Viêm da tổ đỉa là dạng chàm mạn tính khó trị và gây nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những thông tin về viêm da tổ đỉa để giúp bạn phòng ngừa và điều trị căn bệnh này đúng cách.
Mục lục
Viêm da tổ đỉa là gì?
Viêm da tổ đỉa (Dyshidrotic Eczema) hay còn gọi là bệnh tổ đỉa, là một dạng chàm mãn tính với tổn thương là các mụn nước dày cứng, khu trú ở bàn tay, bàn chân.
Viêm da tổ đỉa có thể chỉ gặp 1 lần trong đời nhưng hầu như đều tái phát dai dẳng thường xuyên, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Hơn nữa, vị trí phát bệnh viêm da tổ đỉa ở tay, bàn chân – những vị trí tiếp xúc nhiều nhất với môi trường xung quanh. Do vậy, nguy cơ bội nhiễm của bệnh tổ đỉa cao hơn so với các bệnh viêm da mạn tính khác.
Triệu chứng của viêm da tổ đỉa
Viêm da tổ đỉa thường tiến triển theo mùa: nặng vào mùa xuân hạ, đỡ vào mùa đông nhưng dai dẳng và dễ tái phát. Biểu hiện đặc trưng của bệnh tổ đỉa là vùng da bệnh ngứa dữ dội, có thể bỏng rát, sau đó nổi các mụn nước:
- Nằm sâu trong cấu trúc da, cứng chắc với đường kính khoảng 1 – 2mm hoặc lớn hơn.
- Mọc rải khác hoặc tập trung lại thành từng cụm.
- Mụn nước khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân, đầu ngón, hai rìa hoặc mặt dưới ngón tay, ngón chân. Đôi khi mụn mọc lên cả mu bàn tay, bàn chân nhưng rất hiếm khi lan xa hơn (trường hợp nặng).
- Không tự vỡ, khi tự tiêu để lại những vảy dày sừng màu vàng. Khi vảy tróc, vùng da dưới vảy bóng nhẵn, có màu hồng và viền vằn vèo.
- Có thể lành sau vài tuần, khi lành da khô nứt và bong tróc.
Tổ đỉa có biểu hiện khá tương đồng với các bệnh nhiễm trùng (viêm da mủ thể chốc lây, tay chân miệng, nhiễm Herpes, thủy đậu) hay một số bệnh viêm da khác (viêm da tiếp xúc, vảy nến mụn mủ). Tốt nhất người bệnh nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất.
Ngoài ra, bệnh hay gặp ở thanh thiếu niên và người lớn. Do vậy nếu thấy triệu chứng giống viêm da tổ đỉa ở trẻ em, cha mẹ nên nghi ngờ sang các bệnh lý nhiễm trùng da khác.
Phân loại các thể bệnh trên lâm sàng
Bệnh viêm da dạng tổ đỉa được chia làm 4 thể bệnh như sau:
- Thể đơn giản: Là thể bệnh điển hình với đầy đủ các triệu chứng tiêu biểu.
- Thể nhiễm khuẩn: Xuất hiện khi người bệnh vệ sinh kém và chọc gãi nhiều. Biểu hiện là mụn nước đau rát, chảy mủ, có quầng viêm đỏ hoặc được phủ bởi lớp vỏ vàng. Nhiễm khuẩn có thể làm lây lan mụn, gây sưng tấy, sốt và nổi hạch.
- Thể bọng nước: Xuất phát từ dị ứng hóa chất, biểu hiện là mụn nước có kích thước lớn như hạt ngô, hạt đỗ, chứa dịch không màu, trong suốt.
- Thể khô: Gặp ở người đã mắc bệnh nhiều năm và có triệu chứng điển hình là da đỏ, khô, bề mặt da tróc vảy, không nổi mụn nước và có cảm giác nóng rát. Bệnh nặng hơn trong mùa xuân.
Nguyên nhân gây viêm da tổ đỉa
Tương tự các bệnh viêm da mạn tính khác như viêm da cơ địa, hiện nay không rõ cơ chế cụ thể của viêm da tổ đỉa là gì. Tuy nhiên, một số nguyên nhân có thể kích thích bệnh khởi phát như:
- Nhiễm khuẩn: Cầu khuẩn ruột Proteus, Liên cầu.
- Dị ứng: Hóa chất, thuốc, kim loại, chất tẩy rửa, xà phòng, dầu gội, mỹ phẩm hoặc nước hoa.
- Nhiễm nấm: thường gặp ở kẽ chân, ít khi ở tay.
- Rối loạn thần kinh giao cảm gây đổ mồ hôi nhiều ở tay, chân.
- Nguyên nhân khác: rối loạn nội tiết, thời tiết nóng ẩm, căng thẳng thần kinh hoặc suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có liên quan lớn đến sự khởi phát bệnh. Khoảng 50% người bệnh có người nhà mắc tổ đỉa hoặc các bệnh chàm cơ địa khác.
Viêm da tổ đỉa có lây không? Có tự khỏi không?
Dấu hiệu bọng nước của bệnh viêm da tổ đỉa khiến nhiều người thắc mắc bệnh này có lây không. Viêm da tổ đỉa là bệnh mạn tính và có cơ chế bệnh sinh liên hệ sâu sắc với các yếu tố như di truyền, chức năng sinh lý và hoạt động của hệ miễn dịch. Vì vậy, dù có thể khởi phát do các yếu tố vi sinh vật nhưng bệnh tổ đỉa không lây lan từ người này sang người khác, kể cả khi tiếp xúc với vùng da bị tổn thương. Các yếu tố vi sinh vật ít có khả năng gây bệnh tổ đỉa ở những người không có yếu tố nguy cơ.
