hại và không cần điều trị. Nếu bệnh nhân cảm thấy đau hoặc các mảng này bị loét ra thì có thể điều trị chỉ bằng cách bôi kem hoặc uống thuốc. Bệnh răng miệng thường gặp Liken phẳng mãn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng. Những khu vực hay bị Liken phẳng nhất là phần da, móng và bộ phận sinh dục.
Lưỡi bản đồ
Lưỡi bản đồ là tình trạng lưỡi bị mất các nhú lưỡi và có hình dạng như bản đồ. Các đường trên lưỡi có thể thay đổi vị trí, hình dạng và kích cỡ khác nhau sau vài phút hoặc vài giờ. Lưỡi bản đồ vô hại và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu cảm thấy đau, bệnh nhân có thể điều trị đơn giản bằng cách uống các loại thuốc chống viêm.
Ung thư miệng
Nhiệt miệng kéo dài, tê mặt, miệng, cổ không rõ nguyên nhân, gặp khó khăn khi nhai, nói hoặc nuốt đều có thể là những dấu hiệu của bệnh ung thư miệng. Nguyên nhân của căn bệnh răng miệng thường gặp này có thể là do hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá không khói), uống rượu, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời và có tiền sử gia đình mắc ung thư. Ung thư miệng cũng liên quan đến virus papilloma ở người (HPV). Hãy tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị, ung thư miệng giai đoạn đầu có thể được điều trị hoàn toàn.
Lưỡi lông đen
Lưỡi lông đen là tình trạng các núm lưỡi dài hơn bình thường, màu đen của lưỡi thường do các loại vi khuẩn bị mắc kẹt tại đây. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do sử dụng thuốc kháng sinh, vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc, uống nhiều trà hoặc cà phê, miệng không tiết đủ nước bọt. Cạo lưỡi thường xuyên có thể giúp điều trị lưỡi lông đen. Tình trạng này nhìn chung vô hại, nhưng đôi khi có thể cần dùng đến thuốc để điều trị.
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)
Rối loạn khớp thái dương hàm là bệnh răng miệng thường gặp liên quan đến khớp thái dương hàm có thể gây đau khớp, mặt, tai và cổ. Chấn thương ở mặt, nghiến răng quá nhiều đều có thể gây rối loạn khớp thái dương hàm. Tình trạng này có thể được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chườm ấm, đeo nẹp răng, uống thuốc hoặc phẫu thuật.
Mẻ răng
Nhai đồ quá cứng như đá hay kẹo, có thói quen nghiến răng, ăn đồ quá nóng hoặc lạnh đều có thể khiến cho răng bị mẻ. Mẻ một chút răng không phải vấn đề quá nghiêm trọng, nhưng mẻ một mảng lớn răng có thể gây đau răng hoặc tổn thương răng vĩnh viễn. Có thể khắc phục bằng cách hàn lại răng, tái tạo răng, dán sứ hoặc bịt răng.
Bệnh Amalgam Tattoo
Đã bao giờ bạn nhìn thấy một đốm màu xanh xám trong miệng sau khi làm răng chưa? Tình trạng này gọi là amalgam tattoo, nguyên nhân do một lượng nhỏ amalgam dính vào má trong hoặc nướu khi làm răng. Amalgam có thể dính chặt vào mô mềm khiến cho nó trông giống như một vết xăm. Amalgam tattoo là bệnh răng miệng thường gặp vô hại, nhưng nếu đốm nhỏ này chuyển màu, rất có thể đây không phải là amalgam tattoo. Hãy đi tới bác sĩ nha khoa để được kiểm tra kỹ hơn.
Bệnh nha chu
Bệnh nha chu khiến cho vi khuẩn tích tụ dọc theo viền nướu. Viêm nướu là giai đoạn đầu của bệnh nha chu. Các triệu chứng của bệnh nha chu bao gồm đỏ nướu, sưng nướu, chảy máu nướu. Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp ngăn chặn tình trạng này. Hút thuốc, ăn chế độ ăn kém chất và căng thẳng khiến cho tình trạng tệ hơn.
Viêm quanh răng
Giai đoạn tiếp theo của bệnh nha chu là viêm quanh răng hay còn gọi là nhiễm trùng nướu. Tăng viêm khiến cho nướu bị tụt, hình thành các túi nướu giữa răng và nướu. Những túi nướu này có chứa vôi răng, mảng bám răng và các mảnh vụn thức ăn có thể dẫn đến nhiễm trùng và áp xe răng. Viêm quanh răng gây tổn thương xương răng và là một trong những nguyên nhân gây mất răng ở người trưởng thành. Hãy đi khám nha sỹ để được kiểm tra và điều trị.
Bỏng aspirin
Đã bao giờ bạn ngậm một viên aspirin ở trong miệng gần với vị trí răng đau để điều trị răng đau chưa? Trái với mong muốn ban đầu là cơn đau răng sẽ giảm đi nhanh chóng, nhưng thay vào đó nướu và má trong lại bị bỏng. Để ngăn chặn tình trạng này đơn giản là hãy nuốt cả viên thuốc vào bụng. Vết bỏng do aspirin cần khoảng 2 tuần để lành hoàn toàn.
Sâu răng, áp xe răng và răng ố vàng
Sâu răng là bệnh răng miệng thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Dùng chỉ nha khoa, chải răng và súc miệng hằng ngày, đến nha sỹ định kỳ có thể giúp phòng chống sâu răng, áp xe răng và vàng răng. Hãy đến gặp nha sỹ ngay nếu bị đau răng, đau tai hoặc đau khi há miệng rộng, nhiễm trùng răng có thể ảnh hưởng đến mặt, hộp sọ, thậm chí gây nhiễm trùng máu.
Hôi miệng
Không đánh răng khiến cho vi khuẩn trong miệng tăng mạnh và gây hôi miệng. Hôi miệng kéo dài có thể là do hay thở bằng miệng, miệng bị khô, sâu răng, dấu hiệu của bệnh nha chu hay thậm chí là tiểu đường. Có thể ngăn hôi miệng bằng cách chải răng và lưỡi hằng ngày, dùng chỉ nha khoa và súc miệng bằng nước súc miệng diệt khuẩn hằng ngày, uống nhiều nước. Nếu tình trạng kéo dài, hãy đến gặp nha sỹ.
Viêm gai lưỡi thoáng qua
Tên gọi của tình trạng này xuất phát từ những câu chuyện kể ngày xưa, nói dối sẽ bị nhọt ở lưỡi. Nhưng thực tế là tình trạng này có thể ảnh hưởng lên tất cả mọi người, thậm chí cả những người nói thật. Những đốm nhỏ vô hại này có thể tự hết sau vài ngày mà không cần điều trị, nhưng thường mang lại cảm giác khó chịu. Nguyên nhân cho tình trạng này vẫn chưa được xác định, nhưng rất có thể là do dị ứng với một loại đồ ăn nào đó hoặc do một tai nạn nhỏ như cắn vào lưỡi.