Thời gian gần đây, trên thế giới ghi nhận nhiều vụ việc trầm cảm của các bà mẹ sau sinh đã tự tìm đến cái chết hoặc hủy hoại cả đứa con vừa dứt ruột đẻ ra gây nhức nhối trong dư luận và nỗi đau tức tưởi cho những người ở lại. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ sản phụ bị trầm cảm sau sinh đang có dấu hiệu tăng dần.
Mục lục
Để tránh xảy ra các sai lầm trên, chúng ta nên suy ngẫm và cân nhắc những việc làm cần thiết dưới đây để loại bỏ những nguy hiểm cho gia đình và xã hội.
Tìm hiểu về bệnh trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là một dạng của bệnh trầm cảm liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng của sản phụ sau sinh.
Bệnh trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.
Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Một số trường hợp người mẹ tự tử hoặc giết con sau sinh do bị trầm cảm…
Các yếu tố liên quan đến trầm cảm sau sinh
Thay đổi về nội tiết
Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên trạng thái trầm cảm.
Ngoài ra, hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng còn gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Đặc biệt, thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
Bạo hành gia đình, có thai ngoài ý muốn
Những phụ nữ sau sinh nếu rơi vào tình huống bạo hành gia đình hoặc “nội chiến” trong gia đình nhà chồng thì nguy cơ bị trầm cảm sẽ tăng gấp 5 lần so với người bình thường.
Ngoài yếu tố trên thì việc có thai ngoài ý muốn cũng là nhóm có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh do người mẹ chưa sẵn sàng chuẩn bị tâm lý sinh con…
Gặp khó khăn khi chăm sóc con
Sau 9 tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, bản thân người mẹ đã mất rất nhiều sức lực và hết sức mệt mỏi.
Thay đổi nội tiết, bạo hành gia đình, gặp khó khăn khi chăm sóc con… là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Vì vậy, nếu em bé sinh ra không may bị bệnh tật, đau yếu liên miên hoặc người mẹ gặp khó khăn khi chăm sóc con thì rất dễ rơi vào trạng thải trầm cảm.
Do yếu tố di truyền
Ngoài các yếu tố kể trên thì di truyền cũng là yếu tố quan trọng liên quan đến trầm cảm. Khi trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao.
Phương pháp phòng tránh
Vai trò của người thân trong gia đình
Sau khi đứa trẻ được sinh ra thì mọi sức hút đều đổ dồn vào nhân vật chính này. Vì vậy, nhiều bà mẹ cho rằng mình không được quan tâm nữa, mình mệt mỏi thế mà mọi người không để ý, chăm nom và cho rằng mình chỉ là người “đẻ thuê”… sinh ra hậm hực, ghen tức, lâu dần nỗi buồn đó được nhân lên khiến người mẹ trở thành trầm cảm.
Vai trò của người chồng đặc biệt quan trọng để loại trừ bệnh trầm cảm sau sinh
Vì vậy, trong giai đoạn nhạy cảm này, vai trò của người chồng chiếm vị trí rất quan trọng. Ngoài việc cung cấp vật chất cho vợ, người chồng cần trò chuyện, tâm sự, chia sẻ bằng hành động và lời nói, động viên để giúp người vợ tránh được nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, mẹ chồng, mẹ đẻ, chị, em gái…cũng nên thường xuyên gần gũi, thăm nom, nói chuyện để động viên sản phụ.
Người mẹ cần cởi mở, sống tích cực, suy nghĩ lạc quan
Đối với người mẹ, việc quan trọng nhất là đảm bảo đủ dinh dưỡng và thời gian ngủ đủ 8h/ngày. Vì vậy, các mẹ hãy sắp xếp cho mình một giấc ngủ hợp lý nếu phải thức dậy lúc nửa đêm cho bé bú và đừng bỏ qua giấc ngủ trưa 30 phút rất tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, người mẹ cần gọi điện thoại và chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý để trút bỏ những cảm giác mệt mỏi trong người. Qua đó nhận được những lời khuyên hữu ích từ phương pháp chăm sóc con, cảm nhận con lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của cha mẹ để thấy được niềm vui lớn nhất.
Và một điều quan trọng nữa mà chúng ta cần nhớ là đừng bao giờ so sánh mình hay con mình với người khác. Có như vậy, chúng ta sẽ tránh được áp lực không đáng có đang đè nặng lên đôi vai của chính mình.
Lời kết
Trầm cảm sau sinh không phải là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại mang đến những hệ lụy khôn lường, đặc biệt là việc quyên sinh hoặc tự tay giết hại con mình.
Trong số những nguyên nhân gây bệnh thì yếu tố quan trọng nhất là sản phụ và gia đình (đặc biệt là chồng và gia đình nhà chồng) không tìm được tiếng nói chung gây nên những sự bất an, lo lắng cho người vợ. Đặc biệt, sự quan tâm hút về nhân vật chính – đứa trẻ mà quên đi người mẹ khiến họ cảm thấy tủi thân và dễ trở nên bị trầm cảm. Vì vậy, trong thời gian sau sinh (đặc biệt là 6 tháng đầu) chồng và gia đình 2 bên nên lo lắng, quan tâm chăm sóc cả về thể chất và tinh thần cho sản phụ. Thường xuyên trò chuyện, động viên và hướng họ tới những giá trị tích cực để giúp họ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc về những đứa con và cuộc sống tươi đẹp này.
Hải Yến – Benh.vn