Ngoài ra, bệnh tổ đỉa có thể tự khỏi trong vòng vài tuần nhưng rất dễ tái phát lại sau đó. Đa phần bệnh sẽ kéo dài dai dẳng, mạn tính trong suốt cuộc đời khi người bệnh tiếp xúc với bất kỳ tác nhân nào. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có biện pháp nào được coi là tối ưu khi điều trị tổ đỉa. Thuốc hay biện pháp không dùng thuốc chỉ có thể làm giảm tổn thương, giảm ngứa ngáy, hạn chế bội nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Phương pháp điều trị bệnh viêm da tổ đỉa
Viêm da tổ đỉa gây nhiều bất lợi về ngoại hình và làm giảm hiệu suất làm việc, học tập của người bệnh. Vì vậy, cải thiện bệnh sớm và nhanh chóng là điều cần thiết.
Chưa có cách chữa viêm da tổ đỉa dứt điểm. Do vậy, mục tiêu chính của việc điều trị căn bệnh này là ngăn ngừa bội nhiễm, giảm tổn thương trên da và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Những biện pháp được áp dụng trong điều trị tổ đỉa bao gồm:
Điều trị không dùng thuốc
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên phối hợp cả dùng thuốc điều trị và các biện pháp không dùng thuốc khác. Sự kết hợp này đã được chứng minh là đem lại hiệu quả cao hơn cho người bệnh.
Các biện pháp điều trị viêm da tổ đỉa không dùng thuốc bao gồm:
- Bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên để hạn chế khô da, nứt nẻ và phòng ngừa bội nhiễm.
- Dùng liệu pháp ánh sáng (đèn chiếu, tia cực tím) để giảm các phản ứng miễn dịch và ngăn chặn tổn thương da. Liệu pháp này được chỉ định khi người bệnh đáp ứng kém hoặc gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc bôi.
- Tiêm botox để điều trị tác nhân gây bệnh là sự hoạt động mạnh của các tuyến mồ hôi.
- Chích dịch, chọc tháo mủ khi có mụn nước to gây trở ngại lớn cho sinh hoạt của người bệnh. Biện pháp này cần được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám có chuyên môn.
- Bôi các sản phẩm chứa chất sát khuẩn và kích thích quá trình phục hồi như gel bôi PlasmaKare No5 có thành phần là nano bạc TSN, dịch chiết Núc nác và Chitosan kháng khuẩn, kháng nấm gây bệnh.
- Liệu pháp Đông y: xông với khói thương truật theo từng đợt 10 – 15 ngày, mỗi ngày 5 – 10 phút.
Điều trị tổ đỉa bằng thuốc
Mục tiêu của điều trị tại chỗ là ngăn ngừa bội nhiễm và giảm mụn nước. Bác sĩ sẽ cân nhắc giai đoạn phát triển, mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng trường hợp để chỉ định loại thuốc tương ứng.
Thuốc trị viêm da tổ đỉa chủ yếu là thuốc bôi tại chỗ. Thuốc dùng đường uống chỉ sử dụng để giảm ngứa và điều trị các trường hợp nặng hoặc khi có nhiễm trùng nặng. Bác sĩ sẽ xem xét giai đoạn bệnh, mức độ của triệu chứng và khả năng đáp ứng với thuốc của người bệnh để chỉ định thuốc tương ứng.
Thuốc bôi trị bệnh tổ đỉa:
- Chất sát trùng: Dung dịch Xanh methylen, dung dịch thuốc tím, dung dịch tím methyl 1%, dung dịch Milian hoặc Nitrat bạc.
- Kháng sinh: Mupirocin, Acid Benzoic,…
- Thuốc bôi chống nấm: Miconazol, Ketoconazol.
- Thuốc bôi chống viêm Corticoid: Triamcinolone, Hydrocortison, Fluticasone, Mometasone.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Tacrolimus, Pimecrolimus.
Thuốc uống trị bệnh tổ đỉa:
- Kháng sinh: tùy thuộc tác nhân vi khuẩn, thường dùng kháng sinh nhóm Beta-lactam hoặc kháng sinh Aminosid.
- Thuốc chống nấm: Griseofulvin.
- Corticoid: Prednisolone, Dexamethasone.
- Thuốc giảm ngứa, an thần: Clorpheniramin, Diphenhydramin,…
- Thuốc bạt sừng: Acid Salicylic.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Cyclosporin, Azathioprin, thuốc sinh học,…
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm da tổ đỉa?
Căn nguyên gây bệnh tổ đỉa hiện chưa được làm rõ. Vì vậy, việc hạn chế tiếp xúc tối đa với các tác nhân gây khởi phát và chăm sóc da hợp lý là biện pháp duy nhất để phòng ngừa viêm da tổ đỉa tái phát. Người bệnh cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, kim loại, mỹ phẩm có thể gây kích ứng da. Có thể đeo găng tay và ủng khi cần.
- Vệ sinh vùng da lòng bàn tay, bàn chân thường xuyên để hạn chế viêm nhiễm.
- Tránh mang giày kín, có chất liệu cứng hoặc đi tất thấm hút kém.
- Cải thiện hệ miễn dịch với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục, thể thao mỗi ngày.
- Đi ngủ đúng giờ, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi để hạn chế căng thẳng, suy nhược thần kinh.
- Chủ động bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm ngoài da.
Tóm lại, căn bệnh viêm da tổ đỉa có tính chất mạn tính, dai dẳng và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và biết cách phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả.