Hội chứng buồng trứng đa nang gần đây có xu hướng tăng nhanh và được phát hiện ở nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh dù không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn tới khả năng sinh sản của phụ nữ nên rất được các chuyên gia quan tâm. Hãy cùng benh.vn tìm hiểu kỹ về hội chứng này.
Mục lục
Tổng quan về hội chứng buồng chứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang được Stein và Leventhal mô tả lần đầu tiên vào năm 1935 và đến nay, hội chứng này được xem là bệnh lý của thời đại. Những phụ nữ có chu kỳ kinh dưới 25 hoặc trên 35 ngày sẽ có nhiều nguy cơ không phóng noãn; khoảng 3/4 trường hợp không phóng noãn liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang (buồng trứng có nhiều nang nhỏ, không phát triển được, dẫn đến vô sinh). Đây là một tình trạng rối loạn nội tiết phổ biến nhất ở phụ nữ (chiếm 15 – 20%) và có vẻ đang có chiều hướng gia tăng.
Triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang
Biểu hiện các triệu chứng cơ năng và thực thể của các phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang rất khác nhau. Ban đầu của hội chứng buồng trứng đa nang là kinh nguyệt không đều, thường là thưa và kéo dài, máu kinh thất thường, ít.
Sau 2-3 năm kể từ lần hành kinh đầu tiên, nếu kinh nguyệt vẫn không đều, cần nghĩ nhiều đến hội chứng này. Nếu là đa nang buồng trứng, các nang trứng sẽ tích tụ dần nội tiết tố, làm thay đổi đáng kể tình trạng nội tiết ở người phụ nữ. Nồng độ hoóc môn nam trong cơ thể tăng lên, khiến lông phát triển giống như nam giới (mọc ria mép, lông mày rậm, lông chân, lông bụng nhiều). Do nồng độ hoóc môn nữ cũng rất cao nên bệnh nhân vẫn có nhu cầu và khả năng hoạt động tình dục như bình thường.
Hội chứng buồng trứng đa nang có tính chất di truyền, Có một số yếu tố liên kết tác động lên sự biểu hiện của hội chứng buồng trứng đa nang. Tăng cân có thể kết hợp làm nặng thêm các triệu chứng ngược lại khi giảm cân thì cải thiện tình trạng tốt hơn nội tiết và chuyển hóa, triệu chứng học của hội chứng này.
Ảnh hưởng của bệnh hội chứng buồng trứng đa nang đến việc có thai
- 17% trường hợp vẫn có thể có thai tự nhiên (dù không điều trị gì)
- Số còn lại phải có sự can thiệp của các biện pháp hỗ trợ sinh sản (IUI, IVF,…)
- Bệnh được phát hiện càng muộn, việc điều trị càng khó khăn và ít hiệu quả.
Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang
Đã có nhiều tranh cãi trong việc định nghĩa hội chứng buồng trứng đa nang. Mới đây, Hội Sinh Sản và Phôi học người Châu Âu và Hội Y học Sinh Sản Mỹ đồng ý đưa ra định nghĩa cho hội chứng buồng trứng đa nang như sau: Hội chứng buồng trứng đa nang là khi có ít nhất 2 trong 3 tiêu chuẩn sau:
- Phóng noãn thưa hoặc không phóng noãn
- Cường androgen (lâm sàng và/hoặc sinh hóa)
- Buồng trứng có đa nang,
Hinh thái học buồng trứng đa nang
Hình thái học của buồng trứng đa nang được xác định khi có ít nhất 12 nang có đường kính từ 2 – 9mm và/hoặc thể tích buồng trứng tăng (> 10 cm3). Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm có thể thấy ở 20 – 33% trong dân số chung, trong đó, chỉ có gần ¾ có biểu hiện các đặc điểm của hội chứng. 75% phụ nữ không có phóng noãn sẽ thấy được buồng trứng dạng đa nang trên siêu âm. Ở phụ nữ bình thường, 8 – 25% có buồng trứng giống đa nang trên siêu âm.
Cường androgen
Cường androgen lâm sàng rất khó định lượng và có sự khác biệt giữa các chủng tộc. Cường androgen sinh hóa được đánh giá bằng nhiều xét nghiệm: biểu hiện tăng androgens như
- Dehydroepiandrosterone (DHEA), Dehydroepiandrosterone Sulfate (DHEAS; thượng thận) tăng trong 50% các trường hợp không phóng noãn có buồng trứng đa nang.
- Androstenedione
- Testosterone
Những thay đổi về nội tiết khác
Tăng Estrogens (Estrone)
Tăng 17-hydroxyprogesterone
LH tăng do tăng nhịp độ và tần số xung GnRH. Hoạt động sinh học của LH cũng tăng. Tăng tiết LH có liên quan thuận với tăng Estradiol tự do.
FSH thấp hoặc gần như bình thường do chịu feedback âm tính từ Estradiol. Giảm FSH cũng có thể do sản sinh Inhibin B, tăng trưởng nang noãn tiếp tục được kích thích. Tuy nhiên, những nang này có các vấn đề sau:
- Không trưởng thành hoàn toàn được,
- Do bị bao quanh bởi các tế bào vỏ tăng sinh, chức năng mô đệm tăng dẫn đến tăng sản xuất androstenedione và testosterone.
SHBG bị ức chế tổng hợp bởi Testosterone, vì thế ở các phụ nữ không phóng noãn có buồng trứng đa nang, SHBG giảm khoảng 50% do androgens và tăng insulin máu.
Để thiết lập chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, quan trọng là phải lọai trừ được các bệnh lý khác có biểu hiện lâm sàng tương tự, như tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, hội chứng Cushing và các u tiết androgen.
Nguyên tắc điều trị buồng trứng đa nang
Nguyên tắc điều trị chung đối với hội chứng đa nang buồng trứng là gây phóng noãn; cách thực hiện có khác nhau tùy theo việc bệnh nhân muốn có thai ngay hay không. Những phụ nữ chưa muốn có thai sẽ được điều trị bằng thuốc kích thích phóng noãn. Các thuốc này giúp nang trứng phát triển to lên, vỡ ra và phóng noãn. Khả năng thành công tùy thuộc vào độ dày của vỏ buồng trứng và mức độ đáp ứng của từng người. Trong khi điều trị bằng phương pháp này, người phụ nữ có thể mang thai nên phải áp dụng các biện pháp phòng tránh (trừ việc dùng thuốc tránh thai vì dược phẩm này ức chế phóng noãn).
Dùng thuốc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang
Những phụ nữ muốn có thai ngay (thường thuộc nhóm hiếm muộn) sẽ được điều trị theo các bước:
– Kích thích thử buồng trứng bằng các thuốc gây phóng noãn. Về nội khoa, cần được giảm cân ở những người có thể trạng béo phì. Giảm cân để giảm mỡ, giảm đề kháng insulin; sử dụng metformin, với mục đích làm giảm đề kháng insulin, bằng cách giúp hoạt hóa các yếu tố vận chuyển glucose vào trong tế bào gan và cơ, từ đó làm giảm tình trạng kháng insulin ở máu ngoại vi, giúp cân bằng nồng độ glucose trong máu. Ngoài ra metformin không làm tăng tiết insulin, do đó không làm hạ đường huyết vì vậy mà an toàn với bệnh nhân mắc bệnh buồng trứng đa nang.
Metformin giúp bệnh nhân tái lập lại chu kỳ kinh nguyệt bình thường, tăng khả năng rụng trứng và có thai, giảm nguy cơ đái tháo đường; giảm nồng độ androgen trong máu, cải thiện chu kỳ kinh nguyệt, từ đó tăng khả năng có thai. Có nghiên cứu cho thấy metformin được sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang trong 3 tháng đầu của thai kỳ có tác dụng làm giảm tỷ lệ sảy thai. Tuy nhiên cho đến nay cũng chưa ai chứng minh được tác hại của metformin với thai hoặc metformin an toàn với thai như thế nào. Cách sử dụng metformin cho phụ nữ vô sinh với liều 100mg – 1500mg/ngày, điều trị thường 4 – 6 tuần hoặc 3 tháng.
Ngoại khoa can thiệp hội chứng buồng trứng đa nang
– Can thiệp ngoại khoa buồng trứng: Bác sĩ cắt bỏ một phần hoặc chọc thủng vài vị trí bề mặt buồng trứng để giải phóng các nang noãn. Bằng kỹ thuật nội soi, họ trổ vài điểm trên bề mặt buồng trứng, phá vỡ bức tường dày và chọc bớt vài nang noãn phát triển dở dang trước kia. Các nang bị phá này sẽ làm thay đổi nội tiết, giúp các thuốc kích thích phóng noãn có tác dụng hơn, đồng thời các nang khác có cơ hội lách vào những khoảng trống vừa tạo ra để to lên và vỡ ra ngoài.
Với cách điều trị này, 50-60% trường hợp hiếm muộn đơn thuần (chỉ mắc hội chứng buồng trứng đa nang) sẽ có thai. Sau mổ, bệnh nhân thực hiện thụ thai ngay; nếu qua 6 chu kỳ không thành công, nên thực hiện kích thích phóng noãn như bước một, nhưng không quá 6 chu kỳ. Nếu vẫn không mang thai thì tốt nhất là thụ tinh trong ống nghiệm.
Những phụ nữ từng mắc hội chứng buồng trứng đa nang rất dễ bị sẩy thai. Vì vậy, khi đã có thai, cần được hỗ trợ bằng nội tiết tố nhau thai.